Lý do lấy tên tỉnh Đồng Tháp sau sáp nhập với tỉnh Tiền Giang
Dự thảo đề xuất lấy tên tỉnh Đồng Tháp sau sáp nhập Đồng Tháp và Tiền Giang, lý do là tên Đồng Tháp có tính thương hiệu cao, gắn liền với đặc trưng sinh thái văn hóa của cả 2 tỉnh.
Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, tỉnh mới sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Tên gọi “Đồng Tháp” – giữ gìn bản sắc, tăng tính nhận diện
Tổng diện tích sau sáp nhập sẽ đạt gần 6.000 km², dân số trên 4,2 triệu người – gấp 3 lần tiêu chuẩn với 102 ĐVHC trực thuộc.
Việc sắp xếp tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành một đơn vị hành chính giúp tăng cường hơn nữa thế mạnh của địa phương, tạo nên một hành lang kinh tế dọc sông Tiền trải dài từ khu vực biên giới đến biển Đông.

Biển Tân Thành, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: HD
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Đề án là việc lựa chọn tên gọi “Đồng Tháp” cho tỉnh mới. Lý do được đưa ra là tên gọi Đồng Tháp có tính thương hiệu cao, đại diện cho đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười gắn liền với đặc trưng sinh thái – văn hóa của cả 2 tỉnh.
Đồng thời, việc sử dụng tên gọi này không chỉ đảm bảo tính tiếp nối, dễ nhận diện, dễ nhớ, mà còn góp phần hạn chế tối đa các xáo trộn về giấy tờ hành chính, thông tin địa lý, giúp tiết kiệm ngân sách, thời gian và công sức cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Tên gọi Đồng Tháp có tính thương hiệu cao, đại diện cho đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười gắn liền với đặc trưng sinh thái – văn hóa của cả 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Ảnh: HD
Lý do thành phố Mỹ Tho được chọn làm trung tâm hành chính – chính trị
Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) được chọn làm trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh Đồng Tháp mới. Đây là một trong những đô thị cổ nhất khu vực Tây Nam bộ, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 346 năm. Mỹ Tho từng là trung tâm hành chính trong suốt nhiều giai đoạn lịch sử và hiện là đô thị loại I đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đông Hà
Về hạ tầng hành chính, thành phố đã được đầu tư đồng bộ với hệ thống trụ sở cơ quan cấp tỉnh, trung tâm hành chính công hiện đại, đáp ứng nhu cầu làm việc cho hơn 1.000 cán bộ, công chức, phục vụ khoảng 300 lượt giao dịch hành chính/ ngày. Hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng được triển khai đồng bộ, phục vụ quản lý hành chính và tương tác với người dân, doanh nghiệp.
Về mặt địa lý, Mỹ Tho sở hữu vị trí chiến lược quan trọng – là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối trực tiếp với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Thành phố này nằm trên trục quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, có hệ thống giao thông thủy – bộ – sắt đa dạng, thuận tiện cho liên kết vùng, phát triển kinh tế và hành chính.
Mỹ Tho cũng là nơi gắn kết giữa không gian biển phía Đông (khu vực Gò Công) với vùng sản xuất nông nghiệp phía Tây, mở ra tiềm năng khai thác kinh tế biển sau sắp xếp.
Việc lựa chọn Mỹ Tho làm trung tâm không chỉ xuất phát từ yếu tố lịch sử và hạ tầng sẵn có mà còn phù hợp với các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021–2030, Mỹ Tho là một trong các trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch quan trọng; là đô thị cửa ngõ kết nối vùng TP. HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, thành phố còn được định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, chế biến nông sản và logistics phục vụ cho toàn vùng.