Không nghỉ lễ, giới trẻ Hà Nội chọn tăng ca để kiếm tiền
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, thay vì đổ về quê hay đi du lịch, nhiều người trẻ tại Hà Nội chọn ở lại thành phố, đăng ký làm việc xuyên lễ để nhận mức lương gấp đôi.
Một xu hướng mới đang dần hình thành: Nghỉ lễ không còn là ưu tiên tuyệt đối, cơ hội kiếm tiền mới là điều quan trọng hơn.
Khi ngày nghỉ trở thành "ngày vàng" để tăng thu nhập.
Dạo quanh các tuyến phố trung tâm Hà Nội vào ngày lễ, không khó để bắt gặp những khuôn mặt trẻ trung, năng động vẫn đang bận rộn với công việc. Các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê vẫn mở cửa, thậm chí còn đông khách hơn thường ngày, nhờ lực lượng nhân sự trẻ không ngần ngại làm xuyên lễ.
“Thay vì nghỉ, mình chọn làm thêm, làm cả ngày với mức lương nhân đôi. Đây là cơ hội tăng thu nhập", chia sẻ này của Phương Trang, 21 tuổi, nhân viên bán hàng tại quận Cầu Giấy đã phản ánh xu hướng chọn làm thêm thay vì nghỉ lễ của giới trẻ hiện nay.

Lựa chọn làm thêm ngày nghỉ lễ đang là xu hướng của giới trẻ. Ảnh: Ngọc Tâm
Không riêng gì Trang, rất nhiều người trẻ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, từ những sinh viên làm thêm, nhân viên văn phòng, đến cả những lao động tự do, đều có chung lựa chọn: Không nghỉ lễ. Thay vào đó, họ chọn đi làm để tận dụng cơ hội nhận lương gấp đôi hoặc nhiều hơn nếu tăng ca, làm thêm giờ.
Theo một khảo sát trên một diễn đàn tuyển dụng tự do tại Hà Nội, có đến 67% người trẻ dưới 30 tuổi cho biết sẵn sàng làm việc dịp Giỗ Tổ nếu được trả lương cao hơn. Trong đó, nhóm ngành dịch vụ, logistics, bán hàng và giao nhận là những ngành có nhu cầu làm thêm và tuyển lao động làm xuyên lễ nhiều nhất.
Không chỉ là câu chuyện “kiếm thêm ít tiền tiêu vặt”, xu hướng này phản ánh rõ tâm lý mới mẻ, tích cực của giới trẻ đô thị: Tận dụng mọi thời điểm có thể để tăng thu nhập, giảm phụ thuộc tài chính vào gia đình, hướng đến tự chủ tài chính từ sớm.
Nghỉ ngơi không còn là ưu tiên
Đằng sau lựa chọn “không nghỉ lễ” là cả một sự thay đổi trong tư duy và thói quen làm việc của thế hệ trẻ.
Khác với thế hệ trước, những người trẻ hiện nay nhìn nhận công việc và thời gian một cách linh hoạt hơn. Với họ, nghỉ lễ không còn là thứ bất di bất dịch, mà là sự lựa chọn - và lựa chọn ấy đôi khi lại nghiêng về... tài chính.
Quang Trình, 28 tuổi, nhân viên marketing một công ty tại phố Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Ngày xưa nghỉ lễ là để đi chơi, vui vẻ. Nhưng giờ thì khác, mình thấy làm việc ngày lễ vừa có thêm thu nhập, được tính 2 công, vừa tránh được cảnh chen chúc du lịch đông đúc. Bây giờ mình đang tiết kiệm để mua xe và nhiều nhu cầu khác".

Lựa chọn làm thêm ngày nghỉ lễ đang là xu hướng của giới trẻ. Ảnh: Ngọc Tâm
Theo các chuyên gia nhân sự, xu hướng này không chỉ đến từ nhu cầu kinh tế mà còn chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Sau những giai đoạn mất việc, cắt giảm thu nhập hay làm việc gián đoạn vì dịch bệnh, người trẻ hiểu rõ hơn giá trị của việc ổn định tài chính. Họ ưu tiên tính linh hoạt, năng suất và khả năng tích lũy thay vì "sống để nghỉ".
Bên cạnh đó, các công ty cũng dần thay đổi chính sách theo hướng tạo động lực tài chính cho nhân viên đi làm dịp lễ. Việc nhân đôi, nhân ba mức lương theo quy định không chỉ thu hút lao động làm việc xuyên ngày nghỉ mà còn giảm tải cho khối nhân sự cố định.
Xu hướng không nghỉ lễ không đồng nghĩa với việc giới trẻ “tham công tiếc việc” hay “bỏ quên” sức khỏe tinh thần. Trái lại, nhiều người trong số họ chia sẻ rằng họ thấy thoải mái và có động lực khi được chủ động chọn thời gian nghỉ phù hợp hơn.