Làm du lịch xanh: Chính sách vững chắc, chuyên gia dẫn đường, cộng đồng chung tay

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và áp lực đô thị hóa ngày càng gia tăng, phát triển du lịch xanh không chỉ là một xu hướng, mà còn là giải pháp bền vững để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Vừa qua Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức talkshow Du lịch xanh, để phát triển bền vững. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 21 năm 2025 do đơn vị này tổ chức.

Du lịch xanh có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ

Ông Nguyễn Châu Á, Nhà sáng lập Oxalis Adventure, chia sẻ niềm tin vào những mô hình du lịch gần gũi, đơn giản mà hiệu quả như XO Tour: trải nghiệm thành phố bằng xe máy, đi chợ, ăn uống và trò chuyện với người dân bản địa. "Những sản phẩm như vậy không cần đầu tư lớn, không thay đổi cảnh quan hay tạo tác động tiêu cực đến môi trường. Đó chính là tinh thần cốt lõi của du lịch xanh", ông nói.

Theo ông, đô thị như TP.HCM hoàn toàn có thể phát triển du lịch xanh bằng việc gìn giữ các giá trị bình dị: chợ truyền thống, ẩm thực đường phố, các con hẻm cũ... miễn là được tổ chức một cách thân thiện với môi trường và tôn trọng văn hóa.

Helly Tống - doanh nhân, nhà hoạt động xã hội, người sáng lập Dự án Mapme, cho rằng du lịch xanh bền vững cần được bắt đầu từ chính cộng đồng dân cư. Theo bà, người dân địa phương không chỉ là người tham gia mà cần được xem là chủ thể trung tâm của các sáng kiến du lịch. Họ cần được tin tưởng, trao quyền sáng tạo và phát triển sản phẩm du lịch từ chính đời sống thường nhật: khu vườn, căn bếp, điệu hò, lời ru...

Các chuyên gia chia sẻ talkshow Du lịch xanh, để phát triển bền vững

Các chuyên gia chia sẻ talkshow Du lịch xanh, để phát triển bền vững

Bà chia sẻ: “Khi người dân cảm thấy bản thân có giá trị và có thể tự tạo thu nhập từ những gì họ đang có, thì du lịch sẽ không còn là một gánh nặng mưu sinh, mà trở thành động lực phát triển”.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần thay đổi tư duy từ những người lớn tuổi, vì họ là “người giữ nếp” trong cộng đồng. Khi lớp trung niên thay đổi, lớp trẻ sẽ tiếp bước dễ dàng hơn.

“Đừng đợi điều kiện hoàn hảo. Hãy bắt đầu từ những hạt giống đã có trong cộng đồng bằng niềm tin, kiên trì và sự dẫn dắt đúng đắn. Làm rồi sẽ thấy. Đi rồi sẽ đến”, bà nhấn mạnh.

Du lịch xanh là nền kinh tế có trách nhiệm và định hướng

Để du lịch xanh thực sự trở thành nền tảng kinh tế lâu dài, cần có sự đầu tư bài bản về chính sách, nhân lực và sự đồng lòng từ tất cả các bên liên quan, từ cộng đồng đến chính quyền.

Ở một góc nhìn sâu hơn, TS. Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, phân tích: “Du lịch, xét cho cùng, vẫn là câu chuyện kinh tế. Và một khi đã là kinh tế thì cần có sự bền vững. Kinh tế xanh không chỉ là bảo vệ môi trường, mà là nền tảng tạo ra giá trị mới là kinh tế sinh hóa, là tăng trưởng mang tính tiên phong”.

Khách nước ngoài đến với Thiền Liềng

Khách nước ngoài đến với Thiền Liềng

Ông nhấn mạnh sự khác biệt giữa tăng trưởng và phát triển: “Tăng trưởng là tốc độ, là con số. Phát triển là chất lượng, là giá trị lâu dài”. Vì vậy, du lịch xanh không thể chỉ là trào lưu, mà cần được đầu tư bài bản về chính sách, nhân lực và nhất là niềm tin từ cộng đồng.

Theo ông Minh, mô hình cộng đồng ở Thiềng Liềng cho thấy người dân có thể làm tốt du lịch, nhưng nếu không có định hướng từ chuyên gia, Nhà nước và sự hỗ trợ chính sách thì họ sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí đi sai hướng.

Ông khẳng định: “Nhà nước cần là người 'thiết kế cuộc chơi'. Tất cả mô hình thành công đều khởi đầu từ chính sách, có sự đồng hành của chuyên gia và sự tin tưởng của người dân”.

Các hoạt động du lịch “xanh” được nhiều người trẻ yêu thích

Các hoạt động du lịch “xanh” được nhiều người trẻ yêu thích

Cuối cùng, ông đề cập đến một yếu tố quan trọng thường bị bỏ qua: giáo dục du khách. Du khách cần hiểu rõ du lịch xanh là gì, và mỗi hành vi từ lựa chọn chỗ ở đến món ăn, đều có thể góp phần hoặc làm tổn hại đến môi trường và cộng đồng. “Chúng ta cần 'vun vãi' những điều tưởng như mơ hồ đó bằng kiến thức, trải nghiệm và truyền thông có chiều sâu”, ông kết luận.

Theo Th.S Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ dừng lại ở định hướng chiến lược, mà còn phải đồng hành với cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển từng sản phẩm du lịch. Bà nhấn mạnh rằng, “mỗi địa phương có bản sắc riêng, thế mạnh riêng. Không thể ‘sao chép’ mô hình du lịch từ nơi này sang nơi khác, mà phải học hỏi cách họ gìn giữ văn hóa, phát huy lợi thế địa phương một cách hài hòa, bền vững”.

Mô hình du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng là ví dụ điển hình. Dù thuộc địa phận TP.HCM, nhưng nơi đây có nét rất riêng biệt so với những điểm đến du lịch cộng đồng như Quảng Bình hay Tây Nguyên. Sự khác biệt đó cần được gìn giữ, phát triển trên cơ sở tôn trọng môi trường sinh thái và đời sống văn hóa của cư dân bản địa.

Du lịch xanh không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng là hướng đi tất yếu nếu chúng ta mong muốn một ngành du lịch phát triển hài hòa, có trách nhiệm và bền vững. Với sự đồng hành từ Nhà nước, sự chủ động của cộng đồng và nhận thức đúng đắn từ du khách – hành trình này chắc chắn sẽ xanh hơn, sâu sắc hơn và đầy hy vọng cho tương lai.

Hà Sang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/lam-du-lich-xanh-chinh-sach-vung-chac-chuyen-gia-dan-duong-cong-dong-chung-tay-c8a94533.html
Zalo