Thành tựu văn học - nghệ thuật An Giang sau 50 năm

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có địa hình 'bán sơn địa', với sông nước hữu tình, núi non kỳ vĩ, đồng ruộng phì nhiêu. Đặc biệt, con người An Giang hào sảng, nghĩa tình, luôn tạo ấn tượng đẹp trong lòng bè bạn gần xa. Cũng chính những con người ấy đã xây dựng nên một nền văn học - nghệ thuật (VHNT) phát triển, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ.

Văn học - nghệ thuật An Giang với nhiều thành tựu nổi bật

Văn học - nghệ thuật An Giang với nhiều thành tựu nổi bật

Điều kiện tự nhiên, lịch sử và văn hóa đặc biệt đã nuôi dưỡng tâm hồn, tài năng của văn nghệ sĩ, giúp họ sáng tạo ra nhiều tác phẩm giá trị. Qua 50 năm thống nhất đất nước (1975 - 2025), Tỉnh ủy An Giang quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”. Quan điểm của Đảng khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là động lực góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Tỉnh đã triển khai bằng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phù hợp, khoa học, khả thi, nhằm phát triển nền văn học, nghệ thuật theo hướng tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển quê hương, đất nước. Nhiều văn nghệ sĩ đã có tác phẩm nổi bật từ trong kháng chiến, tiếp tục sáng tác, như: Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức, nhà văn Mai Văn Tạo, nhà văn Lê Văn Thảo, họa sĩ Dương Đình Chiến, nghệ sĩ Nguyễn Phương Ngoan, nghệ nhân Đặng Hoàng Linh... Đây là những gương mặt tiêu biểu, vừa tham gia sáng tác, vừa góp phần xây dựng nền VHNT tỉnh nhà theo hướng chuyên sâu, hiện đại.

“Điều rất đáng tự hào là văn nghệ sĩ An Giang luôn có sự tiếp nối liên tục giữa các giai đoạn, nên VHNT phát triển như dòng chảy xuyên suốt. Thế hệ nhà văn - nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nhà thơ Phạm Nguyên Thạch, nhà thơ Phạm Hữu Quang, nhà thơ Hồ Thanh Điền, nhà văn Nguyễn Lập Em, nhà văn Ngô Khắc Tài; nhạc sĩ Lâm Thanh Bình, nhạc sĩ Dương Anh Chiến, nhạc sĩ Võ Thắng; nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Ngọc Minh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung Kiên… đã tiếp bước một cách vững chắc. Các thế hệ trẻ hơn, có: Nhà thơ Lê Thanh My, nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ, nhà văn Mai Bửu Minh, nhà văn Võ Diệu Thanh, nhà văn Trần Tùng Chinh, nhà văn Trương Chí Hùng; biên đạo Trần Mỹ Hạnh; soạn giả Trần Kim Hằng, soạn giả Đoàn Phước Lộc; nhạc sĩ Trương Bá Trạng… Các văn nghệ sĩ trẻ hơn nữa, có: Nhà thơ Vĩnh Thông, nhà văn Lê Quang Trạng…” - PGS.TS Trần Văn Đạt (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, An Giang với tiềm năng văn hóa đa dạng, đã khẳng định vị trí của mình trong khu vực ĐBSCL qua các tác phẩm VHNT, không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân, mà còn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự ổn định xã hội. VHNT có “sức mạnh mềm”, giúp quảng bá hình ảnh An Giang, thúc đẩy quan hệ quốc tế… Đề án xây dựng và phát triển VHNT tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo điều kiện phát triển lĩnh vực văn hóa, đưa công tác quản lý văn hóa đi vào nền nếp, ổn định. Đây cũng là dấu mốc quan trọng đối với nền VHNT An Giang, tạo điều kiện để VHNT vươn mình theo định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, gắn với kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh (1832 - 2022), hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (1930 - 2030). Qua đó, huy động sự tham gia của văn nghệ sĩ, nhà báo, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần phát hiện, nêu gương, nhân rộng điển hình tiêu biểu; góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước yêu cầu mới; đề cao giá trị chân - thiện - mỹ; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh luôn được chú trọng. Đến nay, An Giang có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (di sản chung của khu vực Nam Bộ), Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hội đua bò Bảy Núi, Kỹ thuật khắc chữ trên kinh lá buông, Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu huyện Thoại Sơn, Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), Nghi lễ vòng đời người Chăm An Giang; Nghệ thuật sân khấu Dì Kê của người Khmer); 90 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh)…

Qua 50 năm đất nước thống nhất, VHNT An Giang không chỉ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Nền VHNT An Giang đã góp phần xây dựng văn hóa, con người quê hương Bác Tôn theo hướng chân - thiện - mỹ, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển quê hương, đất nước. Những thành tựu này đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn mới.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thanh-tuu-van-hoc-nghe-thuat-an-giang-sau-50-nam-a420218.html
Zalo