Kỳ vọng TP Đà Nẵng mới sau sáp nhập sớm vươn tầm châu lục

Một số ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, Đà Nẵng mới sau sáp nhập với Quảng Nam có thể hướng đến mục tiêu trở thành đô thị vươn tầm châu lục sớm hơn thời điểm năm 2045 theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.

“Đà Nẵng được mở rộng không gian phát triển, vượt qua cái áo quá chật lâu nay vì hạn chế nguồn lực. Chủ trương sáp nhập Đà Nẵng – Quảng Nam là hết sức đúng đắn, chính xác, khoa học”.

Trao đổi với PLO, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhận định như trên khi nói về chủ trương sáp nhập Đà Nẵng – Quảng Nam.

 Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng. Ảnh: TẤN VIỆT

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng. Ảnh: TẤN VIỆT

Điểm đến hiếm có khó tìm ở châu Á

Theo ông Cao Trí Dũng, Đà Nẵng mới sau sáp nhập sẽ trở thành trung tâm du lịch vươn tầm châu Á với vị thế có thể sánh ngang hoặc vượt qua Phuket, Bali, Hải Nam…

Đà Nẵng mới sau sáp nhập sẽ có khoảng 70.000 – 80.000 phòng khách sạn. Trong đó, lượng buồng phòng 5 sao nhiều nhất cả nước.

Hệ sinh thái ở hai địa phương này rất lớn, hình thành những sản phẩm độc đáo. Đà Nẵng mới vừa có nghỉ dưỡng biển cao cấp gắn với bất động sản du lịch. Cơ ngơi của Đà Nẵng rất mới, hiện đại, hoành tráng và đủ hệ sinh thái đi kèm.

Đà Nẵng mới có du lịch văn hóa lịch sử nổi bật từ Hội An đến Mỹ Sơn, có các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc cả ở đồng bằng và miền núi; có tài nguyên du lịch sinh thái rừng, núi, sông, hồ, biển phong phú.

Tại đây có hai sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, đường sắt, đường bộ cao tốc, cửa khẩu ở huyện Nam Giang nối với Lào. Ngoài ra có còn hệ thống dịch vụ đi kèm gồm 7 sân golf, các thương hiệu ẩm thực lớn, hệ sinh thái tổ chức du lịch sự kiện (MICE) nổi bật.

“Không có địa phương nào mà du khách đến vừa được đi biển, du lịch đường sông, rừng núi Bà Nà, có tour di sản Hội An - Mỹ Sơn, có những show như Ký ức Hội An, Tiên Sa, Áo dài, À Ố show”, ông Dũng cho hay.

Tuy nhiên theo ông Dũng, cái khó là Đà Nẵng mới có quá nhiều “món ăn” ngon. Việc chọn cái nào, kết hợp cái gì với nhau, đi đâu trước, khai thác cái gì trước để vừa trật tự, vừa hiệu quả, không lãng phí tài nguyên, đảm bảo tầm nhìn trăm năm, phát triển bền vững cần phải tính tới ngay từ bây giờ.

Đà Nẵng cần được bổ sung cơ chế đặc thù cho ngành du lịch để thật sự trở thành trung tâm du lịch của châu Á. Có thể hình dung một Đà Nẵng nhộn nhịp, đầy sức sống, nhiều lợi thế, khai thác đa dạng các nguồn khách.

Đây là vùng đất nhiều hứa hẹn cho các nhà đầu tư và TP cần thêm các nhà đầu tư lớn, đi theo quy hoạch của Đà Nẵng mới để thật sự biến du lịch thành một trong những trụ cột kinh tế, ngành mũi nhọn của TP.

Ông Dũng cho rằng, Đà Nẵng có thể rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết 43.

“Có thể xác định trong vòng 10 năm, đến 2035 Đà Nẵng vươn tầm châu lục, sớm hơn 10 năm so với Nghị quyết 43. Nếu có sự quyết tâm của lãnh đạo TP, của các nhà đầu tư, sự quan tâm của Trung ương thì mục tiêu này có thể rút ngắn hơn rất nhiều”, ông Dũng nói.

 Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Kỷ nguyên mới cho doanh nghiệp phát triển

Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Đà Nẵng, sáp nhập Đà Nẵng – Quảng Nam là cơ hội phát triển cho cộng đồng DN ở cả hai địa phương.

Mỗi địa phương hiện có thế mạnh riêng cũng như nhược điểm riêng. Ở Đà Nẵng, các DN không có dư địa đất đai để phát triển. Đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trước đây rất ít, giờ TP đang đầu tư nhưng phải mất 4-5 năm nữa. Trong khi Quảng Nam có sẵn đất.

Ngược lại, Đà Nẵng là một TP năng động, trung tâm sáng tạo, có tất cả sự đổi mới mà DN Quảng Nam trước đây chưa tiếp cận được.

Quảng Nam có sản phẩm nông nghiệp và nhiều làng nghề quy mô nhỏ, chưa có cơ hội vươn ra quốc tế, xuất khẩu hàng hóa. Bây giờ cơ hội sẽ mở ra sau khi sáp nhập.

DN Đà Nẵng – Quảng Nam sát cánh với nhau, một bên có nguyên vật liệu, sản phẩm thô, một bên gọt dũa hàng hóa, làm marketing nâng tầm thương hiệu, chuyển vào chuỗi logistics.

Ông Bình cho hay, nếu nắm bắt tốt, đi đúng đường, đúng định hướng thì sẽ là một kỷ nguyên mới cho DN phát triển.

“Việc này đòi hỏi các DN phải hoạch định rõ tương lai làm gì với nguồn lực sẵn có như thế, tất nhiên không phải dễ dàng với tất cả trong cơ chế thị trường, nhưng chắc chắn sẽ có “đại bàng” về làm tổ. Nhập hai địa phương còn là cơ hội đối với DN trong nước và cả nước ngoài muốn đầu tư vào Đà Nẵng”, ông Bình nhấn mạnh.

Lấy ý kiến Nhân dân về đề án sáp nhập

UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, triển khai từ ngày 19 đến 21-4.

Việc này được tổ chức theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình. UBND phường, xã gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri đến UBND quận, huyện chậm nhất ngày 22-4.

UBND quận, huyện gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri của tất cả phường, xã trên địa bàn đến UBND TP chậm nhất ngày 23-4.

Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri, HĐND các xã và HĐND huyện Hòa Vang cho ý kiến về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trước ngày 25-4.

Sở Nội vụ tham mưu UBND TP báo cáo HĐND TP xem xét, cho ý kiến về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trước ngày 25-4.

Tấn Việt

Nguồn PLO: https://plo.vn/ky-vong-tp-da-nang-moi-sau-sap-nhap-som-vuon-tam-chau-luc-post844737.html
Zalo