Nhiều học sinh lớp 9 lên kế hoạch ôn thi xuyên Tết để chinh phục kỳ thi vào 10

Nhiều HS lớp 9 tại Hà Nội đang dồn sức cho kỳ thi vào lớp 10 năm học 2025-2026, có em đã có kế hoạch ôn tập xuyên Tết để sẵn sàng vượt 'vũ môn'.

Năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 9 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông.

Theo Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông, thay vì chỉ tập trung ôn luyện 2 môn chính là Toán, Ngữ văn, các thí sinh đang đứng trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông sẽ phải mở rộng phạm vi ôn tập, bao gồm toàn bộ các môn học được tính điểm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các môn này gồm: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học.

Kỳ nghỉ Tết khác với trước đây, khi sĩ tử quyết tâm ôn thi xuyên Tết

Tính đến hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 3. Điều này khiến học sinh vẫn chưa thể tập trung ôn tập cho cả 3 môn.

Dành mọi thời gian có thể, từ sáng sớm đến tối muộn, nhiều học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang dồn sức cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông. Ngay cả những ngày cận Tết, khi người người sum họp, một số sĩ tử đã lên kế hoạch tranh thủ từng giờ để học bài, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Vốn đam mê hội họa, song, từ khi kết thúc học kỳ I, nữ sinh Bùi Thảo Vy - học sinh lớp 9 tại quận Ba Đình (Hà Nội) đã phải tạm dừng những khoảng thời gian dành cho đam mê ấy, để nhường chỗ cho mục tiêu lớn hơn, là kỳ thi vào lớp 10.

Lịch trình ôn thi của Thảo Vy gần như “dày đặc”, bắt đầu từ sáng sớm với những buổi học chính khóa trên lớp; đến các lớp học thêm môn Toán và Ngoại ngữ vào buổi chiều; tối đến, khi bạn bè cùng lớp đã nghỉ ngơi, Vy vẫn miệt mài giải đề, luyện viết văn. Gần đây, nữ sinh còn tham gia nhóm học tập cùng bạn bè để trao đổi kiến thức và hỗ trợ lẫn nhau.

“Em thường xuyên giải đề đến 1 giờ sáng. Đầu óc căng thẳng, mắt cay xè vì ngồi quá lâu trước bàn học, nhưng em vẫn cố gắng không để bản thân dừng lại. Em thường tự nhủ, nếu mình không cố gắng bây giờ, sau này sẽ hối tiếc, bởi kỳ thi vào lớp 10 là “cánh cửa” quan trọng nhất để mở ra con đường tương lai...” - Thảo Vy tâm sự.

Không khí Tết đã cận kề, Thảo Vy vẫn đang tự tay lên lịch trình ôn thi cho mình trong 9 ngày nghỉ Tết: Buổi sáng, từ 8 giờ đến 11 giờ, Vy đến nhà một người bạn trong nhóm để cùng học tập, thảo luận những dạng bài khó, đặc biệt là môn Toán và Ngữ Văn - 2 môn mà Vy cảm thấy cần nhiều thời gian luyện tập hơn. Buổi chiều, từ 2 giờ đến 5 giờ, Vy tập trung tự luyện đề ở nhà, giải những bài kiểm tra tổng hợp của từng môn để rèn khả năng phân bổ thời gian làm bài. Buổi tối, từ 7 giờ đến 10 giờ, Vy hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học trong ngày, ôn tập môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý và tiếng Anh theo từng chủ đề, chuẩn bị cho những câu hỏi mở yêu cầu tư duy.

Thảo Vy tâm sự thêm, kỳ nghỉ Tết năm nay là kỳ nghỉ đặc biệt nhất từ trước đến nay của mình, bởi thay vì được thoải mái đi chơi, về quê, thăm họ hàng hay cùng gia đình du lịch như những năm trước, nữ sinh phải dành phần lớn thời gian cho việc học. “Em đã lên kế hoạch ôn tập đến 29. Sau đó, khoảng tối mùng 1 hoặc sáng mùng 2 Tết, em sẽ bắt đầu trở lại với việc học, không để lãng phí bất cứ ngày nào” - Vy chia sẻ.

 Thay vì tận hưởng những lịch trình thú vị trong dịp nghỉ Tết, Thảo Vy quyết định dành khoảng thời gian này để ôn thi. Ảnh: Anh Tú.

Thay vì tận hưởng những lịch trình thú vị trong dịp nghỉ Tết, Thảo Vy quyết định dành khoảng thời gian này để ôn thi. Ảnh: Anh Tú.

