Đại diện VKS đề nghị HĐXX không giao SCB xử lý tài sản liên quan bị cáo Trương Mỹ Lan

Tại phiên tòa, VKS đề nghị HĐXX có lưu ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án phần trách nhiệm dân sự trong vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 1.

Chiều 25-11, phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác tiếp tục phần đối đáp trong vụ án giai đoạn 1 xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đối đáp lại phần kháng cáo của SCB.

 Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đại diện VKS cho biết vào ngày 15-11-2024, TAND TP.HCM đã có thông báo sửa chữa bản án với nội dung đã giải tỏa kê biên nhà đất số 24 Lê Lợi và 1 ô tô. Hiện chỉ còn 1.120 mã tài sản đang bị thế chấp tại SCB để đảm bảo cho 1.243 khoản vay.

Đối với kháng cáo của SCB về việc buộc bị cáo Lan bồi thường từ tiền lãi phát sinh của dư nợ 1.243 khoản vay tính đến thời điểm xét xử thay vì tính đến ngày khởi tố vụ án (17-10-2022). VKS cho rằng, thiệt hại của SCB là dư nợ các khoản vay do bị cáo Lan và các bị cáo khác tại SCB thực hiện các hành vi trái pháp luật, rút tiền SCB để bị cáo Lan sử dụng mục đích khác.

Vì vậy, không có căn cứ xem xét kháng cáo của SCB để tính tiền lãi 1.243 khoản vay đến ngày xét xử mà chỉ tính đến ngày 17-10-2022 là hơn 673.000 tỉ đồng.

Đối với kháng cáo của SCB yêu cầu HĐXX giao Dự án 6A, huyện Bình Chánh cho SCB, VKS khẳng định, thời điểm khởi tố vụ án, Dự án 6A không bị kê biên, không bị đảm bảo khoản vay nào tại SCB. Phía SCB cũng cho rằng, tiền tất toán dự án này là lấy từ SCB nhưng không cung cấp được tài liệu. Nên việc giao dự án 6A cho SCB là không có căn cứ.

Tại phần thẩm vấn, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tự nguyện giao Dự án 6A cho cơ quan thi hành án để đảm bảo việc khắc phục hậu quả vụ án và phía SCB đã đồng ý. Hiện dự án này chưa bị kê biên nên việc bị cáo Lan tự nguyện giao Dự án 6A cho cơ quan thi hành án cần được ghi nhận.

Cạnh đó, đại diện VKS cũng lưu ý, Ngân hàng SCB cho rằng mình là bị hại và các thiệt hại đã được cơ quan tố tụng chứng minh, thể hiện trong quá trình điều tra, bản án sơ thẩm. SCB không cần cung cấp thêm tài liệu chứng minh là hiểu chưa đúng và tự từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình.

Theo quy định, bị hại đưa ra chứng cứ khác để yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường và bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu bên bị thiệt hại chứng minh thiệt hại của mình.

 Đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM tại phiên xét xử phúc thẩm Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM tại phiên xét xử phúc thẩm Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bên cạnh đó, quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan có đề nghị không giao tài sản đang bị kê biên cho SCB xử lý vì SCB không có khả năng xử lý tài sản và sẽ gây thiệt hại cho nhà nước.

Đại diện VKS xét thấy, đây là bản án hình sự nên phải áp dụng theo Luật Thi hành án hình sự và Luật Thi hành án dân sự. Vì vậy, không thể giao SCB quản lí để xử lí tài sản mà cần có cơ quan có thẩm quyền và cơ quan hữu quan khác, đặt dưới sự kiểm sát chặt chẽ của VKSND Tối cao và VKSND TP.HCM.

"Đề nghị HĐXX có lưu ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án phần trách nhiệm dân sự, đảm bảo việc bán các tài sản nhanh nhất, hiệu quả nhất đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án" - đại diện VKS nhấn mạnh.

HỮU ĐĂNG

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-dien-vks-de-nghi-hdxx-khong-giao-scb-xu-ly-tai-san-lien-quan-bi-cao-truong-my-lan-post821600.html
Zalo