Nâng hạng thị trường chứng khoán đã tiến gần tới đích

Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là mục tiêu mà Chính phủ quyết tâm thực hiện trong năm 2025. Với những nỗ lực từ cơ quan quản lý thời gian qua, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang gần đến đích. Nếu thành công, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng giúp thu hút dòng vốn quốc tế, nâng cao vị thế thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Nâng hạng - điểm nút ghi nhận trạng thái mới

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường mới nổi sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, được xếp hạng thị trường mới nổi sẽ mở rộng đáng kể quy mô dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam. Khi được nâng hạng, Việt Nam sẽ lọt vào "tầm ngắm" của các quỹ đầu tư quy mô lớn hơn nhiều. Các quỹ ETF và quỹ chỉ số mô phỏng thị trường mới nổi buộc phải phân bổ vốn vào Việt Nam khi thị trường được thêm vào rổ chỉ số; đồng thời, các quỹ chủ động cũng sẽ xem xét Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Kết quả là tính thanh khoản và định giá của thị trường có thể được cải thiện nhờ dòng tiền ngoại ổn định hơn.

Thị trường chứng khoán nâng hạng, doanh nghiệp Việt có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế

Việc nâng hạng sẽ góp phần giảm chi phí vốn và thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển. Với việc thị trường chứng khoán được nâng hạng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế hơn, thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu với mức định giá cao hơn và lãi suất thấp hơn.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng sẽ góp phần giảm chi phí vốn và thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển. Với việc thị trường chứng khoán được nâng hạng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế hơn, thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu với mức định giá cao hơn và lãi suất thấp hơn. Thị trường mới nổi cũng đồng nghĩa rủi ro quốc gia trong mắt nhà đầu tư toàn cầu giảm bớt, khi dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường việc huy động vốn của các doanh nghiệp cũng sẽ bền vững và giảm thiểu rủi ro hơn. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực quản trị và tính minh bạch, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, mục tiêu là đưa thị trường phát triển về chất, ổn định, bền vững, khi nào đạt được điều kiện nâng hạng thì sẽ được các tổ chức nâng hạng. Việc nâng hạng chỉ là điểm nút để ghi nhận một trạng thái mới. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường là phải xây dựng thị trường chứng khoán phát triển bền vững, chất lượng ngày càng cao.

Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là mục tiêu mà Chính phủ quyết tâm thực hiện trong năm 2025. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế chính sách nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường của các tổ chức quốc tế. Cụ thể, trong tháng 9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều lệ về giao dịch chứng khoán và đã nhận được những phản hồi tích cực từ nhà đầu tư.

Thông tư 68/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành đã gỡ bỏ rào cản "pre-funding". Theo đó, thông tư cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần nộp sẵn tiền trước khi mua chứng khoán, đồng thời đưa ra lộ trình yêu cầu các công ty niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, đảm bảo bình đẳng thông tin giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc gỡ bỏ nút thắt "prefunding" chính là điều kiện mấu chốt để Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2. Nhiều khả năng FTSE Russell sẽ chính thức thông báo nâng hạng cho Việt Nam trong kỳ đánh giá thường niên tháng 9/2025.

Hướng tới những mục tiêu xa hơn

Song song với quá trình đáp ứng tiêu chí FTSE, Việt Nam cũng hướng tới thỏa mãn các tiêu chí của MSCI để được nâng hạng trong tương lai gần. MSCI hiện xếp Việt Nam vào nhóm thị trường cận biên và có tới 18 tiêu chí định tính/định lượng đánh giá thị trường. Những điểm còn tồn tại tập trung vào một số vấn đề mang tính cấu trúc: giới hạn sở hữu nước ngoài, quyền bình đẳng cho nhà đầu tư ngoại, tự do hóa hơn nữa về giao dịch ngoại hối,... Tuy nhiều tiêu chí để nâng hạng của MSCI đang dần được cải thiện, nhưng triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo MSCI sẽ xa hơn, ít nhất là sau năm 2026.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, về câu chuyện nâng hạng, chúng ta đã có sự chuẩn bị cách đây từ 3 - 5 năm để đáp ứng theo yêu cầu của FTSE và MSCI phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật.