Nguyễn Công Nam - một học sinh lớp 9 tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho biết, hiện, em đang dồn toàn bộ tâm sức cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Nam đã lên kế hoạch ôn tập xuyên suốt dịp Tết này với kế hoạch cụ thể, chi tiết và coi đây là cơ hội “vàng” để củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài.

Trước Tết, Nam tập trung chủ yếu vào việc giải đề 2 môn Toán, Ngữ văn - những môn thi bắt buộc được cố định qua mỗi năm. Nam sinh cho biết: “Em muốn làm quen với cấu trúc đề thi, từ đó rút ra các dạng bài thường gặp và cách giải nhanh hơn. Việc giải đề không chỉ giúp em nắm chắc kiến thức mà còn cải thiện tốc độ làm bài”.

Bên cạnh đó, nam sinh cũng bày tỏ sự lo lắng về các dạng câu hỏi mới có thể xuất hiện trong kỳ thi năm nay, khi Hà Nội vẫn duy trì việc thi môn thứ 3 bất kỳ. Đặc biệt, tới nay, Hà Nội vẫn chưa có thông tin chính thức về việc công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10 trung học phổ thông, điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh lớp 9 càng như đang “ngồi trên đống lửa”. “Em sợ gặp phải những dạng bài lạ, nên quyết tâm luyện càng nhiều đề càng tốt” - Nam lý giải.

 Nỗ lực là vậy, Công Nam cũng thừa nhận rằng, áp lực của kỳ thi không nhỏ. Ảnh: Anh Tú.

Nỗ lực là vậy, Công Nam cũng thừa nhận rằng, áp lực của kỳ thi không nhỏ. Ảnh: Anh Tú.

Dịp Tết này, Nam không nghỉ ngơi mà dành phần lớn thời gian cho việc học: “Những năm trước, em chỉ học đến khoảng 25 tháng Chạp là nghỉ Tết, giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng, vui chơi. Nhưng năm nay, em quyết tâm ôn thi xuyên Tết. Em biết nhiều bạn bè đang chuẩn bị vui chơi dịp Tết, nhưng em nghĩ, đây là lúc mình cần tăng tốc. Nếu bản thân chậm lại, các bạn khác sẽ vượt lên, mà kết quả thi vào lớp 10 thì chỉ cần lệch một điểm số rất nhỏ, cũng có thể khiến ngôi trường mơ ước trở nên xa tầm với”.

Nam sinh cũng dự định sẽ ôn tập “cuốn chiếu” từng môn học từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết, mỗi ngày dành ít nhất 8 tiếng để học. Buổi sáng và chiều, Nam sẽ tập trung giải đề Toán và Ngữ văn; buổi tối dành thời gian cho các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Nỗ lực là vậy, song, Nam cũng không khỏi lo lắng trước áp lực không nhỏ của kỳ thi tuyển sinh, đặc biệt khi Nam đặt mục tiêu vào một trong những trường trung học phổ thông thuộc “top đầu” của thành phố. “Em đã gác lại hết sở thích cá nhân, chỉ để tập trung vào mục tiêu cao nhất trong kỳ thi sắp tới. Mặc dù có những thời điểm, em cảm thấy cuộc sống của mình như chìm đắm trong những con chữ, công thức, mất đi sự kết nối với các mối quan hệ xung quanh... Nhưng những nỗ lực này cho kỳ thi chuyển cấp là rất đáng” - Nam tâm sự.

Học 4 ca/ngày nhưng vẫn lo thiếu kiến thức

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang trong tâm trạng vừa lo lắng, vừa kỳ vọng khi con gái chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 căng thẳng: “Kỳ thi năm nay được đánh giá là khó khăn hơn, khi các sĩ tử phải ôn đồng đều tất cả các môn học. Điều này buộc các em học sinh phải nỗ lực gấp bội, đồng thời đặt lên vai phụ huynh áp lực, làm sao vừa trở thành điểm tựa, vừa hỗ trợ con trong suốt quá trình ôn luyện”.

Dịp Tết năm nay, gia đình chị Thảo quyết định đón Tết theo cách rất đặc biệt: “Các năm trước, gia đình tôi sẽ đưa con đi thăm họ hàng hoặc tham gia các hoạt động vui chơi đón xuân. Nhưng năm nay, lịch trình của gia đình sẽ có một số thay đổi, vì con gái tôi muốn xin đi học gia sư đến tận 29 tháng Chạp, thậm chí, trong mấy ngày Tết cũng chỉ muốn học ở nhà chứ không đi đâu cả”.

