Sáp nhập cấp xã và yêu cầu '5 hơn'đối với cán bộ, công chức
Chính quyền cấp xã là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền nhà nước với nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở địa phương theo thẩm quyền, bảo đảm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được triển khai thực hiện trong cuộc sống… Vì vậy, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở.
Một thực tế cho thấy khi bỏ cấp huyện và sáp nhập xã, chính quyền cấp xã phải quản lý địa bàn rộng lớn hơn, dân số đông hơn và khối lượng công việc cũng nhiều hơn, yêu cầu trình độ năng lực, thái độ, trách nhiệm làm việc phải cao hơn. Điều này đặt ra không hành chính hóa hoạt động, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân theo tinh thần "chú trọng và thực hành dân làm gốc", phải thực sự là "cánh tay nối dài" của Đảng đến từng hộ gia đình, từng người dân; lấy người dân làm trung tâm cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Cán bộ phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: qdnd.vn
Cấp xã sẽ có quy mô dân số đông hơn
Theo quan điểm của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta, trong quá trình sáp nhập thì số xã, phường trên cả nước giảm (60-70%) tùy thuộc trình độ, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt từng địa phương, phấn đấu giảm từ 10.035 xã xuống còn khoảng 3.000 - 4.000 xã. Trung ương yêu cầu trong tháng 6-2025, cả nước phải hoàn thành đề án sáp nhập cấp xã và đi vào hoạt động theo mô hình mới từ ngày 1-7-2025. Theo đó, sau khi sáp nhập, bình quân dân số nếu chia đều sẽ khoảng 250.000- 300.000 người/xã (phường).
Vì dân số có xu hướng đông hơn trước khi sáp nhập khoảng 3-5 lần nên cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt cấp xã cần có bản lĩnh, trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm tương xứng; đòi hỏi cán bộ chủ chốt cấp xã cần có tư duy, tầm nhìn bao quát, từ đó có cách nhìn nhận, đánh giá và xử lý các tình huống lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của địa phương mình bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời khắc phục những đặc điểm tâm lý xã hội hội tiêu cực nảy sinh.
Phạm vi địa bàn quản lý diện tích hành chính rộng hơn
Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã nhằm tập trung xây dựng, kiến tạo chính quyền địa phương theo hướng hiện đại, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn; không chỉ thay đổi địa giới, mà còn là cải tổ bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Sau sáp nhập, cấp xã sẽ có phạm vi địa giới hành chính rộng hơn trước từ 3-5 lần, kéo theo đó là không gian đời sống sinh hoạt, tập tục nhân dân, các điều kiện xã hội ở địa phương phát triển rất phong phú, đa dạng.
Trước tình hình này đòi hỏi cán bộ chủ chốt cấp xã cần có nhãn quan khoa học, tư duy, tầm nhìn thấu đáo, bao quát mọi vấn đề, chỉ đạo, điều hành các bộ phận, lực lượng thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm gương cho dân tin... để có chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả, góp phần xây dựng địa bàn dân cư an toàn, gắn với tiêu chí phát triển địa phương nhanh, bền vững.
Thẩm quyền ban hành, giải quyết các văn bản nhiều hơn
Cán bộ cấp xã là những người trực tiếp tiếp xúc với người dân. Hằng ngày, cán bộ xã phải ban hành, thực thi, giải quyết khá nhiều loại văn bản…
Đểthực hiện tốt phương châm quản lý hành chính “hiện đại, văn minh”, “tròn vai, thuộc bài”, mỗi cán bộ chủ chốt cấp xã cần có sự phân quyền, phân cấp giữa cấp trưởng và cấp phó. Tinh giảm, loại bỏ triệt để các thủ tục rườm rà, gây lãng phí thời gian, công sức của nhân dân; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, phục vụ cho sự phát triển; bỏ tư duy "không quản được thì cấm", thực hiện "không biết thì không quản"; giải phóng sức sản xuất của địa phương, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa địa bàn.
Phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, quản lý cao hơn
Về phẩm chất chính trị tư tưởng: Chuẩn hóa theo hướng tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”. Phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trong giáo dục nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Ngoài ra, cán bộ, công chức cấp xã phải là người gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, quy định ở địa phương mình.
Về phẩm chất đạo đức, lối sống: Chuẩn hóa theo hướng ủy ban nhân dân cấp xã cần phải xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ dựa theo quy định về tiêu chuẩn quy định cho từng loại, từng chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể hóa những giá trị đạo đức như “cần, kiệm, liêm, chính” thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ, để đội ngũ cán bộ cấp xã tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, gần gũi với nhân dân. Tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí... Rèn luyện bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, kiên quyết và kiên trì đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu.
Về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước: Chuẩn hóa theo hướng căn cứ tiêu chuẩn của công chức cấp xã quy định tại Khoản 1, Điều 1, Thông tư số 13/2019/TT-BNV, ngày 6-11-2019 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và điều kiện thực tế của địa phương, ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã trong từng kỳ tuyển dụng; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ). Đối với quy định công chức cấp xã phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt nghiệp đại học hệ chính quy trở lên; có trình độ trung, cao cấp về lý luận chính trị, kinh nghiệm...
Thái độ, trách nhiệm và phương pháp làm việc tốt hơn
Theo quy định, cán bộ cấp xã, chú ý với diện chủ chốt cần có trách nhiệm cao với công việc thuộc thầm quyền; có tư duy năng động, sáng tạo; dám nghĩ, nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám vượt qua kho khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; có tác phong và phương pháp làm việc linh hoạt, khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ. Có tinh thần trách nhiệm và phối hợp hài hòa, nhuần nhuyễn với các bộ phận, lực lượng trong nội chính địa phương trên tinh thần tôn trọng nhau, vì mục tiêu cùng thực hiện nhiệm vụ phát triển địa phương vững mạnh. Có thái độ giao tiếp thân thiện, cởi mở, lắng nghe, tôn trọng nhân dân; có lề lối, tác phong làm việc ứng xử chuẩn mực với nhân nhân dân, đáp ứng cao nhất mọi yêu cầu của văn hóa công vụ trong đó lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.