Làm gì khi bên thứ ba giữ tiền của người phải thi hành án?
Theo chuyên gia, trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì chấp hành viên phải ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án.
Như PLO đã đưa tin, bà Nguyễn Thị Rõ (59 tuổi, Đồng Tháp) khởi kiện vợ chồng ông Phạm Xuân Giang để đòi số tiền nợ 10 tỉ đồng.
Trong thời gian này, UBND TP Vĩnh Long thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ông Giang được chi trả hơn 6,3 tỉ đồng và hiện do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vĩnh Long quản lý.
Xét xử, TAND TP Vĩnh Long tuyên buộc vợ chồng ông Giang phải trả bà Rõ hơn 12,8 tỉ đồng. Tòa cũng duy trì lệnh phong tỏa số tiền 6,3 tỉ đồng để đảm bảo thi hành án.
Khi bản án có hiệu lực, bà Rõ vẫn chưa nhận được số tiền trên do Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Vĩnh Long - đơn vị đang quản lý khoản tiền bồi thường của ông Giang không bàn giao tiền cho Chi cục THADS Vĩnh Long để thi hành án. Trung tâm này căn cứ Luật Đất đai và cho rằng tiền bồi thường thuộc sở hữu nhà nước nếu người được bồi thường chưa ký nhận và chỉ giao tiền khi có đầy đủ sự hiện diện của ba bên liên quan.
Từ đây, nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi "quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào, liệu có đảm bảo cho người được thi hành án hay không?".
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Hồ Quân Chính, Trưởng bộ môn Đào tạo các chức danh thi hành án dân sự (THADS) tại Cơ sở TP.HCM của Học viện Tư pháp, cho rằng trong vụ việc này không có sự mâu thuẫn giữa Luật THADS và Luật Đất đai.
Theo đó, việc chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ là hoàn toàn có căn cứ phù hợp với quy định tại Điều 81 Luật THADS và không trái với các nguyên tắc, thủ tục về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định tại Điều 93 Luật đất đai 2013 và Điều 30 Nghị định số 47 ngày 15-5-2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo Điều 81 Luật THADS, trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì chấp hành viên phải ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án.
Việc Trung tâm Phát triển quỹ đất cho rằng tiền bồi thường thuộc sở hữu nhà nước nếu người được bồi thường chưa ký nhận là không có căn cứ. Vì ngay cả trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trường hợp diện tích đất thu hồi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà chưa giải quyết xong thì tiền bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất đang tranh chấp đó được chuyển vào Kho bạc Nhà nước. Khoản tiền này cũng đã được xác định là tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người có đất.
Ths Chính cho rằng, trong vụ việc này, khi chuyển tiền cho cơ quan thi THADS để thực hiện quyết định cưỡng chế thì Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện theo yêu cầu của Chấp hành viên mà không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án.
Ngoài ra, hành vi không chấp hành quyết định của Chấp hành viên về việc thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 10-20 triệu đồng theo điểm đ khoản 5 Điều 64 Nghị định số 82 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ths Chính cũng cho biết, trong trường hợp này thì bà Rõ chỉ có thể tiếp tục yêu cầu chấp hành viên, Cơ quan THADS tổ chức thi hành án theo quy định.
"Vướng mắc trong vụ việc này là do chưa có sự thống nhất trong cách hiểu các quy định pháp luật giữa các cơ quan, nên Chấp hành viên cần chủ động làm việc và giải thích rõ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất biết về các quy định pháp luật có liên quan để cùng nhau phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được thi hành án" - Ths Chính nói.