Theo chị Thảo, lịch trình học tập của con gái chị gần như không có khoảng trống: “Từ thứ Hai đến thứ Sáu, con dành cả ngày cho các buổi học chính khóa và học thêm. Sáng học trên lớp, chiều học thêm Toán và Ngoại ngữ, tối lại ngồi giải đề hoặc ôn lại bài đến tận 11 giờ khuya, thậm chí có hôm còn muộn hơn. Cuối tuần, thay vì được nghỉ ngơi, con gái tôi tiếp tục tham gia các lớp học thêm khác, có ngày học tới 4 ca liên tục.

Tôi cũng không muốn con áp lực quá, nhưng kỳ thi này thực sự rất quan trọng, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, con sẽ khó có cơ hội vào được ngôi trường mơ ước. Tôi luôn động viên con rằng, chỉ cần qua được kỳ thi này, con có thể thoải mái làm những gì mình thích”.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ con về mặt tinh thần, chị Thảo còn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất về sức khỏe và dinh dưỡng cho con. “Tôi cố gắng nấu những món ăn con thích, chuẩn bị thêm các bữa ăn phụ để con có đủ năng lượng học tập. Có hôm, con mệt quá, tôi cũng nhắc nhở con nghỉ ngơi một chút, nhưng con vẫn muốn cố gắng thêm” - chị Thảo cho biết.

 Phụ huynh cần đồng hành sát sao với con, hỗ trợ con trong việc ôn tập, nhưng cũng cần tránh tạo áp lực quá lớn. Ảnh minh họa: Anh Tú.

Phụ huynh cần đồng hành sát sao với con, hỗ trợ con trong việc ôn tập, nhưng cũng cần tránh tạo áp lực quá lớn. Ảnh minh họa: Anh Tú.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Hồng Vân - giáo viên môn Toán, Trường Trung học cơ sở Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, dù việc ôn tập rất quan trọng, nhưng Tết không phải là thời điểm để các em học sinh “nhồi nhét” kiến thức hay giải đề thi liên tục. “Tết là dịp để các em nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, vì vậy, việc ôn tập chỉ nên nhẹ nhàng, vừa phải, để không làm “nguội” kiến thức”- cô Vân chia sẻ.

Đồng thời, cô Hồng Vân khuyên các sĩ tử nên giải một số bài toán yêu thích, thay vì những bài tập khô khan hay quá phức tạp. Điều này không chỉ giúp các em duy trì được sự hứng thú với môn học mà còn giúp giữ cho kiến thức được lưu loát mà không cảm thấy áp lực. “Chọn những bài toán mà các em cảm thấy thú vị hoặc đã thành thạo sẽ giúp các em tiếp tục phát triển khả năng tư duy mà không bị mệt mỏi” - cô Vân lý giải.

 Cô Đỗ Hồng Vân - giáo viên dạy môn Toán, Trường Trung học cơ sở Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Đỗ Hồng Vân - giáo viên dạy môn Toán, Trường Trung học cơ sở Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, nữ giáo viên cũng nhấn mạnh: “Phụ huynh cần đồng hành sát sao với con, hỗ trợ con trong việc ôn tập, nhưng cũng cần tránh tạo áp lực quá lớn. Nếu học sinh cảm thấy bị áp lực, sự hứng thú và tinh thần học tập sẽ bị giảm sút. Hơn nữa, một cái Tết trọn vẹn không chỉ là thời gian nghỉ ngơi cần thiết cho các em, mà còn giúp các em có được một tâm lý thoải mái, sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông phía trước”.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Ma Thị Thanh Tâm - giáo viên Ngữ Văn tại một trường trung học cơ sở ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Trong bối cảnh kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm nay có sự thay đổi lớn (đặc biệt, đối với môn Ngữ văn, yêu cầu thí sinh phải mở rộng ngữ liệu và phương pháp xử lý văn bản), tôi luôn khuyên các sĩ tử nên biết cách cân đối giữa việc học và nghỉ ngơi”.

Tuy nhiên, theo cô Tâm, Tết là thời gian để học sinh thư giãn và nạp lại năng lượng sau một năm học căng thẳng. Cô Tâm cho rằng, thay vì cắm cúi vào các bài tập hay giải đề thi, các em học sinh nên đọc sách, báo hoặc các tác phẩm văn học yêu thích. Việc đọc những cuốn sách phù hợp sẽ giúp các em mở rộng vốn từ, cải thiện khả năng cảm thụ văn học, đồng thời cũng giúp các em tìm thấy niềm yêu thích và đam mê với môn học này.

Anh Tú

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-hoc-sinh-lop-9-len-ke-hoach-on-thi-xuyen-tet-de-chinh-phuc-ky-thi-vao-10-post248713.gd
Zalo