Kỳ vọng từ khu thương mại tự do
Với việc hình thành 2 khu thương mại tự do, Bình Dương kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào công nghiệp truyền thống sang công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao, thu hút đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ gắn các trung tâm logistics, dự án thúc đẩy phát triển.

Việc hình thành 2 FTZ được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Bình Dương. Trong ảnh: Hoạt động tại Cảng Bình Dương, TP.Dĩ An
Phát triển gắn với quy hoạch
Theo Sở Công thương, Bình Dương đã đề xuất quy hoạch xây dựng 2 khu thương mại tự do (FTZ) tại TP.Dĩ An và huyện Bàu Bàng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, FTZ An Bình tại TP.Dĩ An được nghiên cứu phát triển với diện tích quy hoạch 100 ha gắn với đường sắt An Bình - Sóng Thần. Tại huyện Bàu Bàng, nghiên cứu phát triển khu FTZ Bàu Bàng gắn với trục tuyến đường sắt đi qua địa bàn huyện khi có đủ điều kiện theo quy định dự kiến.
Các chuyên gia đánh giá, việc thí điểm xây dựng FTZ tại TP.Dĩ An và huyện Bàu Bàng thiết thực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào công nghiệp truyền thống sang mô hình công nghiệp hiện đại và kinh tế số. Các FTZ sẽ được thiết kế với mục tiêu phát triển thành các trung tâm kết nối giao thương khu vực và quốc tế, hỗ trợ xuất khẩu, cung ứng dịch vụ logistics và dịch vụ tài chính.
Việc xây dựng FTZ tại Bình Dương được cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới sau khi Bình Dương công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết việc xây dựng 2 FTZ không chỉ mang lại cơ hội cho các DN xuất nhập khẩu mà còn mở ra hướng đi mới cho các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ tài chính, logistics tại Bình Dương. Sự kết hợp giữa các khu công nghiệp hiện hữu và các FTZ sẽ giúp Bình Dương tiếp tục phát huy thế mạnh là một trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam, đồng thời gia tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, các FTZ sẽ thúc đẩy các dịch vụ logistics, tài chính và thương mại quốc tế phát triển giúp Bình Dương thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đa quốc gia và mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường quốc tế.
Chú trọng dịch vụ logistics
Bình Dương đã nhanh chóng xác định dịch vụ logistics làm nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu trở thành trung tâm logistics khu vực phía Nam. Bình Dương cũng xác định, để đa dạng hóa loại hình giao thông, hệ thống đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa cần được nghiên cứu đầu tư nhằm hoàn thiện chuỗi logistics phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Việc xây dựng các FTZ được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ. Đây là lĩnh vực Bình Dương đang tập trung phát triển để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và tăng cường năng lực sản xuất nội địa”.
(Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương)
Tại huyện Bàu Bàng, địa phương đã quy hoạch sẵn đất để phát triển dịch vụ logistics. Trong đó, huyện dự kiến xây dựng cảng cạn Bàu Bàng rộng 20 ha, cảng cạn Lai Hưng 100 ha, khu logistics tại xã Long Nguyên 4,6 ha, khu dịch vụ kho bãi xã Tân Hưng quy mô lên tới 290 ha. Trong khi đó, với lợi thế có ga xe lửa Dĩ An là ga trung tâm kết nối vận chuyển hàng hóa của vùng, TP.Dĩ An sẽ là đầu mối hậu cần, trở thành trung tâm về logistics đường sắt của vùng, kết nối trực tiếp đến cảng biển, sân bay quốc tế và hệ thống đường sắt Bắc - Nam; trở thành trung tâm hậu cần cho toàn vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Tây Nam bộ, kết nối vào hạ tầng vận chuyển đường sắt quốc gia. Thời gian tới, TP.Dĩ An tập trung phát triển mới và mở rộng các khu logistics - dịch vụ - đô thị khu vực Bình Thắng giáp sông Đồng Nai. Thành phố tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng logistics, hiện đại hóa hạ tầng và trang thiết bị đối với các kho bãi hiện hữu, nâng cấp mở rộng ICD TBS - Tân Vạn liên thông với Cảng Bình Dương; đưa vào quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ logistics các vị trí đất trên địa bàn 2 phường Bình Thắng và Bình An.
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Điều hành TBS Logistics, cho biết TBS Logistics đang tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm Logistics hàng đầu tại Việt Nam và khu vực vào năm 2035. Tầm nhìn của DN không chỉ dừng lại ở việc mở rộng quy mô kho bãi và nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn đặt trọng tâm vào việc phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho xã hội và bảo vệ môi trường. Những kế hoạch trong tương lai của TBS Logistics bao gồm việc tiếp tục đầu tư vào công nghệ tiên tiến, xây dựng hệ thống kho bãi thông minh và phát triển thêm các dịch vụ.
Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bcons, nói: “Chúng tôi có chung niềm tự hào vì TP.Dĩ An phát triển nhanh, hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, nhất là tuyến đường Thống Nhất kết nối với khu đô thị Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh hiện là một trong những tuyến đường đẹp nhất của tỉnh. Chúng tôi kỳ vọng TP.Dĩ An sẽ hình thành được các trung tâm giao thương, trở thành điểm đến cho nhiều DN lớn trong và ngoài nước, nhất là nguồn nhân lực lớn từ Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đóng chân trên địa bàn. Các dự án Bcons đầu tư trong thời gian tới sẽ góp phần thúc đẩy Dĩ An trở thành thành phố của thương mại - dịch vụ”.