Kỳ vọng chính sách mới cho sinh viên ngành y
Bộ Y tế vừa đề xuất Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu chính sách hỗ trợ học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y như với ngành sư phạm; mức hỗ trợ học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo. Trong khi người học mong mỏi đề xuất trên sẽ thành hiện thực, thì một số trường đào tạo ngành y cho rằng Nhà nước cần tính toán hợp lý, không miễn giảm đổ đồng.
Giảm gánh nặng cho người học
Nguyễn Tấn Quang (22 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) là sinh viên năm 4, ngành y khoa, Trường Đại học (ĐH) Y Dược TPHCM; thuộc diện gia đình khó khăn, mẹ là người khuyết tật, ba làm công nhân tại KCN Long Sơn. Năm 2021, khi lựa chọn ngành y khoa, Quang đã biết trước hành trình sẽ nhiều khó khăn. Quang thuê trọ cùng 2 người bạn, chi phí đi lại, ăn ở dù tiết kiệm cũng mất 4 triệu đồng/tháng. Để bớt gánh nặng cho gia đình, ngoài giờ học Quang đi làm gia sư.
“Từ năm học 2023-2024, các trường ĐH thực hiện thu học phí theo Nghị định 81 và Nghị định 97 của Chính phủ nên học phí cao hơn so với thời điểm đầu em vào học. Vừa rồi, ba em phải “vay nóng” hơn 82 triệu đồng để em đóng học phí. Nếu được Nhà nước hỗ trợ 100% học phí, em và các bạn ai cũng mừng. Chính sách sẽ giúp nhiều học sinh giỏi nhưng gia đình không đủ điều kiện yên tâm thi và chọn ngành y để theo học”, Quang nói.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, phân tích, học phí ngành y, dược hiện cao nhất trong các khối ngành đào tạo ĐH. Cụ thể, với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí ngành y, dược năm học 2024-2025 là 27,6 triệu đồng; các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe là 20,9 triệu đồng. Tại các trường công tự chủ, mức học phí còn cao hơn nhiều lần: Trường ĐH Y Dược TPHCM có học phí từ 41,7-84,7 triệu đồng/năm, tùy vào ngành học; Trường ĐH Khoa học sức khỏe (ĐH Quốc gia TPHCM) có học phí 60 triệu đồng/năm với ngành y khoa và 55,2 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo bác sĩ khác. Khối các trường ĐH, cao đẳng ngoài công lập từ 30-250 triệu đồng/năm.
“Trong những lần đi tư vấn tuyển sinh ở các tỉnh, thành phố, phụ huynh, học sinh băn khoăn nhiều nhất là học phí trường y. Đề xuất miễn học phí cho sinh viên ngành y, dược là hợp tình, hợp lý”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Không phân biệt công - tư
Đại diện một trường ĐH đào tạo khối ngành sức khỏe nhận định: Nếu Nhà nước hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành y, dược thì sẽ rất đáng mừng. Tuy nhiên, trước mắt chính sách này chỉ nên áp dụng cho sinh viên học ngành khan hiếm nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe. Sau khi ra trường phải có ràng buộc người học thực hiện nhiệm vụ theo sự điều động của Nhà nước. Nếu triển khai được như vậy thì mới đạt hiệu quả từ đào tạo đến phân bổ nhân lực của ngành y tế, coi như đây là hình thức Nhà nước “đặt hàng” đào tạo nhân lực cho ngành.
GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TPHCM, nhấn mạnh: “Chính sách này cần được triển khai theo hướng Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức cơ sở đào tạo, mới có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo. Trước mắt, cần hỗ trợ cho sinh viên theo học ngành y tế công cộng, điều dưỡng và hộ sinh do đây là những ngành đang thiếu nhân lực. Đồng thời, cần có quy định ràng buộc để sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải có thời gian phục vụ cho hệ thống y tế, từ tuyến cơ sở đến trung ương. Đây cũng là dịp để xây dựng được tuyến hệ thống y tế cơ sở mạnh, lấy chăm sóc ban đầu với nguyên lý y học gia đình làm nền tảng”.
GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TPHCM, lưu ý, điểm đầu vào của sinh viên y khoa hầu như cao nhất trong các ngành học. Thời gian đào tạo dài, học phí cao nên đây là gánh nặng và cũng là nỗi lo đối với những học sinh học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được trở thành bác sĩ. Vì vậy, để thu hút người giỏi vào học khối ngành sức khỏe, chính sách miễn học phí cho sinh viên y, dược như ngành sư phạm là rất nhân văn và cần được triển khai sớm.
Trong khi đó, ThS Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, TPHCM, cho rằng, chính sách cần thực hiện đồng bộ cả đối với trường công và trường tư, nhưng có sự đánh giá chất lượng đào tạo của các trường; không đánh đồng trường nào đào tạo ngành sức khỏe cũng được thụ hưởng chính sách này, trong khi bản thân các trường không đáp ứng tiêu chí đào tạo. Tiếp đó, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố cần phân bổ chỉ tiêu minh bạch, không phân biệt học trường công hay trường tư, để thông qua kỳ thi sát hạch tay nghề, các đơn vị tuyển dụng chọn được nguồn nhân lực mình cần. Điều này không chỉ giúp sinh viên yên tâm học tập, mà còn đảm bảo sự phát triển lâu dài của họ trong ngành sức khỏe.
Đồng thuận với ý kiến trên, ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, nhận xét đây là một chính sách rất đáng kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh ngành y đang thiếu hụt nhân lực, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hy vọng Chính phủ sẽ có cơ chế hỗ trợ cụ thể, chẳng hạn như cấp bù học phí hoặc ưu đãi tài chính cho các trường tư, giúp đảm bảo quyền lợi cho sinh viên và duy trì chất lượng đào tạo.