Kỳ vọng giảm ô nhiễm nhờ tín chỉ nhựa
Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa, tín chỉ nhựa ra đời như một cơ chế tài chính sáng tạo, kết nối các doanh nghiệp với các dự án bảo vệ môi trường.
Tín chỉ nhựa (Plastic Credit) là một khái niệm tương tự tín chỉ các-bon, được áp dụng như một công cụ tài chính giúp các công ty, cá nhân giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường thông qua việc đầu tư vào các dự án thu gom, tái chế nhựa hoặc giảm thiểu nhựa rò rỉ ra thiên nhiên.
Khái niệm này đang dần trở thành xu hướng mới trong nỗ lực bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
![Sự phát triển của tín chỉ nhựa có thể tạo ra động lực cho việc cải thiện các hệ thống tái chế nhựa hiện tại, vốn vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_72_51481775/26c88a2cb962503c0973.jpg)
Sự phát triển của tín chỉ nhựa có thể tạo ra động lực cho việc cải thiện các hệ thống tái chế nhựa hiện tại, vốn vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn.
Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa, tín chỉ nhựa ra đời như một cơ chế tài chính sáng tạo, kết nối các doanh nghiệp với các dự án bảo vệ môi trường. Một trong những sáng kiến đáng chú ý là việc Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành trái phiếu liên kết giảm thiểu rác thải nhựa trị giá 100 triệu USD vào tháng 1/2024.
TS. Muthukumara S. Mani, chuyên gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, trái phiếu này không chỉ mang lại lợi ích tài chính cho các nhà đầu tư, mà còn hỗ trợ tài chính cho các dự án thu gom và tái chế nhựa tại các quốc gia như Ghana và Indonesia.
Các dự án này nhằm giảm thiểu lượng nhựa rò rỉ ra đại dương, cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các cộng đồng dễ bị tổn thương, đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm cho các cộng đồng nghèo.
Sự phát triển của tín chỉ nhựa có thể tạo ra động lực cho việc cải thiện các hệ thống tái chế nhựa hiện tại, vốn vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, phần lớn nhựa thu gom hiện nay chỉ được đưa vào bãi chôn lấp hoặc đốt, gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Việc khuyến khích đầu tư vào công nghệ tái chế và cơ sở hạ tầng xử lý chất thải nhựa thông qua tín chỉ nhựa có thể giúp nâng cao hiệu quả của các dự án bảo vệ môi trường.
Giới chuyên gia nhận định rằng tín chỉ nhựa có thể trở thành một công cụ quan trọng trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm nhựa. Thông qua việc mua tín chỉ nhựa, các công ty có thể bù đắp cho lượng nhựa mà họ đã sản xuất hoặc tiêu thụ, từ đó giúp loại bỏ phần nào tác động tiêu cực đến môi trường.
Vấn đề này tương tự như việc bù đắp các-bon trong các hoạt động kinh doanh, với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án giảm thiểu nhựa.
Tuy nhiên, để tín chỉ nhựa thực sự mang lại hiệu quả, cần có các quy định chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong việc cấp phát tín chỉ. Các dự án cần phải được kiểm tra và xác minh một cách độc lập, tránh tình trạng tính hai lần hoặc không đạt được hiệu quả về mặt môi trường.
Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc xử lý chất thải nhựa. Tuy nhiên, tín chỉ nhựa có thể giúp Việt Nam giải quyết một phần vấn đề này.
Một số quốc gia thu nhập thấp như Việt Nam có thể hưởng lợi từ tín chỉ nhựa thông qua việc huy động vốn cho các dự án thu gom và tái chế rác thải nhựa tại địa phương. Điều này không chỉ giúp cải thiện hệ thống xử lý chất thải, mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và người dân tham gia vào các hoạt động tái chế nhựa.
Ngoài ra, việc triển khai tín chỉ nhựa tại Việt Nam có thể mở ra cơ hội lớn để phát triển thị trường quốc gia, và dần hướng đến việc tham gia vào thị trường toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể xây dựng một mô hình tín chỉ nhựa quốc gia vững mạnh, và sau đó mở rộng ra các khu vực khác, thậm chí ra thế giới.
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã và đang triển khai các sáng kiến thiết thực.
Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và khuyến khích thiết kế sản phẩm nhựa bền vững. Mới đây, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035, trong đó ngành nhựa là một trong các ngành ưu tiên chuyển đổi.
Nhiều sáng kiến như việc áp dụng các chính sách thuế, phí để hạn chế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần, cùng với việc phát triển các tiêu chuẩn cho nhựa tái chế, đang tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tham gia vào các giải pháp giảm ô nhiễm nhựa.
Tín chỉ nhựa, với cơ chế tài chính sáng tạo và khả năng thúc đẩy các dự án tái chế, có thể trở thành một công cụ quan trọng giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.
Với những bước đi đúng đắn, Việt Nam có thể tận dụng tín chỉ nhựa như một cơ hội để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững.
Các chính sách, sáng kiến của Chính phủ và sự hợp tác quốc tế trong vấn đề này sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam dẫn đầu trong việc xây dựng một tương lai không rác thải nhựa.