Theo ông Sơn, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản đã đáp ứng được các điều kiện của FTSE như bỏ ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài, hay vấn đề về ngôn ngữ tiếng Anh cũng đã thực hiện để nhà đầu tư có thể so sánh trên nền tảng tiếng Việt và tiếng Anh…, khi đưa KRX vào có thể cho phép bán sản phẩm chứng khoán chờ về, hoặc giao dịch trong ngày, cho phép nhà đầu tư sử dụng tiền quay vòng nhanh hơn. Ngoài ra, khi đưa vào vận hành mô hình đối tác bù trừ trung tâm, tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đặt lệnh mua chứng khoán chỉ cần ký quỹ một phần nhỏ so với giá trị đặt mua, tạo nhiều điều kiện cho nhà đầu tư.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển không ngừng của thị trường chứng khoán Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tiếp cận nguồn vốn và huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề kỹ thuật, bao gồm đối thoại, xúc tiến đầu tư… để các tổ chức nước ngoài tiếp tục đánh giá tích cực, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm nay.

BÀ ĐẶNG NGUYỆT MINH - GIÁM ĐỐC KHỐI NGHIÊN CỨU, DRAGON CAPITAL VIỆT NAM: Thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư gián tiếp

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có mức định giá hấp dẫn so với khu vực, với chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu (P/E) khoảng 10 lần, thấp nhất trong khu vực. Dù thị trường đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền ngắn hạn, nhưng tiềm năng tăng trưởng dài hạn vẫn rất lớn. Dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2025 có thể đưa chỉ số P/E xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm, tạo sức hút mạnh mẽ cho nhà đầu tư quốc tế.

Một bước ngoặt quan trọng là hệ thống giao dịch mới, triển khai từ ngày 5/5/2024, giúp cải thiện thanh khoản và rút ngắn quy trình thanh toán. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng thị trường, hỗ trợ tiến trình nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Khi nâng hạng, Việt Nam sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), đồng thời nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và khả năng huy động vốn. Bên cạnh đó, việc nâng hạng không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất mà còn nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Khi nền kinh tế ngày càng mở cửa, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn vốn và đối tác chiến lược hơn, tạo động lực phát triển bền vững.

ÔNG VŨ THÀNH HUY - QUẢN LÝ DANH MỤC ĐẦU TƯ TẠI CÔNG TY CP ĐẦU TƯ FINSUCCESS: Nỗ lực của cơ quan quản lý tạo ra nền tảng vững chắc

Sau nhiều năm kỳ vọng chưa thành hiện thực, quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có bước tiến mạnh mẽ, hướng đến khả năng được FTSE xếp vào nhóm thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2025. Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như Thông tư 68/2024 về Non-Prefunding, Luật Chứng khoán sửa đổi 2024 và dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020 về sở hữu nước ngoài. Cơ quan quản lý cũng tích cực làm việc với MSCI, FTSE, S&P Global và các tổ chức tài chính hàng đầu để đẩy nhanh quá trình nâng hạng. Hai tiêu chí quan trọng cuối cùng chu kỳ thanh toán và chi phí xử lý giao dịch thất bại đang dần được hoàn thiện.

Bên cạnh mục tiêu nâng hạng, Việt Nam nên hướng đến mục tiêu xa hơn đó là thị trường mới nổi của MSCI hoặc thậm chí thị trường mới nổi tiên tiến. Việc nâng hạng có thể giúp thu hút khoảng 1 tỷ USD từ quỹ ETF, con số này không quá lớn so với thanh khoản thị trường. Quan sát các thị trường khác như Kuwait, Qatar, UAE, chứng khoán thường tăng mạnh trước khi nâng hạng và điều chỉnh sau đó do áp lực chốt lời.

ÔNG PHẠM LÊ DUY NHÂN - GIÁM ĐỐC QUẢN LÝ DANH MỤC ĐẦU TƯ, CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ VIETCOMBANK (VCBF): Nâng hạng thị trường tạo động lực tăng trưởng bền vững

Nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng. Sau nhiều nỗ lực cải cách, Việt Nam có khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Nếu điều này xảy ra, trước mắt, Việt Nam có thể thu hút khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ đầu tư theo chỉ số và lượng vốn chủ động có thể cao gấp 3 - 5 lần con số này, tương đương 4 - 6 tỷ USD.

Quan trọng hơn, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường, trong đó có hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm, giúp giải quyết những rào cản lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ và được kỳ vọng mang lại động lực tăng trưởng bền vững, không chỉ cho nền kinh tế mà còn cho lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Cùng với đó, việc chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu số lượng và chất lượng các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Hiện nay, tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng và bất động sản chiếm 50 - 60% chỉ số thị trường, chưa phản ánh đầy đủ cấu trúc nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và niêm yết trên sàn, cơ hội đầu tư sẽ trở nên đa dạng hơn, góp phần nâng cao sức hút của thị trường trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-da-tien-gan-toi-dich-174026-174026.html
Zalo