Kỳ vọng vốn ngoại sớm trở lại
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, tính từ đầu năm 2025 đến trước phiên ngày 10/2, khối ngoại đã bán ròng gần 11.000 tỷ đồng, trong đó 'xả' ròng hơn 10.700 tỷ đồng trên HoSE. Cùng giai đoạn này năm ngoái, con số này mới chỉ khoảng 300 tỷ đồng.
Tiếp tục bán ròng
Theo dữ liệu từ Fiintrade - nền tảng phân tích giao dịch chứng khoán của Fiingroup, trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng hơn 93.000 tỷ đồng (3,7 tỷ USD) cổ phiếu, trong đó bán ròng trên HoSE khoảng 90.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm 2023. Giai đoạn đầu năm 2025 vẫn chưa có tín hiệu chậm lại và đã bước qua tháng thứ 13 liên tiếp nhà đầu tư ngoại "xả hàng" trên thị trường.
Theo giới phân tích, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhìn sâu xa vẫn là chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước và những bất ổn tiềm tàng ở các thị trường mới nổi và cận biên trước nguy cơ về chiến tranh thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hóa chất lượng cũng là lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với TTCK Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm. Hoạt động đấu giá cũng diễn ra ảm đạm. Điều này làm thu hẹp lựa chọn của dòng vốn ngoại.
![Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại mạnh mẽ từ quý III/2025 khi TTCK nâng hạng thành công](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51476827/4f5b0df23fbcd6e28fad.jpg)
Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại mạnh mẽ từ quý III/2025 khi TTCK nâng hạng thành công
Dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại
Tuy vậy, các quỹ ngoại tại Việt Nam trong năm 2024 đã đạt được mức lợi nhuận từ 15% trở lên. Điều này cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, TTCK Việt Nam vẫn có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Theo nhận định của giới chuyên môn trong năm 2025, các yếu tố tác động đến lực bán ròng mạnh mẽ trong năm 2024 sẽ có chiều hướng bớt căng thẳng hơn.
Từ đó, các chuyên gia vẫn tự tin dự báo dòng vốn nước ngoài sẽ quay lại TTCK Việt Nam trong năm 2025, nhờ vào kỳ vọng nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi. Việc này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các quỹ đầu tư quốc tế tiếp tục giải ngân vào các cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam, đặc biệt là khi các chỉ số kinh tế và mức định giá hiện tại của thị trường đều hấp dẫn.
Dự kiến, FTSE Russell sẽ đưa Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi vào tháng 9/2025, trong khi MSCI có thể thực hiện đánh giá tương tự một năm sau đó.
Công ty Chứng khoán KBSV kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2026, qua đó đem lại các tác động tích cực lên dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam. Theo KBSV, sau khi nâng hạng, Việt Nam có thể đón nhận khoảng 36.000 tỷ đồng vốn ngoại từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE và khoảng 100.000 tỷ đồng vốn từ các quỹ thụ động và chủ động với danh mục lựa chọn trong rổ thị trường mới nổi FTSE.
Cùng quan điểm, theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), TTCK Việt Nam đã giải quyết tốt hai tiêu chí còn lại mà FTSE yêu cầu để được nâng hạng. Do đó, FTSE có thể ghi nhận Việt Nam đủ điều kiện nâng hạng trong kỳ xem xét tháng 3/2025. Mặc dù chưa được chính thức vào rổ FTSE Emerging Index, nhưng kỳ vọng từ nhà đầu tư nội, cũng như dòng vốn ngoại, sẽ mang lại tâm lý giao dịch tích cực cho thị trường.
Chứng khoán Agriseco ước tính, với quy mô vốn hóa thị trường khoảng 5 triệu tỷ đồng, lượng tiền mở ra sau khi tháo gỡ “Pre-funding” lên tới khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Chuyên gia Agriseco cũng kỳ vọng dòng tiền của khối ngoại có thể tích cực hơn trong nửa cuối năm 2025 khi các đợt hạ lãi suất của FED sẽ làm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Các chuyên gia nhận định, theo lịch sử của các thị trường đi trước, việc nâng hạng thường thu hút dòng vốn cả trong và ngoài nước rất lớn; các chỉ số chứng khoán có diễn biến tích cực bắt đầu từ trung bình 6 tháng trước khi được nâng hạng. Vì vậy, việc nâng hạng TTCK Việt Nam có thể giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường.
Khi được đưa vào danh sách nâng hạng, dự kiến TTCK sẽ đón dòng vốn đầu tư khoảng 5 - 6 tỷ USD từ các quỹ ETF tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE và các quỹ chủ động. Theo nhận định, các rủi ro về kinh tế vĩ mô sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2025 do những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, tình hình có thể được cải thiện tốt hơn. Kết hợp với yếu tố nâng hạng, quý III và quý IV sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, khối ngoại trở lại mua ròng.