Lâm Đồng, Long An khuyến cáo người dân tiêm vaccine; không để bùng phát dịch bệnh
Ngày 21/2, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị phối hợp triển khai phòng, chống bệnh cúm, bệnh sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
* Số ca mắc cúm ở Lâm Đồng tăng cao
Ngày 21/2, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị phối hợp triển khai phòng, chống bệnh cúm, bệnh sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, từ đầu năm 2025 đến nay, tại tỉnh có 562 ca mắc bệnh cúm mùa và có xu hướng tăng cao tại một số địa phương, gia tăng nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh.
Do đó, Sở đề nghị, các sở, ban, ngành phối hợp triển khai hoạt động phòng, chống bệnh cúm, bệnh sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, địa điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu vực công cộng tập trung đông người.
Cụ thể, các bên liên quan tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường; theo dõi sức khỏe người lao động, học sinh và hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Đồng thời khuyến cáo người dân chủ động tiêm vaccine phòng cúm; tiêm vaccine có thành phần sởi, rubella đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa cho đội ngũ y bác sỹ; dự trù đầy đủ thuốc kháng virus kịp thời điều trị bệnh nhân cúm mùa có chỉ định điều trị thuốc kháng virus.
Trước đó, ngày 10/2, Sở Y tế Lâm Đồng có công văn yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc có phương án đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm. Trong đó cần chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
* Xử lý triệt để ổ dịch
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh ghi nhận gần 600 trường hợp mắc bệnh cúm mùa và đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1.
Hiện nay tiết thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc cúm mùa, sởi, sốt phát ban…UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành địa phương khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống cúm mùa, sởi và các bệnh lây qua đường hô hấp.
Các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, ổ dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình, kịp thời triển khai biện pháp xử lý.
Ngành chức năng đẩy mạnh triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ 2 mũi. Đồng thời đảm bảo tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp biến chứng nặng, tử vong.
Các ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi công cộng, biện pháp phòng, chống dịch bệnh (đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng…). Đặc biệt, rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm "bốn tại chỗ"...
Tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mẫu giáo, nhà trường thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt lớp học và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; vệ sinh khuôn viên trường học, hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động rèn luyện thể chất, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh. Các bên liên quan tăng cường truyền thông biện pháp phòng chống bệnh cúm, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, bạch hầu và dịch bệnh khác...