Không chủ quan với bệnh dại
Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa tiếp nhận bệnh nhân bị chó cắn và đang có biểu hiện nghi giống với biểu hiện của bệnh dại. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, người dân cần nâng cao cảnh giác phòng bệnh cũng như không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì khả năng tử vong gần như tuyệt đối. Thực tế, nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm tính mạng.
Trường hợp của bà V.T.C ở bản Phan Lìn (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) là một điển hình. Qua nắm bắt thông tin do người nhà bà cung cấp, khoảng đầu tháng 1 năm 2025, bà C. đã bị con chó của nhà nuôi cắn ở mặt trước đùi phải (chó cắn nhẹ, chảy máu ít, vết thương nông). Sau khi bị cắn, bà không rửa vết thương và người nhà đã đập chết con chó. Bệnh nhân và người nhà chủ quan do chó nhà nuôi nên không đi tiêm vắc xin dại.
Những ngày gần đây, bà có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đau họng nên người nhà đã đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, điều trị. Với những biểu hiện ban đầu, bệnh nhân được đưa vào Khoa Truyền nhiễm để theo dõi và điều trị. Đến ngày 17/2, bệnh nhân đã diễn biến nặng với những biểu hiện đặc trưng của bệnh dại như: sợ nước, sợ gió, buồn nôn, sốt nhẹ, khó nuốt, không uống được, hốt hoảng, kích thích khi có âm thanh tiếng động…

Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân V.T.C ở bản Phan Lìn (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) đang được gia đình chăm sóc đặc biệt.
Theo Bác sỹ Chuyên khoa I Hảng Láo Lử - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin: Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng có nhiều biểu hiện sức khỏe không tốt. Với tình trạng hiện tại và khai thác tiền sử, chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh dại và tiếp tục theo dõi.
Bác sỹ Giang Thị Loan - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS - tư vấn và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Y tế thành phố Lai Châu ngay sau khi tiếp nhận về việc người dân ở xã San Thàng bị chó nghi dại cắn đã trực tiếp xuống và phối hợp với xã để xử lý ban đầu như phun khử khuẩn môi trường xung quanh, quần áo, chăn màn của bà C. Được biết, 2 con chó khác cùng đàn với con chó cắn bà C. cũng cắn 4 trường hợp khác. Cơ quan chuyên môn và chính quyền cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo các trường hợp bị chó cắn và người nhà bà C. đi tiêm phòng vắc xin dại.

Lãnh đạo Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nắm tình hình sức khỏe của bệnh nhân V.T.C.
Hiện đàn chó mèo trên địa bàn xã San Thàng (được tiêm phòng dại tháng 3 năm 2024) đã sắp hết hiệu lực miễn dịch với bệnh dại, thời tiết đang ấm lên dần; trong môi trường tự nhiên điều kiện thuận lợi để dịch, bệnh xuất hiện. Do đó người dân cần cảnh giác, không chủ quan khi bị chó, mèo cắn.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Trần Đỗ Kiên – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Chỉ tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận gần 300 trường hợp nghi chó, mèo dại cắn để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại. Ngay trong ngày 17/2, Trung tâm đã tiếp nhận và tiêm phòng cho 3 trường hợp tại huyện Sìn Hồ, nguyên nhân do bị chó cắn, sau đó gia đình đã đập chết con chó và làm thịt ăn. Như vậy có thể thấy, vẫn còn một số trường hợp chưa nhận thấy hết mối nguy hiểm của việc bị chó mèo nghi dại cắn, chủ quan không đi tiêm phòng. Đến khi phát bệnh, tình trạng đã nặng, không thể cứu chữa.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.
Theo các y, bác sỹ khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%. Cần hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương; không tự ý điều trị bằng thuốc nam hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây. Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắcxin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Và điều quan trọng nữa là phải theo dõi vật nuôi sau khi cắn, cào người trong thời gian 15 ngày. Nếu vật nuôi nhiễm dại, 100% sẽ chết.
Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được, bằng cách tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo cho vật nuôi. Đồng thời chủ nuôi vật nuôi phải xích, nhốt; khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Qua đó góp phần nâng cao ý thức phòng tránh cũng như ý thức nuôi nhốt chó, mèo cho người dân.