Kỳ vọng phát triển du lịch MICE từ 'siêu đô thị' TP.HCM mở rộng
Việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tạo ra một đô thị đặc biệt của phía Nam, không chỉ tạo đòn bẩy cho kinh tế TP.HCM bứt phá toàn diện, mà còn mở ra tiềm năng phát triển vượt trội cho ngành du lịch MICE.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM Trần Quang Thắng, việc hợp nhất TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ kiến tạo nên một siêu đô thị động lực bậc nhất phía Nam.

Theo chủ trương của Chính phủ, TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hợp nhất trong thời gian tới. Ảnh: Getty Images.
Cụ thể, các lợi thế phát triển có thể kể đến như hệ thống cảng biển hiện đại của Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM, cùng mạng lưới khu công nghiệp phát triển ở Bình Dương. Hiện TP.HCM và Bình Dương đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các tuyến đường cao tốc và giao thông công cộng như Quốc lộ 13, hệ thống đường sắt đô thị, sẽ giúp kết nối hiệu quả giữa các khu vực công nghiệp, dân cư và cảng biển, tạo động lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Bà Rịa-Vũng Tàu với lợi thế sở hữu cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, một trong những cảng biển lớn nhất khu vực, cùng với "siêu cảng" Cần Giờ trong tương lai sẽ tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Với sự đầu tư vào các tuyến đường cao tốc và hệ thống giao thông liên vùng sẽ giúp kết nối hiệu quả giữa các khu công nghiệp, khu chế xuất và cảng biển của cả ba địa phương. Từ đó, có cơ sở khẳng định TP.HCM mở rộng có thể trở thành trung tâm logistics và kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
"Hạ tầng đồng bộ tối ưu hóa chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, các doanh nghiệp logistics sẽ mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là điều kiện đưa TP.HCM trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa khu vực và quốc tế", ông Thắng cho biết.
Song song đó, việc mở rộng đô thị sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản, đặc biệt là các khu vực ven đô và gần các khu công nghiệp. Ông Thắng cho rằng bất động sản cũng sẽ hưởng lợi và bùng nổ trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia về quy hoạch đô thị, nhấn mạnh sau sáp nhập, khu đô thị biển Cần Giờ có thể kết nối với Vũng Tàu thành chuỗi đô thị sinh thái và du lịch biển. TP.HCM mở rộng cũng sẽ thuận lợi phát triển đô thị liên kết với các hạ tầng trọng điểm của vùng, gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt nối với sân bay quốc tế Long Thành.

Ảnh phối cảnh khu đô thị biển Cần Giờ. Đây là mô hình tiên phong trong việc kết hợp giữa công nghệ – năng lượng tái tạo – bảo tồn hệ sinh thái và phát triển con người.
Tương lai đầy hứa hẹn của du lịch MICE thành phố
Sự phát triển vượt trội của hệ thống logistics và vận tải hàng hóa, cùng với sự hình thành của các khu đô thị mới tại TP.HCM mở rộng sẽ tạo ra một mối quan hệ cộng hưởng, tương hỗ mạnh mẽ với việc phát triển du lịch MICE.
Năng lực logistics không chỉ đơn thuần phục vụ lưu thông hàng hóa công nghiệp, mà còn là nền tảng cốt lõi bảo đảm sự thành công cho các sự kiện MICE, đặc biệt là các triển lãm quốc tế. Khả năng vận chuyển, thông quan, lưu kho và xử lý hiệu quả khối lượng lớn thiết bị, hàng trưng bày chính là yếu tố then chốt giúp thu hút và tổ chức thành công các triển lãm quy mô.
Hơn nữa, hạ tầng logistics hiện đại thường đồng nghĩa với hạ tầng giao thông tân tiến (sân bay, cảng, đường bộ), mang lại lợi ích kép: vừa tối ưu hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, vừa bảo đảm sự di chuyển thuận tiện, nhanh chóng cho hàng ngàn khách MICE.
TP.HCM từ lâu đã khẳng định vị thế trung tâm du lịch hàng đầu khu vực phía Nam với một mạng lưới dày đặc các khách sạn 4-5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế, cùng các trung tâm hội nghị và triển lãm hiện đại (như SECC).
Bình Dương, với vị thế của một đô thị công nghiệp thông minh và hạ tầng công nghệ phát triển, lại sở hữu Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo (World Trade Center Binh Duong New City Expo) – một cơ sở vật chất cực kỳ quy mô, hiện đại, đủ sức đăng cai các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Bà Rịa-Vũng Tàu, với lợi thế đô thị biển, lại được bổ sung năng lực mạnh mẽ về dịch vụ lưu trú, khách sạn và nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Sự kết hợp của một trung tâm dịch vụ-tài chính sôi động, một trung tâm công nghiệp-công nghệ cao với cơ sở triển lãm hàng đầu, và một đô thị du lịch biển với dịch vụ hoàn thiện, song hành cùng lợi thế về logistics sẽ tạo nên một hệ sinh thái du lịch MICE hấp dẫn, đủ năng lực đáp ứng mọi loại hình sự kiện và cạnh tranh sòng phẳng trên bản đồ du lịch MICE quốc tế.

TP.HCM mở rộng sẽ là đòn bẩy tạo cú bật cho du lịch MICE bứt phá.
TP.HCM hiện rất chú trọng phát triển du lịch MICE và đang tích cực triển khai các hoạt động liên quan trong năm 2025 như một phần của chiến lược phát triển du lịch dài hạn đến năm 2030.
Sở Du lịch TP.HCM nhận định, du lịch MICE là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng, với vai trò then chốt góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch. Đây cũng là một mũi nhọn chiến lược, mang lại tiềm năng to lớn trong việc xây dựng ngành du lịch bền vững cho TP.HCM trong tương lai.
Trong năm 2025, nhằm đạt được mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế đến TP.HCM, ngành du lịch thành phố đẩy mạnh những hoạt động thu hút khách du lịch, cùng với chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường khách du lịch trọng điểm, bao gồm: thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan); Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Campuchia); Ấn Độ, Mỹ, Úc, cùng một số thị trường châu Âu như Anh, Pháp, Đức...
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm nâng cấp các trung tâm hội nghị, khách sạn, dịch vụ phụ trợ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cho các đoàn khách MICE lớn. Đồng thời, xây dựng các chương trình tour, hoạt động trải nghiệm độc đáo gắn liền với hội nghị, hội thảo, sự kiện...
Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Tổ chức Nghiên cứu thị trường Allied Marketing Research, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo đã đóng góp đến 41,2% doanh thu MICE toàn cầu. Các tổ chức này dự báo, việc tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ vẫn giữ vai trò đầu tàu doanh thu của MICE đến năm 2031.
Theo Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học thuộc Đại học KHXHNV - Đại học Quốc gia Hà Nội, MICE là loại hình du lịch đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc khắt khe các điểm đến và sản phẩm. Do đó, việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm này đang đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, khó khăn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân sự, cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của du lịch MICE.
Nghiên cứu từ Cục Du lịch Quốc gia chỉ ra, khoảng 30% nhân viên trong ngành MICE có đủ trình độ chuyên môn, kỹ năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.