Bộ Nội vụ đề xuất 5 nhóm chính sách đột phá đối với chuyên gia cao cấp tại 9 cơ quan Trung ương
Nhiều chế độ, chính sách về lương, nhà ở, nghỉ dưỡng, điều kiện làm việc... đã được Bộ Nội vụ đề xuất với những cán bộ được bổ nhiệm chức danh chuyên gia cao cấp tại 9 cơ quan Trung ương.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Nghị định quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp.
Áp dụng chế độ với chuyên gia cao cấp tại 9 cơ quan
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, năm 2024, Ban Bí thư ban hành Quy định 180 về chuyên gia cao cấp, trong đó giao Chính phủ ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp và hướng dẫn việc sử dụng chuyên gia cao cấp là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.
Thực tế cho thấy chính sách, chế độ đối với chuyên gia cao cấp được ban hành qua nhiều giai đoạn, chưa được sửa đổi, hoàn thiện. Bộ Nội vụ thông tin từ năm 2004 đến nay, chỉ thực hiện chế độ tiền lương (bảng lương chuyên gia cao cấp có 3 bậc, từ 8,80 - 9,40 - 10,00), phụ cấp phục vụ, chăm sóc sức khỏe, các chế độ khác không còn áp dụng.
“Chưa có chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia cao cấp đáp ứng yêu cầu, nhất là những người làm việc ngoài khu vực công, các chuyên gia giỏi, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài” – Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_114_51485138/d1ab3c3b0f75e62bbf64.jpg)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH
Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Nội vụ nhìn nhận việc ban hành nghị định này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng chính sách vượt trội đối với chuyên gia cao cấp tại các cơ quan tham mưu ở Trung ương.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất các nhóm chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc, nhà ở, nghỉ dưỡng được đề xuất áp dụng đối với chuyên gia cao cấp làm việc tại chín cơ quan. Gồm Ban Tổ chức Trung ương; Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Quốc hội.
Được bố trí phương tiện tốt nhất để làm việc
Theo dự thảo, cán bộ, công chức, viên chức khi bổ nhiệm chức danh chuyên gia cao cấp được hưởng các chính sách về tiền lương. Đầu tiên là được xếp lương theo quy định tại bảng lương chuyên gia cao cấp ban hành kèm theo Nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Họ được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương hiện hưởng, bao gồm mức tiền lương theo hệ số lương chuyên gia cao cấp và các khoản phụ cấp lương theo quy định. “Phụ cấp tăng thêm không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế” – dự thảo nêu rõ.
Những chuyên gia cao cấp này được nâng bậc lương trước thời hạn hoặc nâng lương vượt một bậc nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định.
Với người làm việc ngoài hệ thống chính trị hoặc người đã nghỉ hưu, không thuộc biên chế của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài) được bổ nhiệm chức danh chuyên gia cao cấp được hưởng mức tiền lương theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương bậc 1 chuyên gia cao cấp cộng với phụ cấp tăng thêm theo quy định tại nghị định này.
Họ cũng được tăng lương theo thỏa thuận nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền công nhận.
Bộ Nội vụ nêu rõ việc lựa chọn hình thức hợp đồng lao động, các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng và mức thù lao đối với chuyên gia cao cấp do người đứng đầu cơ quan sử dụng chuyên gia cao cấp quyết định trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của chuyên gia cao cấp.
![Nhiều chế độ, chính sách về lương, nhà ở, nghỉ dưỡng, điều kiện làm việc... đã được Bộ Nội vụ đề xuất với những cán bộ được bổ nhiệm chức danh chuyên gia cao cấp. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_114_51485138/b7db5b4b6805815bd814.jpg)
Nhiều chế độ, chính sách về lương, nhà ở, nghỉ dưỡng, điều kiện làm việc... đã được Bộ Nội vụ đề xuất với những cán bộ được bổ nhiệm chức danh chuyên gia cao cấp. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI
Về điều kiện làm việc, Bộ Nội vụ đề xuất chuyên gia cao cấp được bố trí, nhân lực, vật lực, trang thiết bị, phương tiện làm việc để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trường hợp cần thiết được đầu tư nguồn lực, các trang thiết bị đặc biệt để thực hiện các nội dung của chương trình, đề án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học đã được cấp có thẩm quyền đánh giá là khả thi, đề nghị áp dụng trong thực tiễn.
Những chuyên gia này được chi trả toàn bộ chi phí theo định mức áp dụng đối với chức danh Bộ trưởng khi đi công tác, hội thảo ở trong và nước ngoài nếu có liên quan trực tiếp tới việc chủ trì thực hiện chương trình, đề án, nhiệm vụ khoa học được giao mà cấp có thẩm quyền cử.
Họ cũng được hưởng các ưu đãi khác theo thỏa thuận với cơ quan sử dụng chuyên gia cao cấp theo quy định.
Được ưu tiên thuê nhà công vụ như Bộ trưởng
Về nhà ở, Bộ Nội vụ đề xuất chuyên gia cao cấp được ưu tiên thuê nhà công vụ theo định mức áp dụng đối với chức danh Bộ trưởng hoặc vay tiền mua nhà để ở, tự xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà để ở theo bảo lãnh của cơ quan sử dụng chuyên gia cao cấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Những người này được bố trí nhà ở công vụ theo quy định của cấp có thẩm quyền nếu có đóng góp quan trọng cho quốc gia.
Chuyên gia cao cấp được bố trí kỳ nghỉ dưỡng bảy ngày trong nước cùng gia đình (không quá năm người). Cơ quan sử dụng có trách nhiệm bố trí và chi trả cho kỳ nghỉ dưỡng hằng năm đối với chuyên gia cao cấp theo quy định.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đối với chuyên gia cao cấp là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài phải được ghi cụ thể trong hợp đồng lao động ký kết với chuyên gia cao cấp, bảo đảm tuân thủ các quy định về sử dụng lao động là người nước ngoài tại Việt Nam và quy chế làm việc của cơ quan sử dụng chuyên gia cao cấp. Đồng thời, được cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện đơn giản hóa giấy tờ và cấp thị thực, giấy cư trú, giấy phép lao động tại Việt Nam.
Thành viên gia đình của chuyên gia cao cấp (bao gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
“Chuyên gia cao cấp và thành viên gia đình sẽ được cấp thị thực nhiều lần hoặc thẻ tạm trú với thời hạn tương ứng với thời gian ký kết hợp đồng lao động với cơ quan tham mưu ở Trung ương theo quy định” – Bộ Nội vụ cho hay.
Theo đề xuất, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để chi trả chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp. Kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp được bố trí từ kinh phí ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành.
Định kỳ hàng năm báo cáo việc thực hiện chính sách đối với chuyên gia cao cấp gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ trước ngày 1-12 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.