Lâm Đồng trong tương lai
Trong quá trình phát triển, tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông nhiều lần được điều chỉnh, sắp xếp để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đạt được một số kết quả tích cực. Với Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh mà 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông mới thông qua, có thể nhận thấy tương lai của một nền kinh tế đa dạng, có tiềm lực mạnh và nhiều dư địa để phát triển khi Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông được sáp nhập để hình thành tỉnh Lâm Đồng mới.

Một góc Lâm Đồng.
Chuẩn bị hình thành Lâm Đồng mới
Sáng 16/4, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; trong đó, có nêu các giải pháp về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Qua nghiên cứu Lâm Đồng trong tương lai, có thể nhận thấy Lâm Đồng có nhiều tiềm năng phát triển bền vững, nếu tiếp tục đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Lâm Đồng sẽ vững tin bước vào kỷ nguyên mới cùng với đất nước.

Một góc Bình Thuận.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để hoàn thiện tỉnh Lâm Đồng trong tương lai trên cơ sở: Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025; Quyết định 759/QĐ-TTg, sáp nhập tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi Lâm Đồng, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay, có diện tích tự nhiên 24.233,1 km2 ( đứng thứ 1 cả nước); quy mô dân số 3.324.400 người (đứng thứ 13 cả nước); GRDP có quy mô lên tới 329.871 tỷ đồng (thứ 8 cả nước).

Một góc Đắk Nông.
Các lợi thế so sánh
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong lợi thế hàng đầu của Lâm Đồng, là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm lớn nhất cả nước, với quy mô trên 1.054.000 ha (Đắk Nông có khoảng 378.000 ha, Lâm Đồng có khoảng 320.000 ha, Bình Thuận có khoảng 356.000 ha). Độ cao địa hình sản xuất nông nghiệp biến động rất lớn từ 2 m (Bình Thuận) đến 1.600 m (Lâm Đồng); bao gồm hệ sinh thái nông nghiệp Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Do đó, tỉnh Lâm Đồng có điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng cao phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi phong phú nhất cả nước (cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, rau hoa, chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản).

Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt thực hành trên hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân cùng chuyên gia Hàn Quốc.
Tiềm năng phát triển du lịch xanh:
Tiềm năng du lịch phát triển vượt bậc khi địa phương có nhiều tiềm năng thiên nhiên hài hòa giữa rừng và biển: Lâm Đồng sở hữu quá nhiều danh lam thắng cảnh của thương hiệu như Đà Lạt; có nhiều câu chuyện tình bí ẩn, đặc biệt là huyền thoại tình sử Lang Biang; Khu du lịch hồ Tuyền Lâm là khu du lịch quốc gia đầu tiên ở Việt Nam; các hồ: Xuân Hương, Tuyền Lâm, Than Thở, Đa Thiện đẹp như bức tranh thủy mặc; đồi chè Cầu Đất, đồi chè Bảo Lộc tạo biết bao cảnh đẹp gần gũi với thiên nhiên, nhiều tháng trong năm được bao phủ bởi sương mù, tạo cảm giác sự hòa quyện giữa trời và đất gần nhau.

Núi lửa Băng Mo (Đắk Nông) được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Công viên địa chất Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760 km2, có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, trong đó có hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước đã tạo nên kiệt tác thiên nhiên luôn thôi thúc du khách luôn tìm về khám phá; hồ Tà Đùng có diện tích gần 6.000 ha mặt nước, được ví như vịnh Hạ Long trên đại ngàn Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch xanh.

Bãi biển Đồi Dương - Phan Thiết.
Phan Thiết với hệ sinh thái các điểm du lịch luôn quyến rũ du khách yêu biển như công viên biển Đồi Dương, lầu Ông Hoàng; Mũi Né với hàng chục thương hiệu resort nổi tiếng, song còn giữ lại những làng chài hoang sơ với nét văn hóa truyền thống và sở hữu rất nhiều đảo hoang sơ thiên nhiên ngàn đời, đặc biệt là Đảo Phú Quý… và còn rất nhiều điểm đến hấp dẫn mà Lâm Đồng đang sở hữu được các tạp chí trong và ngoài nước bình chọn luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương, tất cả những tiềm năng du lịch tạo cho Lâm Đồng phát triển xu lịch xanh thu xu thế toàn cầu.
Tài nguyên rừng và tính đa dạng sinh hoc cao:
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích đất rừng khoảng 1,128.689 ha, lớn nhất cả nước (Đắk Nông có khoảng 248.000 ha rừng, Lâm Đồng có khoảng 538.741 ha, Bình Thuận có khoảng 342.128 ha); Lâm Đồng sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, một phần rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên - Danh hiệu danh lục xanh đầu tiên ở Việt Nam; khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu và khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.
Do đó, Lâm Đồng có tài nguyên rừng phong phú, tính đa dạng sinh học cao, nhờ đó có hệ thực vật và động vật phong phú; trong đó, có nhiều loài thực vật, động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tài nguyên rừng Lâm Đồng có rất nhiều tiềm năng phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái và du lịch sáng tạo, góp phần điều hòa khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu và là thượng nguồn cung cấp nguồn nước cho các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Khai thác quặng bauxite tại Lâm Đồng. Ảnh: Chính Phong
Khoáng sản tầm cỡ quốc gia và quốc tế:
Theo thống kê, Lâm Đồng có trên 30 loại khoáng sản, nổi bật nhất là quặng bô xít, titan và các khoáng sản khác như kaolin, diatomite, bentonite, đá ganite, than bùn… Trong đó, quặng bauxite trên 5,4 tỷ tấn nguyên khai (Đắk Nông có khoảng 4,2 tỷ tấn, chiếm 47% trữ lượng bauxite cả nước, Lâm Đồng có khoảng 1,234 tỷ tấn). Lâm Đồng có cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của Việt Nam và thế giới.
Lâm Đồng có trữ lượng trên 599 triệu tấn quặng titan, chiếm 92% trữ lượng quặng titan của cả nước và đã được quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp khai thác - chế biến quặng titan của quốc gia.
Kinh tế biển có nhiều tiềm năng song chưa được khai thác tương xứng:
Lâm Đồng có đường bờ biển dài 192 km, có ngư trường rộng 52.000 km2, hiện đang thực hiện điều tra, lập danh mục phân loại hải đảo như Hòn Cau, Hòn Nghề, Hòn Lao, Hải đăng Kê Gà, Hòn Bà, cụm đảo Phú Quý còn nổi tiếng với đảo Phú Quý được mệnh danh là thiên đường du lịch đảo cho những người đam mê biển đảo. Cơ cấu ngành nghề đang có sự thay đổi lớn tương ứng với tiềm năng.
Nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa:
Tỉnh Lâm Đồng sở hữu nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên do UNESCO công nhận như: Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Mộc bản triều Nguyễn; Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang; Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; Đà Lạt thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO lĩnh vực âm nhạc; “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, còn có khu di tích Cát Tiên và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Lâm Đồng. Lâm Đồng sở hữu nhiều công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, trong đó Trường Cao đẳng Đà Lạt nằm trong 1.000 công trình kiến trúc độc đáo thế kỷ 20.

