Labubu gây sốt ở châu Âu

Cơn sốt hộp mù từ Trung Quốc dần chinh phục khách hàng châu Âu. Các thương hiệu này không chỉ cạnh tranh về công nghệ, mà còn chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng phương Tây.

 Labubu thu hút khách hàng châu Âu. Ảnh minh họa: Kathryn Bernardo/IG.

Labubu thu hút khách hàng châu Âu. Ảnh minh họa: Kathryn Bernardo/IG.

Hàng trăm người tiêu dùng ở mọi đọ tuổi đã xếp hàng từ sớm tại trung tâm thương mại La Défense (Paris, Pháp) để tham dự lễ khai trương cửa hàng mới của hãng đồ chơi Trung Quốc Pop Mart hồi tháng trước.

“Tôi đến lúc 10h sáng, nhưng đoán xem có bao nhiêu người đến trước tôi? Tiết lộ nhé: đông kinh khủng”, Camille Lacroix chia sẻ trên TikTok.

Bên dưới bài đăng, nhiều người dùng mạng xã hội khác cũng vào chia sẻ trải nghiệm chen lấn ngày hôm đó. “Tôi đến lúc 7h30 và đã có 87 người đứng trước”, một người bình luận kèm emoji sợ hãi.

Sau khi chinh phục phần lớn thị trường Đông Á và Đông Nam Á, làn sóng đam mê đồ chơi blind box (hộp mù) từ Trung Quốc dần đổ bộ vào châu Âu, theo SCMP.

Cơn sốt Labubu lan đến châu Âu

Là một thế lực lớn tại thị trường Trung Quốc trong nhiều năm, Pop Mart đang mở rộng phạm vi kinh doanh ra toàn cầu. Các dòng sản phẩm như Labubu và Crybaby thu hút người hâm mộ trung thành trên khắp thế giới.

Hãng liên tục khai trương các cửa hàng tại những vị trí đắc địa ở châu Âu, từ gần bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) đến phố Oxford ở London (Anh). Đây là nơi khách hàng không ngại chờ hàng giờ để mua bằng được món đồ yêu thích.

 Các cửa hàng Pop Mart luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua sắm. Ảnh minh họa: SCMP.

Các cửa hàng Pop Mart luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua sắm. Ảnh minh họa: SCMP.

Siam Sartori (23 tuổi), nhân viên pha chế tại Paris, là người hâm mộ kỳ cựu của Pop Mart. Cô sở hữu khoảng 20 búp bê của hãng. Tuy nhiên, cô gái trẻ quyết định không đến lễ khai trương cửa hàng ở La Défense vì biết chắc cảnh tượng sẽ hỗn loạn.

Theo báo cáo tài chính công bố hồi tháng 3, doanh thu quốc tế của Pop Mart tăng gần gấp 5 lần trong năm ngoái, từ 1,06 tỷ NDT (150 triệu USD) vào năm 2023 lên 5,06 tỷ NDT năm 2024.

Khả năng thu hút người tiêu dùng châu Âu là điều hiếm thấy đối với một thương hiệu Trung Quốc. Song, Pop Mart làm được điều đó.

Thương hiệu Trung Quốc chinh phục khách hàng châu Âu

Theo ông Arnold Ma, CEO của công ty tiếp thị chuyên về thị trường Trung Quốc có trụ sở tại London (Anh) mang tên Qumin, đây là dấu hiệu của tương lai.

“Đây là một tín hiệu lớn và mang tính bước ngoặt. Trong tương lai, các thương hiệu Trung Quốc không chỉ dẫn đầu nhờ công nghệ, mà còn biết ‘gói ghém’ công nghệ đó trong lớp vỏ bọc mềm mại, giàu cảm xúc để chinh phục người tiêu dùng và cạnh tranh với các nhãn hàng phương Tây”, ông Ma nhận định.

Theo nhà nghiên cứu Sacha Courtial, Trung Quốc được nhìn nhận là quốc gia hướng tới tương lai. Những công ty tiên phong như BYD (ôtô điện) hay DJI (thiết bị bay không người lái) chinh phục thị trường phương Tây bằng công nghệ hiện đại và giá cả cạnh tranh, dù đôi khi chưa thực sự hiểu cách tạo kết nối cảm xúc với khách hàng.

Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy “quyền lực mềm” văn hóa bằng các chính sách phát triển ngành công nghiệp sáng tạo và sở hữu trí tuệ (IP).

 Khách hàng châu Âu dần thay đổi cái nhìn về hàng hóa Trung Quốc. Ảnh minh họa: @store_popmart1/IG.

Khách hàng châu Âu dần thay đổi cái nhìn về hàng hóa Trung Quốc. Ảnh minh họa: @store_popmart1/IG.

Nhận thức của người tiêu dùng châu Âu về hàng Trung Quốc cũng đang thay đổi, khi nhiều đột phá công nghệ gần đây giúp cải thiện hình ảnh quốc gia này, theo các nhà phân tích.

“Trước đây, hàng Trung Quốc từng bị xem là giá rẻ, chất lượng thấp. Giờ đây, người ta bắt đầu gắn Trung Quốc với chất lượng”, ông Courtial, nhà nghiên cứu tại Viện Jacques Delors (Paris, Pháp), nhận định.

Ông cho rằng thành công của startup AI DeepSeek thu hút sự quan tâm tại châu Âu và tiếp tục cải thiện hình ảnh hàng Trung Quốc. “Người tiêu dùng châu Âu sẽ có sự liên tưởng rằng nếu Trung Quốc làm được AI tốt, thì ôtô điện của họ chắc chắn cũng tốt”, nhà nghiên cứu nói.

Courtial dự đoán sẽ có thêm nhiều thương hiệu Trung Quốc từ các lĩnh vực khác nhau tiến vào châu Âu. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các quốc gia trong bối cảnh EU nỗ lực giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ trong nước.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/labubu-gay-sot-o-chau-au-post1553778.html
Zalo