Nvidia bác tin thành lập liên doanh ở Trung Quốc sau chuyến đi chớp nhoáng của CEO Jensen Huang

Việc Nvidia bác thông tin này diễn ra trong bối cảnh gã khổng lồ chip trí tuệ nhân tạo (AI) đang cố gắng tìm cách xoay sở giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Nvidia phủ nhận thông tin rằng hãng đang lên kế hoạch thành lập một liên doanh tại Trung Quốc nhằm duy trì sự hiện diện kinh doanh ở nước này, khi đang phải đối mặt các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ với các bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến.

Hôm 28.4, trang tin công nghệ Digitimes (Đài Loan) cho biết ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), Giám đốc điều hành Nvidia, đang cân nhắc việc thành lập một liên doanh tại Trung Quốc để duy trì hoạt động cho nền tảng điện toán CUDA của công ty cũng như các lợi ích kinh doanh khác ở đây.

CUDA (Compute Unified Device Architecture) là nền tảng điện toán song song và mô hình lập trình được phát triển bởi Nvidia, cho phép các lập trình viên sử dụng GPU để xử lý các tác vụ tính toán tổng quát, không chỉ đồ họa, mà cả AI, mô phỏng vật lý, xử lý dữ liệu lớn...

Nvidia thu được hơn 13% doanh thu từ Trung Quốc (tương đương khoảng 17 tỉ USD) trong năm tài chính vừa qua, dù đã giảm so với mức 21% trong năm tài chính 2023.

Ngày 29.4, một đại diện của Nvidia đã bác bỏ thông tin do Digitimes đăng tải. “Không có bất kỳ cơ sở nào cho những tuyên bố này”, đại diện của Nvidia nói với trang SCMP, đồng thời cho biết việc “đăng những tuyên bố vô căn cứ và suy đoán như sự thật là hành động vô trách nhiệm”.

Nvidia đang cố gắng duy trì doanh số bán hàng tại Trung Quốc và đối phó với sự cạnh tranh từ các đối thủ nội địa. Ngoài ra, Nvidia phải tuân thủ các quy định từ Mỹ hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến sang Trung Quốc.

Hôm 17.4, ông Hoàng Nhân Huân bất ngờ đến thăm Trung Quốc sau khi GPU H20 bị cấm bán sang quốc gia châu Á này theo các quy định mới nghiêm ngặt hơn từ chính quyền Trump. H20 từng được Nvidia thiết kế riêng cho khách hàng Trung Quốc nhằm tuân thủ các quy định xuất khẩu trước đó của chính quyền Biden.

Trước chuyến đi của ông Hoàng Nhân Huân, Nvidia tiết lộ rằng lệnh cấm bán H20 tại Trung Quốc có thể khiến công ty thiệt hại khoảng 5,5 tỉ USD.

Ở chuyến đi này, lần thứ hai trong vòng ba tháng, Giám đốc điều hành Nvidia đã gặp gỡ các quan chức Trung Quốc, gồm cả ông Hà Lập Phong (Phó thủ tướng Trung Quốc, phụ trách đàm phán thương mại Mỹ - Trung) và Cung Chính (Thị trưởng thành phố Thượng Hải).

Ông Hoàng Nhân Huân gặp Cung Chính, Thị trưởng thành phố Thượng Hải - Ảnh: Handout

Ông Hoàng Nhân Huân gặp Cung Chính, Thị trưởng thành phố Thượng Hải - Ảnh: Handout

Chuyến thăm của ông Hoàng Nhân Huân được thực hiện theo lời mời từ Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT), cơ quan được nhà nước hậu thuẫn nhằm đại diện cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Ông Hoàng Nhân Huân còn gặp Nhậm Hồng Bân - Chủ tịch CCPIT, trong đó tỷ phú 62 tuổi người Mỹ bày tỏ hy vọng Nvidia có thể tiếp tục hợp tác với Trung Quốc vì đây là “thị trường then chốt” với công ty, theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Ở diễn biến khác, trang tin tài chính Caijing (Trung Quốc) đưa tin Tencent và Alibaba đang mua lại một phần số Nvidia H20 trị giá 13,7 tỉ USD mà ByteDance tích trữ.

Theo Caijing, gã khổng lồ truyền thông mạng xã hội và game Tencent đã mua khoảng 2 tỉ nhân dân tệ giá trị GPU, chủ yếu là Nvidia H20, trong quý 1/2025 nhằm hỗ trợ phát triển AI, gồm cả ứng dụng Yuanbao tương tự ChatGPT.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng mua Nvidia H20 từ ByteDance vì lý do tương tự, Caijing cho biết hôm 28.4, trích dẫn các nguồn tin thân cận.

Do còn để sử dụng nội bộ, ByteDance chỉ bán ra chưa đến 10% tổng lượng năng lực điện toán dự trữ của mình, nhằm tạo doanh thu cho bộ phận điện toán đám mây Volcano Engine, theo Caijing.

Tin tức này xuất hiện trong bối cảnh nhu cầu về sức mạnh điện toán gia tăng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi việc ứng dụng AI nhanh chóng và Mỹ ngày càng siết chặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu, khiến các công ty Trung Quốc khó tiếp cận chip tiên tiến hơn.

