Doanh nghiệp Mỹ ảnh hưởng nặng nhất do chính sách thuế: Gậy ông có đập lưng ông?

Chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức khiến thị trường thế giới chao đảo, thậm chí được nhận định là sẽ 'tái thiết' thương mại toàn cầu trên mọi phương diện.

Tuy nhiên, công cuộc “tái thiết” đó không chỉ tác động tới phần còn lại của thế giới, mà còn cả với ngay các doanh nghiệp lớn của Mỹ.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Thị trường chứng khoán được xem là “hàn thử biểu” nhanh nhạy nhất cho những biến động của nền kinh tế, và kể từ sau “Ngày giải phóng” với mức thuế “gây sốc” của Tổng thống Donald Trump, hàng nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán Mỹ đã bị thổi bay. Trong đó, các thương hiệu toàn cầu có trụ sở tại Mỹ - từ Nike đến Apple đã hứng chịu những mức giảm mạnh nhất với nỗi lo về việc giá tăng và mức giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Các quốc gia châu Á là mục tiêu lớn trong chính sách thuế quan của ông Donald Trump khiến các cổ phiếu công nghệ lao dốc, vốn phụ thuộc nhiều vào khu vực này về nguồn cung linh kiện. Ví dụ, Apple – công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới đã đánh mất tới 300 tỷ USD chỉ trong ngày đầu tiên sau khi chính quyền Donald Trump công khai chính sách thuế, ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất tính theo ngày kể từ năm 2020. Lý do là bởi Apple sản xuất phần lớn thiết bị phần cứng tại Trung Quốc và hai trung tâm khác là Ấn Độ và Việt Nam – đều là các quốc gia bị áp mức thuế rất cao. Tương tự, Nvidia - công ty dẫn đầu thị trường sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, đã mất 210 tỷ USD do công ty có cơ sở sản xuất chất bán dẫn chính là Đài Loan (Trung Quốc) – thị trường cũng bị áp thuế 32%.

Ông Arunag Rana, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Bloomberg Intelligence phân tích: “Apple không thể bù đắp được rủi ro về biên lợi nhuận. Doanh số bán iPhone có khả năng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong nửa cuối năm khi Trung Quốc chiếm 20% doanh số bán hàng của Apple. Vì vậy, thẳng thắn mà nói, thời điểm này thực sự hỗn loạn với Iphone. Với các doanh nghiệp công nghệ khác, cho dù không liên hệ trực tiếp với thị trường Trung Quốc, thì với nguy cơ suy thoái kinh tế như thế này, chắc chắn sẽ có sự gián đoạn trong chi tiêu cho công nghệ”.

Sau ngành công nghệ, thời trang và may mặc của Mỹ cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt tên tuổi đứng đầu danh sách là Nike, Levi’s, Gap… đều đối diện nguy cơ suy giảm sức mua của người tiêu dung do giá tăng khi sản phẩm của những công ty này đều có xuất xứ từ những trung tâm may mặc ở châu Á. Điển hình nhất là Nike khi có tới 95% sản phẩm giày dép được sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, gần 60% tất cả các loại quần áo mang thương hiệu Nike được sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia.

Cuộc chiến thuế quan gây ra mối lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu, sự chậm lại trong chi tiêu của người tiêu dùng với những nhu cầu không thiết yếu bị hạn chế, vì vậy những doanh nghiệp trong lĩnh vực này của Mỹ cũng lao đao trước chính sách thuế mới. Boeing là một trong những công ty giảm giá trị mạnh nhất trên phố Wall khi mức thuế ông Donald Trump đã chấm dứt 45 năm sản xuất gần như miễn thuế cho ngành hàng này, trong khi Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và xuất khẩu khoảng 80% số máy bay thương mại mà công ty chế tạo.

Trong khi đó, Norwegian Cruise Lines là một trong những công ty giảm mạnh nhất trên S&P 500 bên cạnh các công ty du thuyền khác như Carnival, Royal Caribbean, Viking và Lindblad… do lo ngại về việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho du lịch quốc tế. Mặc dù thuế quan được đánh vào sản phẩm chứ không phải dịch vụ, các công ty tài chính cũng bị ảnh hưởng. American Express, Visa, Mastercard, Goldman Sachs, Morgan Stanley – toàn bộ những tên tuổi lớn đều không thể “trụ” được trước làn sóng bán cổ phiếu ồ ạt của giới đầu tư. Trước thực trạng hàng nghìn tỷ USD tài sản bị “thổi bay”, chính các tập đoàn lớn của Mỹ đang chờ đợi sự điều chỉnh chính sách của chính quyền Donald Trump.

Giáo sư Abigail Hall của trường Đại học Tampa, Mỹ nhận định: “Xét về mặt kinh tế, những chính sách này không phải là bất di bất dịch. Và chắc chắn chúng ta có rất nhiều, rất nhiều ví dụ trong lịch sử về việc tự do hóa hoặc nới lỏng chính sách thuế quan. Vậy thì những chính sách này có thể bị đảo ngược không? Tất nhiên là có thể bị đảo ngược. Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, đối với tổng thống, tôi không rõ liệu việc đảo ngược các chính sách này có khả thi hay không vì ông ấy nhiều lần nói rất rõ rằng ông ấy thích thuế quan”.

Cho đến nay, rõ ràng tác động của chính sách thuế quan mà Tổng thống Donald Trump đưa ra không phải là tác động một chiều. Ông Donald Trump cũng thừa nhận chính sách thuế quan mới sẽ không dễ chịu cho người Mỹ và kêu gọi người dân kiên nhẫn. Tuy nhiên, chính người Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ sẽ kiên nhẫn được đến đâu trước những tổn thất chưa thể đo đếm hết – đó là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Thúy Ngọc/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/doanh-nghiep-my-anh-huong-nang-nhat-do-chinh-sach-thue-gay-ong-co-dap-lung-ong-post1190246.vov
Zalo