Làm báo ở một nơi đặc biệt

Bài 2:
XUẤT BẢN NƠI NGỤC TỐI

BPO - “Làm được báo giữa “địa ngục trần gian” đó là kỳ tích. Và chỉ có những con người Việt Nam yêu nước mới có thể nghĩ ra, làm được điều đó. Giữa đọa đày, tra tấn, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, đến mạng sống còn không đảm bảo được thì ít ai có tâm trí để có thể sáng tác, viết bài, viết lý luận, phê bình, truyện ngắn đăng báo… Thế nhưng, những tù nhân chính trị ở nhà tù Côn Đảo và nhiều nhà tù thực dân, đế quốc khác đã làm được điều đó. Đặc biệt hơn, trong điều kiện lao tù, tay không tấc sắt, không một thứ nguyên vật liệu, dụng cụ. Điều này rất đáng khâm phục”. Đó là chia sẻ của hầu hết du khách khi dừng lại tham quan không gian trưng bày hoạt động làm báo nơi ngục tù tại Trung tâm bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo (Bảo tàng Côn Đảo).

Cách làm báo đặc biệt

Tham quan không gian trưng bày, giới thiệu về hoạt động báo chí ở nhà tù Côn Đảo, nhiều người tỏ ra bất ngờ, cảm thấy khâm phục, còn những người làm báo như chúng tôi ngày nay thì thốt lên rằng, đó là việc không tưởng. Làm báo ngày nay đã khó, làm báo được trong điều kiện ngục tù, giam cầm, tra tấn, đọa đày thì đó là kỳ tích. Vậy tại sao những tù nhân chính trị ở nhà tù Côn Đảo vẫn có thể làm được? Câu chuyện phía sau những tờ báo xuất bản nơi ngục tối đáng để chúng ta học tập!

Trong cuốn “Báo chí của tù nhân Trại 6 khu B Côn Đảo” của cựu tù Bùi Văn Toản, một trong những người trực tiếp tham gia làm báo ở nhà tù Côn Đảo sưu tầm và giới thiệu có đoạn: “Để một tập báo được hình thành, cần có một số điều kiện nhất định như: phải giành được quyền làm chủ trong trại giam; phải được sinh hoạt tập thể, không bị cách ly từng cá nhân, bộ phận; nội bộ phải tương đối thuần nhất về chính trị và phải có những phương tiện tối cần thiết là giấy, viết, mực cùng một đội ngũ có trình độ và lòng say mê công việc làm báo. Thế nhưng, những yêu cầu có vẻ nhỏ nhặt ấy, trong điều kiện ở nhà tù Côn Đảo là một việc cực kỳ khó khăn”.

Tù nhân Côn Ðảo thường tận dụng giấy bọc thức ăn, bọc vật phẩm sinh hoạt, bìa cát-tông... từ bên ngoài đưa vào để làm báo

Tù nhân Côn Ðảo thường tận dụng giấy bọc thức ăn, bọc vật phẩm sinh hoạt, bìa cát-tông... từ bên ngoài đưa vào để làm báo

Theo chia sẻ của các cựu tù Côn Đảo, phương tiện tối thiểu cần thiết cho một tờ báo ra đời là giấy - bút - mực - màu, nhưng trong điều kiện tù đày, kiềm kẹp gắt gao rất khó khăn mới có thể có được. Các tù nhân chính trị phải chế màu đỏ, màu nâu từ thuốc đỏ, thuốc tím; màu vàng từ thuốc ký ninh (điều trị bệnh sốt rét) hoặc bột nghệ; màu xanh từ lá khoai lang hoặc thuốc sát trùng trị ghẻ. Đây là những loại thuốc thường có trong tù. Khi cần phẩm màu để làm báo, người tù khai bệnh, xin thuốc rồi cất giấu để chế tác; riêng bút, giấy thì phải tận dụng giấy vở hoặc gửi mua từ bên ngoài, chủ yếu nhờ gác ngục mua và bí mật chuyển vào khám.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn ngụ TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những người trực tiếp tham gia làm báo ở nhà tù Côn Đảo chia sẻ: Để có dụng cụ, vật liệu làm báo, những người tù thông qua công tác binh vận, địch vận, qua những người ta tranh thủ được bí mật mua giùm, không chỉ giấy, bút mà cả pin để nghe radio. Ngược lại, tập thể trại có trách nhiệm bảo vệ họ. Chỉ những người được phân công mới có quyền tiếp xúc. Lúc bấy giờ một nguyên tắc sống trong tù được thi hành một cách tuyệt đối là “không phải việc của mình, dứt khoát không tò mò tìm hiểu”.