Một tiết mục trong Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX tổ chức tại huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Ảnh: NV
Đặc biệt Lâm Đồng là nơi hội tụ nhiều thành phần dân tộc anh em sinh sống từ mọi miền đất nước, tạo nên nét văn hóa độc đáo; tất cả những yếu tố văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc là một tài sản vô cùng quý giá có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa.
Những giải pháp đột phá từ khoa học công nghệ:
Để khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh Lâm Đồng có giải pháp đồng bộ, quyết liệt tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tập trung một số giải pháp cơ bản sau:

Ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp; việc sử dụng công nghệ IoT, hệ thống quản lý trang trại thông minh, hay drone trong việc giám sát mùa vụ sẽ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai hoặc bệnh dịch. Phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và công nghiệp sinh thái trong điều kiện hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân theo các mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân sẽ giúp lan tỏa kỹ thuật mới và tạo ra đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Có giải pháp tổng với tầm nhìn dài hạn phát triển du lịch xanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có công nghệ quản trị theo tiêu chí ESG để khai thác tiềm năng lợi thế so sánh về du lịch;
Khai thác tính đa dạng sinh học trong trong nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế để thu hút nguồn lực quốc tế. Phát triển du lịch xanh, du lịch sáng tạo và giải pháp tổng thể thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu chế biến sâu để khai thác bauxite, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để chế biến bauxite, có giải pháp đồng bộ, khoa học giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường để Lâm Đồng trở thành ngành công nghiệp bauxite tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Đầu tư các công nghệ mới để phát triển kinh tế biển gắn trên nền tảng công nghệ - kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo nhằm phát huy lợi thế tiềm năng riêng có của kinh tế biển Lâm Đồng.

Có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa vì đây là lĩnh vực mới trước nay chưa được đầu tư nghiên cứu nhiều; ứng dụng tích hợp các công nghệ tiên tiến và thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng công nghiệp văn hóa trong tương lai.
Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước để phát triển toàn diện các lĩnh vực có lợi thế so sánh của tỉnh Lâm Đồng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công trong đổi mới sáng tạo chính là nguồn nhân lực. Vì vậy, cần tăng cường giảng dạy các môn học liên quan đến khoa học - công nghệ, nhất là trong các trường phổ thông và cao đẳng. Cần khuyến khích sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp thực tế. Hệ thống giáo dục sẽ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn chú trọng đến phát triển kỹ năng sáng tạo, khởi nghiệp cho thế hệ trẻ, đây là nguồn nhân lực thực thi hiệu quả các giá trị tiềm năng trong tương lai. Cung cấp các khóa học về các công nghệ mới và kỹ năng thực hành cho lao động trong tỉnh, đặc biệt các ngành có lợi thế tiềm năng của tỉnh.

Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong Giáo dục: Triển khai các cuộc thi khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên để khơi gợi niềm đam mê sáng tạo và khởi nghiệp trong giới trẻ. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các kế hoạch, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý đối với doanh nghiệp sáng tạo, là cơ sở khoa học có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm và phát triển kinh tế địa phương. Điều chỉnh thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới và đổi mới sáng tạo. Tạo một môi trường thuận lợi cho các Start-up, bao gồm việc cung cấp các quỹ hỗ trợ, tư vấn và đào tạo cho doanh nghiệp trẻ. Thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo nhằm trợ tài chính cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ hiện nay. Lâm Đồng cần chú trọng đến việc phát triển kinh tế số nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và cung cấp dịch vụ. Đầu tư vào hạ tầng viễn thông, Internet băng rộng, thực hiện chuyển đổi số toàn diện từ dịch vụ hành chính công đến tận các khu vực nông thôn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công nghệ thông tin.
Thiết lập mối quan hệ đối tác quốc tế: Tạo mối liên kết với các tổ chức quốc tế để tiếp cận nguồn lực, công nghệ và kinh nghiệm trong việc phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tỉnh Lâm Đồng mới sẽ là một bước ngoặt mới quan trọng trong hành trình phát triển mới. Để biến những giấc mơ và khát vọng thành hiện thực, chúng ta cần sự chung tay, góp sức của tất cả các tầng lớp trong xã hội - từ chính quyền, các doanh nghiệp, đến từng người dân. Đây không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay một tổ chức nào mà là của toàn bộ cộng đồng, tạo ra một môi trường phát triển bền vững và thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.