Lạm dụng xem điện thoại, trẻ chậm nói gia tăng, bé trai mắc bệnh cao gấp 4 lần gái
Số trẻ chậm nói đến khám và điều trị gia tăng từ sau dịch COVID-19, trong đó tỷ lệ các bé trai mắc bệnh cao gấp 3-4 lần bé gái. Nếu được can thiệp sớm, trẻ sẽ cải thiện đáng kể ngôn ngữ và giao tiếp.

Bác sĩ tư vấn cho phụ huynh phối hợp can thiệp khi trẻ chậm nói.
Thông tin trên được TS Vũ Sơn Tùng - Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần (SKTT) trẻ em và vị thành niên, đưa ra tại hội nghị “Chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ”, do Viện SKTT Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chiều nay (17/2).
Mẹ nghiện rượu có thể khiến con chậm nói
“Từ sau dịch COVID-19, số trẻ chậm nói đến Viện SKTT khám gia tăng, một phần do nhiều bé lạm dụng xem điện thoại, tivi. Hầu hết các cháu được đưa đến ở giai đoạn muộn, khi đã 4-6 tuổi, do nhiều phụ huynh nghĩ trước sau cũng nói được, không biết việc con hay nóng giận là hệ quả của chậm nói” – theo TS Vũ Sơn Tùng.
Ths. BSNT Đỗ Thùy Dung - Phòng SKTT trẻ em và vị thành niên thông tin về ca bệnh mà chị đang điều trị: Do bố mẹ bận đi làm nên cháu N.V.H. (4 tuổi, Hà Nội) sống chủ yếu với ông bà nội, tiếp xúc với tivi và điện thoại từ sớm.
Đến 2 tuổi cháu vẫn không nói được từ ghép, vốn từ hạn chế, không chủ động nói khi chơi với bạn, ít kể chuyện với mẹ, ông bà. Khi muốn lấy đồ vật, cháu chỉ tay hoặc kéo người lớn đến, chứ không nói, hoặc nói từ mà người nghe không hiểu.
Sau khi xác định nguyên nhân, các bác sĩ Viện SKTT đã cho cháu trị liệu ngôn ngữ và can thiệp tâm lý, đồng thời tư vấn gia đình hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại. Sau 3 tháng, việc nói của cháu đã cải thiện.

TS. Vũ Sơn Tùng.
Nguyên nhân và cách nhận biết trẻ chậm nói
Theo TS. Vũ Sơn Tùng, trẻ được coi là chậm nói khi 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc từ ghép. Có nhiều nguyên nhân chậm nói như sứt môi hở hàm ếch, lưỡi, vùng não chi phối phát âm, khiếm thính, tổn thương hệ thần kinh trung ương, rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ như chứng khó đọc, hội chứng Down… Theo chuyên gia, mẹ nghiện rượu khi mang thai, thiếu sự chăm sóc từ gia đình cũng khiến trẻ chậm nói.
TS. Vũ Sơn Tùng lưu ý những yếu tố, nguy cơ của trẻ chậm nói là di truyền; sử dụng tivi, điện thoại hơn 2 giờ/ngày ở trẻ từ 1-3 tuổi; tiếp xúc đa ngôn ngữ chiếm 22% so với 8% của tiếp xúc với một ngôn ngữ.
Các đặc điểm của trẻ chậm nói gồm:
Giai đoạn 0-6 tháng tuổi: Trẻ không giao tiếp bằng mắt với người xung quanh, không nhìn theo hay phản ứng khi được gọi tên.
Từ 6-12 tháng tuổi: Trẻ không phản ứng khi chơi ú òa hoặc những trò chơi tương tự. Không giao tiếp với mọi người bằng từ ngữ, âm thanh, cử chỉ…
Khi 12-18 tháng tuổi: Trẻ không đáp lại khi được gọi tên hay không phản hồi trước các câu hỏi quen thuộc.
2 tuổi: Trẻ vẫn không nói được khoảng 50 từ đơn khác nhau, không thể ghép 2 – 3 từ đơn, như: đi chơi”, “đi ăn”, “đi ngủ” mà chỉ “ăn”.
3 tuổi: Trẻ không thể kết hợp từ thành cụm từ, tạo câu dài như “Mẹ giúp con với”, không tự đặt câu hỏi, không yêu cầu mọi thứ theo tên, mọi người xung quanh không hiểu được trẻ nói.

Ths. BSNT Đỗ Thùy Dung.
Chậm nói gây nhiều hệ lụy
Theo TS. Vũ Sơn Tùng, khoảng 60% trẻ em bị chậm nói gặp khó khăn về đọc và đánh vần cao gấp 6 lần, khó khăn về tính toán cao gấp 4 lần, ảnh hưởng đến cách diễn đạt. Chậm nói khiến các cháu thiếu kỹ năng giao tiếp, ngày càng cô lập, tự ti, kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng.
Khoảng 35% trẻ phục hồi ngôn ngữ lúc 5 tuổi, nhưng lại gặp khó khăn về ngôn ngữ ở tuổi 15-16 và 52% trong nhóm này gặp khó khăn nghiêm trọng về đọc.
TS. Tùng lưu ý việc can thiệp sớm giúp cải thiện phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, giảm bớt các vấn đề liên quan đến cảm xúc và nhận thức xã hội.
Can thiệp sớm giúp tăng khả năng học tập và phát triển kỹ năng tới 30%; giảm các khuyết tật học tập về đọc, viết, toán học lên đến 25%; cải thiện khả năng nói và giao tiếp tới 50%; 70-80% trẻ tự kỷ có thể hòa nhập môi trường học tập và xã hội; giảm 40% hành vi tiêu cực và tiết kiệm chi phí.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Hường.
“Khi trẻ bị nghi ngờ chậm nói nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chương trình can thiệp sớm để đánh giá. Phải khám toàn diện, không “cắt phanh lưỡi”cho trẻ theo lời khuyên của các bác sĩ trên mạng”- TS. Tùng khuyến cáo.
ThS tâm lý Nguyễn Thị Hường cho biết việc trị liệu ngữ âm có hiệu quả với trẻ bị chậm nói. Nhà chuyên môn sẽ đưa ra các phương pháp trị liệu phù hợp. Gia đình cũng cần tăng cường giao tiếp với trẻ, kể chuyện, hát cho con, để tăng khả năng hiểu biết, diễn đạt, kỹ năng giao tiếp của trẻ.
“Hạn chế xem tivi, điện thoại; cho trẻ cơ hội diễn đạt, nhẹ nhàng sửa khi trẻ phát âm chưa đúng và khuyến khích trẻ nói cảm xúc, suy nghĩ của mình” - chị Hường nhấn mạnh.