Cựu tù chính trị Châu Văn Mẫn kể về những ngày làm báo ở nhà tù Côn Đảo với những sáng tạo, nỗ lực không ngừng của anh em bạn tù để các số báo được phát hành đúng ngày, đúng định kỳ - Ảnh: Trương Hiện

Các công đoạn làm báo trong tù đều theo phương pháp thủ công (bằng tay), từ vẽ bìa, măng-sét đến nội dung và minh họa. Báo “dàn trang” xong, “xuất bản” bằng cách chép tay thành nhiều bản, gửi cho từng phòng, từng trại. Ban biên tập khuyến khích mọi người (tù nhân) tham gia viết bài và góp ý xây dựng, làm cho tờ báo ngày càng phong phú về nội dung, đặc sắc về trình bày. Ban biên tập luôn lắng nghe ý kiến phản hồi của “bạn đọc”, bạn tù để cải tiến nội dung và hình thức. Mọi thông tin phản hồi đều được đăng phát, trả lời, làm rõ trên các số báo. Trong một số trường hợp, Ban biên tập phải sử dụng thủ thuật đổi người, đảo phòng để đặt bài, định hướng số báo và tập trung một số thành viên biên tập, trình bày và “thợ xuất bản” về một phòng để thuận tiện ra báo.

Có những giai đoạn địch kiểm soát gắt gao, làm báo càng khó khăn, nhưng càng khó khăn thì báo chí càng cần thiết. Theo chia sẻ của các cựu tù Côn Đảo, chủ trương làm báo trong tù được thực hiện ở từng phòng. Lãnh đạo các phòng sẽ quyết định tên gọi, khuôn khổ, hình thức, độ dày của tờ báo. Lúc bấy giờ, nội dung của tờ báo phòng mang tính chất một tập san văn nghệ, ghi lại những cảm nghĩ về cuộc sống, về đấu tranh trong lao tù. Thế nhưng, tuyên truyền miệng nếu nói sai thì nói lại, còn viết thì “bút sa gà chết”, mà không phải ai cũng viết được. Vì vậy, nhiều phòng phải đặt thêm hoặc đăng bài của tờ báo các phòng khác…

Cựu tù chính trị Châu Văn Mẫn kể rằng, ở tù ông được Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, nhà tù Côn Đảo giao nhiệm vụ thư ký biên chép các tài liệu, tin tức để làm báo - Ảnh: Nguyễn Ngân

Cựu tù chính trị Châu Văn Mẫn kể rằng, ở tù ông được Đảng bộ Lưu Chí Hiếu giao nhiệm vụ thư ký biên chép các tài liệu, tin tức của Đài Phát thanh Giải phóng, tin của đài BBC. Mỗi tài liệu, bản tin phải sao chép 11 bản, riêng đài BBC chỉ sao chép 1 bản. Thời điểm bấy giờ, phong trào làm báo ở các phòng, trại ở nhà tù Côn Đảo khá mạnh, phòng nào cũng có tờ tạp chí của riêng mình. Ở ban sinh hoạt trẻ Trại 6 khu B có tờ “Vươn lên”, là tiếng nói của tuổi trẻ. Ở tờ tạp chí này, ông được trưng dụng viết bài, đến nay bút tích các bài viết vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Côn Đảo.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, hằng ngày ông kê tấm bìa cứng trên đầu gối, cắm cúi biên chép tài liệu suốt ngày, đến móp cả đầu ngón tay và không được cho ai dòm ngó. Ông Mẫn chia sẻ, công việc làm báo, viết lách, tuyên truyền trong tù phải hết sức bí mật và phải tranh thủ bằng mọi cách. Giấy bút đa số là nhờ của bệnh xá và quản lý tủ thuốc của trại. Khi viết nháp thì dùng bằng mực tự tạo. Những đầu và ruột bút bi sau khi viết hết mực thì đẩy viên bi ra, hút mực vào, đóng viên bi lại, rồi viết đi viết lại đến khi nhão ra mới thôi. Giấy viết nháp được tận dụng từ các hộp bìa cát-tông đựng thuốc của bệnh xá, ngâm vào nước, rã ra nhiều tờ, sau đó phơi khô ép phẳng rồi viết…

Báo chí “xuất bản” ở nhà tù Côn Ðảo hoàn toàn viết tay nhưng có đầy đủ hình ảnh minh họa, bút màu nhấn nhá tít tựa, tạo ấn tượng, thu hút người đọc

Báo chí “xuất bản” ở nhà tù Côn Ðảo hoàn toàn viết tay nhưng có đầy đủ hình ảnh minh họa, bút màu nhấn nhá tít tựa, tạo ấn tượng, thu hút người đọc

Chính sự thông minh, sáng tạo như vậy nên hầu hết các phòng, trại ở nhà tù Côn Đảo đều xuất bản được các tờ báo của riêng mình. Từ tiêu đề đến hình ảnh minh họa của các số báo đều rất đẹp mắt, chỉn chu, được anh em tù nhân hân hoan đón nhận.

