Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải lựa chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến, 'đi tắt đón đầu'
Ngày 15/2, phát biểu tại buổi thảo luận Tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thể hiện rõ tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 15/2 Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
![Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 1.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_94_51484917/b70a508163cf8a91d3de.jpg)
Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 1.
Cho ý kiến tại Tổ 1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nội dung rất quan trọng, rất gấp. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được ban hành cuối năm 2024, nhưng để đi vào cuộc sống không thể chờ đợi sửa đổi các luật liên quan (dự kiến đến cuối năm 2025 mới hoàn thành), khi đó không còn ý nghĩa của tinh thần của Nghị quyết số 57 đã nêu.
Vì vậy, đòi hỏi phải có một văn bản để khẩn trương đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống. Quy trình sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ và các luật liên quan mất nhiều thời gian, có thể mất cả năm. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường này.
![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 1.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_94_51484917/24fcc277f13918674128.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 1.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phạm vi của vấn đề này quá lớn, bởi động đến vấn đề nào của hoạt động khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia cũng có khó khăn do các quy định hiện hành. Đây là bài học cho thấy thể chế là điểm nghẽn, nếu không gỡ được thể chế, thì đường lối, quan điểm của Đảng sẽ không đi vào cuộc sống. Nghị quyết thí điểm của Quốc hội đưa ra cũng vì mục tiêu khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong hệ thống pháp luật.
Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng cho thấy đây là những vấn đề cấp bách cần tháo gỡ. Phạm vi của dự thảo nghị quyết chỉ đưa 3 nhóm vấn đề định hướng cần tập trung giải quyết. Nghị quyết cũng không thể quy định hết các vấn đề cụ thể đang vướng mắc. Điều này cũng thể hiện tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng".
![Các đại biểu tham gia phiên thảo luận.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_94_51484917/c9cd2c461f08f656af19.jpg)
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận.
Tổng Bí thư cũng phân tích thêm về giá trị và sự cần thiết phát triển khoa học, công nghệ. Thời gian qua không phát triển được là do vướng mắc trong hệ thống pháp luật, trong đó có các luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ... Tổng Bí thư nhấn mạnh, lựa chọn công nghệ phải chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến, phải đi tắt đón đầu, nếu không sẽ tụt hậu so với thế giới.
Theo Tổng Bí thư mục tiêu của Nghị quyết không chỉ là tháo gỡ vướng mắc, mà là khuyến khích. Khoa học là miền đất hoang vu, ai mà đi trúng sẽ thắng lợi. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã nhận thấy điều đó và đã có những chủ trương chỉ đạo cụ thể.
"Nghị quyết của Quốc hội tập trung vào những vấn đề cơ bản, không quy định quá phức tạp, còn hệ thống pháp luật sẽ cần tiếp tục sửa đổi, đồng bộ, trước mắt là Luật Khoa học và công nghệ và các luật liên quan", Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu.