Đặt nhiều kỳ vọng đàm phán thuế quan với Mỹ

Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ (ngày 8/5/2025). Sự kiện này, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính), là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam đàm phán thành công thuế quan với Mỹ trên tinh thần hai bên cùng thắng.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính).

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính).

Hầu hết các nước đã và đang đàm phán với Mỹ về thuế quan. Ông dự cảm kết quả đàm phán thế nào sau khi hết thời gian tạm hoãn 90 ngày kể từ ngày 9/4/2025?

Nhận định ban đầu, có thể nói, mức thuế quan mới sau khi các nước đàm phán với Mỹ, trong đó có Việt Nam, chắc chắn thấp hơn mức mà Tổng thống Donald Trump công bố vào ngày 2/4/2025, bởi hiện nay, sức ép không phải chỉ với các nước bị đánh thuế đối ứng, mà sức ép ngay trong lòng nước Mỹ cũng vô cùng lớn. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2025 của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,3% so với cùng kỳ; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25-4,5% vì dự báo những rủi ro về lạm phát cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mặc dù chịu sức ép rất lớn từ phía Nhà Trắng. Chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE - thước đo lạm phát của Mỹ) quý I/2025 tăng 3,6%, thay vì 2,4% của cùng kỳ năm trước.

Có thể nói, ngay sau khi công bố mức thuế đối ứng áp dụng cho từng nền kinh tế vào ngày 2/4/2025, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã không còn cứng rắn như tuyên bố ban đầu là thực hiện mức thuế quan mới kể từ ngày 9/5/2025, không có ngoại lệ. Nhưng đúng ngày dự kiến áp mức thuế quan mới, Mỹ bất ngờ tuyên bố tạm hoãn 90 ngày, sau đó lại tuyên bố loại trừ không áp thuế đối ứng đối với một số sản phẩm điện tử và công nghệ cao. Đây có thế coi là bước lùi và thời hạn 90 ngày là thời gian để Mỹ và các đối tác đàm phán, thỏa thuận mức thuế quan mới có đi có lại.

Chính phủ đã chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để đàm phán. Ông hy vọng kết quả thế nào?

Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là trong đàm phán phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên định; tăng cường đối thoại, tránh căng thẳng; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng; hài hòa lợi ích, vì lợi ích của mỗi nước, có lợi cho các doanh nghiệp và cho người tiêu dùng hai bên. Việc đàm phán cần không làm phức tạp vấn đề; không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; không vì việc này mà ảnh hưởng đến việc khác; không vì thị trường này mà ảnh hưởng tới thị trường khác; có giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Việt Nam và Mỹ mới ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào tháng 7/2000, chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), nên hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào nước ta bị đánh thuế MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ thành viên Tổ chức Thương mại thế giới - WTO). Thuế MFN đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam bình quân chỉ khoảng 15%.

Mức thuế bình quân mà Mỹ công bố (ngày 2/4/2025) áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam lên đến 46% thực sự là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nhưng đây chỉ là mức công bố ban đầu, chúng ta và Mỹ bắt đầu quá trình đàm phán.

Qua báo chí tôi được biết, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên mới có cuộc làm việc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc E. Knapper. Phía Mỹ đánh giá cao các động thái chủ động, thiện chí, mang tính xây dựng của Việt Nam. Mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, song phía Mỹ tin rằng, với thiện chí cao, quá trình đàm phán giữa hai nước sẽ đạt được những kết quả tích cực, mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

ASEAN là “ngôi nhà chung”, nên nhiều chuyên gia cho rằng, để làm ăn lâu dài với Mỹ, các nước ASEAN nên hợp tác cùng ký FTA với Mỹ. Quan điểm của ông thế nào?

Đây là ý tưởng rất hay, nhưng rất khó thực hiện, bởi theo tôi được biết, hiện chỉ có 14 FTA, nhưng chủ yếu là FTA song phương, ngoại trừ USMCA (FTA giữa Mỹ, Canada và Mexico). Trong ASEAN, quy mô các nền kinh tế, trình độ phát triển, độ mở cửa của các nước rất khác nhau, đặc biệt là khoảng cách giữa tốp đầu và tốp cuối, nên rất khó tìm được tiếng nói chung khi cùng nhau ký kết FTA với Mỹ, mặc dù ASEAN đã cùng nhau ký kết FTA với nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dat-nhieu-ky-vong-dam-phan-thue-quan-voi-my-d281720.html
Zalo