Theo thông tin từ Bảo tàng Côn Ðảo, chỉ trong gần 1 năm (từ cuối năm 1972 đến hết năm 1973), Trại 6 khu B nhà tù Côn Ðảo đã cho ra mắt hơn 10 đầu báo, với khoảng 50 số. Phòng 9, Trại 6B ra số đầu tiên lấy tên là “Xây dựng”, sau nhường tên này cho trại và lấy tên là tờ “Rèn luyện”. Tạp chí ra định kỳ hằng tháng, thỉnh thoảng có số đặc biệt như ngày 1-5, 19-8, 2-9... Tờ số 1 của tạp chí “Xây dựng” ra lần đầu chỉ được 1 cuốn khoảng 60 trang, luân chuyển cho các phòng đọc. Ðến phòng thứ 10 gần như rách nát. Sau đó, Ban biên tập cố gắng cho ra 2 cuốn để anh em tù nhân có cơ hội đọc và những năm gần cuối thì ra 3, 4 cuốn. Tuy nhiên, cũng có tháng không phát hành được do đấu tranh tuyệt thực.

Những sáng tạo vô cùng độc đáo

Trong điều kiện khắc nghiệt của chốn địa ngục trần gian, để ra đời một tờ báo rất khó khăn. Theo chia sẻ của cựu tù Bùi Văn Toản trong cuốn “Báo chí của tù nhân Trại 6 khu B Côn Đảo”, lực lượng đảm trách làm báo có thừa, nhưng để có điều kiện sinh hoạt tập thể, ít bị địch khống chế và nhất là có được sự nhất trí cao trong nội bộ không phải trại tù nào cũng làm được. Để có được những điều kiện sinh hoạt tối thiểu đó, tập thể những người tù chính trị phải trải qua một quá trình đấu tranh, phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Trong tù, chỉ cần thấy người tù thì thầm với nhau là ngay lập tức chúng lôi ra đánh, đánh dằn mặt và đánh để buộc phải ly khai cộng sản, khuất phục chúng. Việc tổ chức học tập chính trị đã vô cùng khó khăn như thế, việc làm ra tập báo càng khó khăn gấp trăm lần. Thế nhưng, những người tù chính trị Côn Đảo đã làm được điều đó. Đặc biệt, việc làm báo ở nhà tù Côn Đảo không chỉ diễn ra một lần, một giai đoạn mà gắn liền với cả 3 giai đoạn lịch sử của dân tộc từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đều có báo viết. Sự khó khăn, nguy hiểm trong làm báo càng thể hiện ý chí sắt đá của những người cách mạng kiên trung.

Theo chia sẻ của các cựu tù, dưới thời cai trị của Mỹ - ngụy, phong trào làm báo ở nhà tù Côn Đảo phát triển rất mạnh mẽ. Nguyên vật liệu, dụng cụ để làm báo rất khan hiếm, các phòng phải tận dụng mọi thứ có thể để làm báo và phải sử dụng hết sức tiết kiệm. Viết nháp trên các giấy tận dụng, còn vở học sinh dùng làm bản chính thức của tờ báo. Lúc bấy giờ báo được phát hành bằng những đường dây bí mật, qua kíp nhà bếp đưa cơm nước hoặc kíp vệ sinh dọn thùng cầu. Báo được giấu trong các “kho” bí mật trên mái nhà, dưới nền khám, rồi đưa ra đọc mỗi tối dưới ngọn đèn nhỏ được che kín trong góc khám và chuyền tay xem, đọc trên “đài phát thanh” bằng miệng khi có điều kiện.

Những chiếc radio và pin do các tù nhân ở Trại 6B, nhà tù Côn Ðảo cất giấu để nghe, lấy tin tức làm báo và hoạt động cách mạng trong nhà giam

Những chiếc radio và pin do các tù nhân ở Trại 6B, nhà tù Côn Ðảo cất giấu để nghe, lấy tin tức làm báo và hoạt động cách mạng trong nhà giam

Cũng như ở nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, ở nhà tù Côn Đảo, lực lượng tù nhân gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, mọi trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật đến chính trị. Bên cạnh các nhà hoạt động chính trị, cách mạng, có sinh viên, học sinh, nhà báo, thầy cô giáo… Mỗi người có những năng khiếu, thế mạnh riêng, từ viết văn đến làm thơ, ca hát, hội họa. Vì vậy, sau khi điều tra, kiểm soát lý lịch, ban lãnh đạo các phòng giam trưng dụng mỗi người vào những việc riêng để xuất bản ra tờ báo. Có thể mỗi người được giao một công đoạn, một nhiệm vụ mà không hiểu để làm gì, hoặc sẽ tự hiểu sau khi cầm trên tay những tờ báo, tờ tạp chí hoàn chỉnh.