H20 có hiệu năng chậm hơn so với H100 và Blackwell thế hệ mới của Nvidia, nhưng từng là chip AI mạnh nhất mà công ty Mỹ được phép bán hợp pháp tại Trung Quốc theo các hạn chế xuất khẩu từ chính quyền Biden vì lý do an ninh quốc gia.

Các công ty Trung Quốc, gồm cả ByteDance, Alibaba và Tencent, đã đặt mua ít nhất số Nvidia H20 trị giá 16 tỉ USD trong quý 1/2025, theo trang tin công nghệ The Information. Nhiều đơn đặt hàng này là cho phiên bản H20 nâng cấp có tích hợp bộ nhớ băng thông cao (HBM) giống trong dòng chip Blackwell của Nvidia.

Những sự lựa chọn thay thế tiềm năng cho Nvidia H20

Hoạt động kinh doanh của Nvidia tại Trung Quốc có khả năng “giảm gần như bằng 0” nếu các hãng công nghệ lớn như ByteDance và Tencent chuyển sang các nhà cung cấp chip AI trong nước, nhà phân tích Brian Colello của hãng Morningstar cho biết trong một ghi chú nghiên cứu gần đây, đồng thời nói thêm rằng không kỳ vọng sự phục hồi trong tương lai gần.

Những sản phẩm nội địa của Huawei và Cambricon Technologies đang có cơ hội lớn hơn khi việc tiếp cận các chip tiên tiến Nvidia ngày càng bị hạn chế.

Huawei đang thử nghiệm chip AI mới nhất Ascend 910D, được kỳ vọng sẽ mạnh hơn cả Nvidia H100, theo trang Wall Street Journal. Huawei dự kiến sẽ giao các chip AI tiên tiến 910C cho khách hàng Trung Quốc ngay vào tháng 5 tới.

Trong khi đó, Cambricon Technologies (một trong những nhà sản xuất chip AI hàng đầu Trung Quốc) báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025 rất ấn tượng, với doanh thu đạt 1,1 tỉ nhân dân tệ (tăng gấp 42 lần so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận ròng quý đạt 356 triệu nhân dân tệ.

Nvidia bắt đầu bán H20 cho thị trường Trung Quốc từ đầu năm 2024, sau khi các dòng chip AI tiên tiến của hãng như A100, H100, A800 và H800 bị Mỹ đưa vào danh sách hạn chế xuất khẩu do lo ngại về an ninh quốc gia.

“Với hiệu suất điện toán mạnh mẽ và lợi thế về tiết kiệm năng lượng, H20 đã trở thành phần cứng then chốt để huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn”, Gao Chengfei, Giám đốc công ty tư vấn Tiaoyuan (Trung Quốc), bình luận.

ByteDance và Tencent đều đã dựa vào H20 trong các nỗ lực phát triển AI của mình. Mỗi công ty đã đặt mua khoảng 230.000 chip thuộc dòng Hopper của Nvidia vào năm ngoái, chỉ đứng sau Microsoft (đặt mua 485.000 chip), trang Financial Times đưa tin hồi tháng 12.2024, trích dẫn dữ liệu từ hãng nghiên cứu Omdia.

Các công ty này giờ đây sẽ “gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ tài nguyên điện toán trong tương lai, có thể làm chậm tiến độ huấn luyện mô hình AI và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển sản phẩm”, Gao Chengfei nói.

Nhu cầu với H20 đã tăng mạnh trong năm 2025, được thúc đẩy bởi nhu cầu điện toán ngày càng tăng để vận hành V3 và R1 - hai mô hình AI mã nguồn mở có hiệu suất cao với chi phí đào tạo thấp do DeepSeek (công ty khởi nghiệp Trung Quốc có trụ sở ở thành phố Hàng Châu) phát triển. Hai mô hình AI này được sử dụng rộng rãi trong vài tháng qua.

ByteDance, Tencent và Alibaba đều tăng mạnh đơn đặt hàng H20 sau sự trỗi dậy của DeepSeek, Reuters đưa tin hồi tháng 2, trích dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề.

Việc Mỹ hạn chế xuất khẩu H20 có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực tự chủ bán dẫn của Trung Quốc. Đây là chiến lược mà nước này đã theo đuổi nhằm nội địa hóa chuỗi cung ứng bán dẫn.

Gao Chengfei chỉ ra rằng các chip do Huawei, Cambricon Technologies và Hygon Information Technology phát triển là những sự lựa chọn thay thế tiềm năng cho Nvidia H20. Ông cho biết dòng chip AI Ascend của Huawei có hiệu năng mạnh và hệ sinh thái hỗ trợ tốt ở lĩnh vực điện toán AI, trong khi các sản phẩm của Cambricon Technologies nổi bật về tiết kiệm năng lượng.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nvidia-bac-tin-thanh-lap-lien-doanh-o-trung-quoc-sau-chuyen-di-chop-nhoang-cua-ceo-jensen-huang-232105.html
Zalo