Kỷ vật của lính tăng…

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, vừa hiến tặng nhiều kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Đắk Lắk với hy vọng giúp công chúng hiểu phần nào sự cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975), khi đang là Đại đội trưởng Đại đội Xe tăng 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273 (Quân đoàn 3), Thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đơn vị phối hợp với đơn vị bộ binh anh dũng chiến đấu, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, chiếm lại kho Mai Hắc Đế và tham gia đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, góp phần giải phóng Buôn Ma Thuột. Trong trận đánh vào thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 1-4-1975, Thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy xe tăng M41 (thu được của địch) bắn 9 quả đạn, tiêu diệt trận địa pháo 105mm, bắn chìm 1 tàu chiến, 1 xuồng chiến đấu của địch.

Ngày 29-4-1975, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội Xe tăng 9 phối hợp với lực lượng bộ binh và đặc công chốt tại Cầu Bông (nằm trên Đường 22, huyết mạch nối Sài Gòn-Tây Ninh) tiêu diệt và bắt toàn bộ đoàn xe M-113 gồm 22 chiếc của ngụy, sau đó cùng các đơn vị bạn đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trao các kỷ vật tặng Bảo tàng Đắk Lắk.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trao các kỷ vật tặng Bảo tàng Đắk Lắk.

Đầu tháng 4 vừa qua, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trở lại thăm chiến trường xưa, mang theo những kỷ vật gắn bó bên mình suốt những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử. Những kỷ vật này được ông gìn giữ suốt nửa thế kỷ, bởi với ông đó là một phần của lịch sử, chứa đựng ký ức thiêng liêng không thể phai mờ về những trận chiến đấu ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong số các hiện vật Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng hiến tặng Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk có thể kể đến 4 chiếc mũ được trang bị cho bộ đội xe tăng T-54. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể: “Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, tôi chỉ huy xe tăng T-54 số hiệu 980. Xe tăng T-54 của đại đội tôi ngày ấy tuy là loại hiện đại, khả năng cơ động cùng hiệu suất chiến đấu mạnh nhưng tiếng máy nổ rất lớn. Vì thế khi chiến đấu, các thành viên kíp xe phải đội mũ vừa để cách âm, vừa để chia sẻ thông tin với nhau. Cả 4 chiếc mũ đều được kết nối với hệ thống thông tin liên lạc P-123 trên xe tăng. Hệ thống này có nhiệm vụ kết nối liên lạc giữa các thành viên trong xe và bên ngoài với nhiều tần số khác nhau, có thể kết nối 5-10 xe và cả sở chỉ huy trong quá trình chiến đấu…”.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng còn trao tặng Bảo tàng Đắk Lắk một số kỷ vật khác, như: Chiếc đồng hồ xe tăng; ba lô, chăn, màn, gùi gạo; bình tông; ăng-gô (còn gọi là cà mèn); dao găm; miếng vải dù thu được của địch mà khi chiến đấu ở Tây Nguyên, mỗi lần đi trinh sát ông luôn mang theo làm chăn đắp, dùng ngụy trang để tránh bị địch phát hiện…

“Một số bảo tàng lớn đã nhiều lần liên hệ muốn nhận các hiện vật để bảo quản, trưng bày. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Buôn Ma Thuột là mảnh đất thiêng liêng để lưu giữ, phát huy và lan tỏa giá trị của hiện vật, để nhân dân hiểu hơn về lịch sử, về chiến thắng oanh liệt của quân và dân tỉnh Đắk Lắk…”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ.

Bài và ảnh: MAI SAO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/ky-vat-cua-linh-tang-826107
Zalo