Chia sẻ với phóng viên về việc những người tù cộng sản lấy thông tin bên ngoài, tình hình trên chiến trường của ta và địch ở đâu, như thế nào để đưa vào trang báo, cựu tù Võ Văn Giáo ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong tù có anh em cũng lén lút đưa vào được chiếc radio nhỏ. Nhờ đó, anh em tù nhân có thông tin để làm báo. Một số sinh viên khi bị bắt vào được cha mẹ cho tiền. Tiền đó được xung vào quỹ phòng để mua pin nghe radio. Để mua được pin, anh em tù nhân phải lợi dụng, mua chuộc một số cai tù nhờ mua rồi trả thêm tiền cho họ. Một số cán bộ, đảng viên đủ uy tín được giao nhiệm vụ ghi chép tin tức để đưa lên mặt báo, sau đó tuyên truyền rộng rãi dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau.

“Ở các địa ngục trần gian Côn Đảo, Phú Quốc, Hỏa Lò…, báo chí ra đời từ rất sớm, đồng thời với sự ra đời của tổ chức đảng. Báo chí đã phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh của người tù. Thế nhưng, tin tức báo chí trong tù lấy ở đâu? Đó là nguồn tin do anh em tù nhân mới đưa vào, qua giấy tờ dùng để gói thực phẩm tuồn vào, sau đó tài liệu được giao cho tổ chức đảng phân tích, phân loại tin, rồi diễn đạt thật khéo léo qua các bài viết. Thông tin báo chí trước hết phổ biến trong chi bộ, sau đó đến đảng viên rồi tuyên truyền cho quần chúng”.

Cựu tù NGUYỄN MINH HOÀNG, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ðồng Nai

Cựu tù Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ðồng Nai chia sẻ với các nhà báo về hoạt động báo chí trong tù

Cựu tù Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ðồng Nai chia sẻ với các nhà báo về hoạt động báo chí trong tù

Trong cuốn “Báo chí của tù nhân Trại 6 khu B Côn Đảo”, cựu tù chính trị Bùi Văn Toản, người trực tiếp làm báo trong tù chia sẻ: “Chuyện làm báo trong tù hoàn toàn không vì “thành tích”... Họ tự nguyện dốc mọi nỗ lực chỉ với một yêu cầu duy nhất là được phục vụ tốt cho tập thể. Đói bệnh không làm họ bận lòng, miễn báo ra mắt đúng ngày dự định… Một hình ảnh nhỏ nhiều người thường chứng kiến: Trong một góc phòng giam với ánh sáng lờ mờ, khó nhìn rõ mặt, người chép báo căng mắt, còng lưng bên chiếc thùng cát-tông dùng đựng quần áo và đồ dùng, chăm chú nắn nót từng con chữ, đôi lúc phải dừng lại vì cơn ho rồi khạc ra một búng máu tươi vào chiếc lon. Anh không dừng tay mà tiếp tục xin được viết cho xong tờ báo”.

Ðiều bất ngờ nhất đối với tôi khi xem những trang báo được thực hiện trong nhà tù Côn Ðảo là trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà cách thức tổ chức xuất bản các tờ báo, nội san rất cầu kỳ và chuyên nghiệp, từ việc xây dựng và duyệt nội dung, đặt tít, vẽ tranh minh họa. Chỉ riêng việc các chiến sĩ cách mạng của chúng ta tự tạo ra được mực và các màu khác nhau để minh họa trang bìa đã là những sáng tạo vô cùng độc đáo. Ngày nay, những người làm báo có quá nhiều điều kiện hiện đại, nhưng không dễ để tạo ra những tờ báo đầy tính Ðảng và đầy cảm xúc như những trang báo đơn sơ trong nhà tù Côn Ðảo năm xưa”.

Nhà báo LÊ QUỐC MINH, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi “địa ngục trần gian”, các nhà hoạt động cách mạng, những người Việt Nam yêu nước bị tù đày đã tranh thủ nhân lực, vật lực và bằng mọi cách, sáng tạo một cách không tưởng làm nên những tờ báo đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt. Mặc dù hoạt động bí mật, nhưng báo chí đã hoạt động tích cực, góp phần kết nối lực lượng, xây dựng tù nhân thành khối đoàn kết thống nhất, giữ vững bản lĩnh, khí tiết người cộng sản, không để nghiêng ngả, dao động trước mọi đòn roi, hay những lời dụ ngọt của kẻ thù…

Minh Nhâm - Minh Luận - Hoàng Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/172383/lam-bao-o-mot-noi-dac-biet
Zalo