Làm ăn thua lỗ, cổ phiếu xe đạp Thống Nhất vẫn tăng trần 7 phiên
Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu xe đạp vang bóng một thời đã gây chú ý trên sàn UPCoM với chuỗi tăng trần 7 phiên, bất kể kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý gần nhất.
Sự trở lại của xe đạp Thống Nhất?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu TNV của Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội tiếp tục tăng trần 14,88%, đạt 28.400 đồng/cổ phiếu. Đây đã là phiên tăng trần thứ bảy liên tiếp của mã này.
TNV chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 8/11/2024 với giá tham chiếu 8.900 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, phải đến ngày 6/2, cổ phiếu này mới có phiên giao dịch đầu tiên, ghi nhận mức tăng trần 39%. Sau đó, TNV duy trì chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp với biên độ gần 15% mỗi phiên.
Sau 7 phiên, giá cổ phiếu TNV đã tăng từ 8.900 đồng lên gần 29.000 đồng, tương đương mức tăng khoảng 220%. Tuy nhiên, thanh khoản rất thấp, mỗi ngày chỉ có 100 - 400 cổ phiếu được khớp lệnh. Đáng chú ý, trong phiên hôm nay, khối lượng giao dịch bất ngờ tăng lên 2.200 đơn vị, cao gấp 22 lần so với ngày trước đó.
![Xe đạp Thống Nhất, thương hiệu xe đạp quen thuộc của người Việt từ năm 1960. Ảnh: Thống Nhất.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_30_51478291/cd6203f131bfd8e181ae.jpg)
Xe đạp Thống Nhất, thương hiệu xe đạp quen thuộc của người Việt từ năm 1960. Ảnh: Thống Nhất.
Trước diễn biến bất thường của cổ phiếu, Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội đã gửi văn bản giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Công ty khẳng định hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, không có biến động đặc biệt, và việc cổ phiếu tăng trần liên tục là do yếu tố cung cầu thị trường, nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội có tiền thân là Nhà máy Xe đạp Thống Nhất, thương hiệu xe đạp quen thuộc của người Việt từ năm 1960. Trải qua hơn 60 năm phát triển, doanh nghiệp đã cung cấp hàng triệu sản phẩm ra thị trường.
Hiện tại, công ty có vốn điều lệ 237 tỷ đồng, trong đó UBND TP. Hà Nội nắm giữ 45% vốn, còn Công ty TNHH Đại Hoàng Long sở hữu 41,68%.
Bức tranh kinh doanh chưa khởi sắc
Dù cổ phiếu TNV liên tục tăng trần trong tuần qua, song bản chất thực sự của "sóng" tăng lần này vẫn là dấu hỏi lớn khi trên thực tế, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự có gì đột phá.
Về tình hình kinh doanh, năm 2019 – thời điểm dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế – Xe đạp Thống Nhất ghi nhận lợi nhuận ròng khiêm tốn, chưa đầy 500 triệu đồng.
Đến năm 2022, kết quả kinh doanh khởi sắc hơn khi lợi nhuận ròng tăng mạnh lên gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này không duy trì lâu khi bước sang năm 2023, lãi ròng của công ty sụt giảm tới 81%, chỉ còn chưa đầy 3 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận biến động, doanh thu của Thống Nhất vẫn duy trì đà tăng trưởng qua các năm. Cụ thể, năm 2023, doanh thu đạt 176,5 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước đó.
Sang nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu 60 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch năm, trong khi lợi nhuận ròng đạt 300 triệu đồng, hoàn thành 15% mục tiêu đề ra.
![Công an TP. Hà Nội tuần tra bằng xe đạp Thống Nhất.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_30_51478291/cdcb01583316da488307.jpg)
Công an TP. Hà Nội tuần tra bằng xe đạp Thống Nhất.
Tính chung cả năm 2024, doanh thu thuần của TNV đạt gần 183 tỷ đồng, nhỉnh hơn 3% so với năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận ròng phục hồi đáng kể, tăng 73% lên 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không đồng đều giữa các quý.
Đặc biệt, trong quý IV/2024, công ty bất ngờ báo lỗ ròng 579 triệu đồng, mức lỗ còn lớn hơn con số 541 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/12/2024, lỗ lũy kế của TNV vẫn ở mức đáng kể, gần 20 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý IV sụt giảm được công ty lý giải là do tính mùa vụ trong ngành kinh doanh xe đạp. Quý cuối năm thường là giai đoạn thấp điểm, khiến doanh thu không đủ để bù đắp các khoản chi phí quản lý và bán hàng.
Ngoài ra, trong năm, công ty còn phát sinh thêm chi phí thuê kho dự trữ hàng hóa tại miền Nam nhằm chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm 2025, gây áp lực lên lợi nhuận.
Tính đến cuối năm 2024, tài sản lớn nhất của Thống Nhất chính là khoản góp vốn 117 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt, chiếm gần 40% tổng tài sản doanh nghiệp. Đây được xem là khoản đầu tư chiến lược, có thể tác động đáng kể đến tình hình tài chính của công ty trong những năm tiếp theo.