Kỳ vọng những bước phát triển của lĩnh vực ghép tạng

Hơn 30 năm nỗ lực không ngừng, y học Việt Nam đã đạt được những kỳ tích trong lĩnh vực ghép tạng, trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép mỗi năm không chỉ về mặt số lượng mà còn về chất lượng.

1 tuần 21 ca ghép tạng

Ngay từ những ngày đầu năm 2025, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghi nhận những thành tích nổi bật trong công tác vận động hiến tạng từ người hiến chết não và ghép tạng.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh mặc niệm tri ân người hiến tạng sau chết não. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh mặc niệm tri ân người hiến tạng sau chết não. Ảnh: BVCC.

Cụ thể, với sự đồng thuận cao từ 4 gia đình bệnh nhân chết não hiến tạng, các y bác sĩ đã tiến hành ghép tạng thành công cho 15 người bệnh đang mong chờ cơ hội được sống (4 bệnh nhân ghép tim, 1 bệnh nhân ghép đồng thời gan - thận, 3 bệnh nhân ghép gan, 7 bệnh nhân ghép thận). Trong cùng thời gian, bệnh viện vẫn tiến hành ghép theo kế hoạch cho 6 bệnh nhân ghép thận từ người cho sống.

Tất cả 21 ca ghép tạng nói trên đều được thực hiện trong khoảng thời gian 1 tuần. Đặc biệt, trong đó có 1 trường hợp bệnh nhân nam 63 tuổi (ở Nam Định) được ghép đồng thời gan - thận trên nền ung thư gan, xơ gan, suy thận độ V.

Để thực hiện thành công 21 trường hợp ghép tạng trong 6 ngày, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã làm việc liên tục không kể ngày đêm. Các ca phẫu thuật được phối hợp nhịp nhàng từng khâu diễn ra với độ chính xác cao nhất. Mỗi một ca ghép là một cuộc chạy đua với thời gian không kể ngày đêm. Dù áp lực lớn và khối lượng công việc khổng lồ, tất cả đều chung một mục tiêu: cứu sống bệnh nhân.

21 người bệnh – những người từng đứng trước lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết – nay đã có cơ hội được hồi sinh nhờ những ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiện tại, tình trạng của các bệnh nhân sau ghép đều ổn định, được chăm sóc và điều trị tích cực.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đạt được con số 21 trường hợp ghép tạng trong một tuần, ghi nhận dấu mốc mới trong ngành y tế Việt Nam. Thành tích này không chỉ khẳng định vị thế của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng mà còn mở ra hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân đang chờ ghép tạng trên cả nước.

Trong khi đó, vào những ngày cuối tháng 1/2025, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thực hiện lấy – ghép 4 tạng gồm tim, gan và hai thận từ người hiến chết não.
Trước đó, người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch, dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng không cải thiện. Hội đồng chuyên môn xác định người bệnh chết não, đủ điều kiện hiến tạng. Khi được nhân viên phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) giải thích ý nghĩa của việc hiến tạng, với tấm lòng thiện nguyện và nhân đạo, gia đình người bệnh đã đồng ý hiến tạng để cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo khác.

Ngay sau khi phẫu thuật lấy tạng từ người hiến, tim được ghép cho cậu bé 12 tuổi mắc bệnh cơ tim hạn chế, gan được ghép cho người bệnh bị ung thư biểu mô tế bào gan, hai thận được ghép cho hai người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.

Có thể nhận thấy, nối tiếp những thành tựu nổi bật trong công tác vận động, điều phối và ghép tạng trong năm 2024, lĩnh vực ghép tạng nước ta đã mở đầu năm 2025 bằng những dấu ấn khẳng định vị thế trong lĩnh vực ghép tạng trong phạm vi khu vực, với những thành tựu ấn tượng không chỉ về mặt số lượng mà còn về chất lượng.

Vẫn thiếu nguồn tạng hiến

Ngành ghép tạng Việt Nam vẫn đang đối mặt với thách thức lớn: thiếu nguồn tạng hiến.

GS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết: “Hiện nay, 96% các ca ghép tạng tại Việt Nam là từ người cho sống, trong khi tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm 4%. Điều này là một khoảng cách lớn so với các nước phát triển, nơi tỷ lệ tạng hiến từ người chết não đạt từ 40 - 90%. Chính sự thiếu hụt nguồn tạng hiến là một trong những nguyên nhân khiến hàng nghìn bệnh nhân đang chờ ghép tạng, trong khi mỗi ngày có hàng chục người tử vong vì không có tạng phù hợp”.

Theo chuyên gia, để ngành ghép tạng phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2025 và những năm tới, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần có sự hiểu biết đúng đắn về tầm quan trọng của hiến tạng, để từ đó, những sinh mệnh có thể được nối dài, mang lại hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân đang chờ đợi.

Bên cạnh đó, việc xây dựng danh sách chờ ghép tạng chưa được triển khai đồng bộ và công khai, dẫn đến tình trạng lãng phí tạng hiến. Các bệnh viện chưa có một hệ thống quản lý dữ liệu chặt chẽ, khiến tạng hiến không được sử dụng kịp thời.

Ngoài ra, công tác vận động hiến tạng còn gặp khó khăn do thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các bệnh viện và nhân viên y tế tham gia công tác tư vấn hiến tạng. Việc thiếu chế độ đãi ngộ phù hợp đối với các đơn vị này cũng là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới hiến mô, tạng.

Để giải quyết những vấn đề trên, Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo những biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thúc đẩy việc hiến, lấy và ghép tạng. Một trong những nỗ lực đáng chú ý là việc hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, đồng thời xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các hoạt động ghép tạng.

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, tính đến hết tháng 8/2024, Việt Nam đã thực hiện 9.089 ca ghép tạng, với 8.331 ca ghép thận, 649 ca ghép gan, 90 ca ghép tim, và nhiều ca ghép khác như ghép phổi, ghép chi trên, ghép ruột. Mỗi năm, ngành ghép tạng Việt Nam thực hiện hơn 1.000 ca ghép, trong đó có khoảng 100 ca ghép gan và 90 ca ghép tim. Điều này giúp Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép tạng mỗi năm, chỉ sau các nước phát triển như Tây Ban Nha.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-vong-nhung-buoc-phat-trien-cua-linh-vuc-ghep-tang-10299950.html
Zalo