Ký ức về ngày giải phóng huyện Vĩnh Thuận

'Từ giờ này các anh đã đầu hàng chánh quyền cách mạng. Các anh không được rời khỏi đồn, không được nổ phát súng nào, ai làm sai sẽ bị trừng trị'. Mệnh lệnh dứt khoát vang lên trong đêm 30-4-1975 từ Ban Chỉ huy tấn công và nổi dậy huyện Vĩnh Thuận, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở ra chương mới cho quê hương anh hùng.

7 giờ ngày 1-5-1975, trước cánh cổng kiên cố của Chi khu Kiên Long, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Dũng hô lớn: “Mở cửa ra!”. Cánh cửa nặng nề ấy chậm rãi hé mở. Sau cánh cửa, những người lính ngụy quyền xin hàng vô điều kiện, buông súng, lặng lẽ đứng chờ.

Ông Dũng cùng 3 trung đội tiến nhanh vào chi khu, tiếp quản toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng còn lại. Hai khẩu pháo 105mm, hàng ngàn đạn dược, quân nhu cùng toàn bộ cơ sở vật chất của Chi khu Kiên Long được trao lại cho lực lượng cách mạng.

Đại tá Nguyễn Văn Dũng (thứ hai, từ phải qua) - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Thuận kể lại quá trình giải phóng huyện Vĩnh Thuận cùng với biểu trưng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Tổng Bí thư Tô Lâm tặng.

Đại tá Nguyễn Văn Dũng (thứ hai, từ phải qua) - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Thuận kể lại quá trình giải phóng huyện Vĩnh Thuận cùng với biểu trưng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Tổng Bí thư Tô Lâm tặng.

Đại tá Nguyễn Văn Dũng - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Thuận nhớ lại: “Tôi không thể quên được cảm giác lúc đó, sung sướng, nghẹn ngào, tự hào đến trào nước mắt. Chúng tôi biết rằng, từ giây phút đó, quê hương đã thật sự bước vào một kỷ nguyên mới”.

Ông Dũng nghẹn giọng: “Tôi còn sống để chứng kiến giây phút ấy đã là may mắn lớn lao. Có những đồng đội chỉ mới hôm qua còn ôm giấc mơ được về với gia đình trong ngày hòa bình, vậy mà hôm nay đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường”.

Ngược dòng ký ức, những ngày cuối tháng 4-1975, mỗi bước chân, mỗi trận đánh đều là những nỗ lực quật cường mở lối cho độc lập. Cuối tháng 4-1975, trước tình hình chiến trường miền Nam sục sôi, Huyện ủy Vĩnh Thuận dưới sự lãnh đạo của đồng chí Mai Thanh Tòng (Tám Nhãn) tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp, thống nhất chủ trương tự lực giải phóng huyện nhà. Tình hình địch lúc bấy giờ rệu rã, tinh thần binh sĩ ngụy quyền hoang mang cực độ sau những thất bại liên tiếp trên khắp chiến trường.

Chủ lực địch tại Vĩnh Thuận còn khoảng 400 tên bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, cùng vài đơn vị bình định, co cụm trong 7 đồn bốt, 3 trụ sở tề xã và được trang bị hai khẩu pháo 105mm… Trong khi đó, lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ với hơn 100 địa phương quân, mỗi xã có cả đại đội du kích từ 80 - 90 người. Hàng trăm đoàn viên, thanh niên, đảng viên xung phong gia nhập lực lượng vũ trang, khí thế bừng bừng, sẵn sàng đón đợi thời khắc quyết định.

Ngày 26-3-1975, trận phục kích thành công tại ấp Ruộng Sạ khiến tên quận trưởng Nhẹ bị thương nặng, đã làm địch hoang mang. Đến tối 29-4-1975, từ ba hướng Kinh Một, Cạnh Đền và Đường Sân, quân ta đồng loạt mở đợt tấn công Chi khu Kiên Long và các đồn bốt xung quanh. Dù phải tạm lui quân vào sáng 30-4 để củng cố lực lượng nhưng khí thế cách mạng không giảm.

Đêm 30-4, sau khi nhận tin Sài Gòn thất thủ, Ban Chỉ huy tấn công và nổi dậy giải phóng huyện Vĩnh Thuận lệnh cho các mũi tiến công tái áp sát chi khu. Quân ta áp sát và nổ súng tấn công kéo dài mà chưa dứt điểm được chi khu, vừa pháo kích vừa dùng máy PRC.25 kêu ngay tên Đại úy Bé - Quận phó phụ trách an ninh cho biết là các nơi đã đầu hàng. Đến 22 giờ, tên Đại úy Bé chủ động liên lạc qua máy PRC.25 xin đầu hàng nhưng xin hẹn đến 7 giờ sáng hôm sau bàn giao. Ban Chỉ huy đồng ý nhưng kèm theo mệnh lệnh nghiêm khắc: Tất cả binh sĩ ngụy phải ở nguyên vị trí, không được nổ súng, không được bỏ trốn, nếu vi phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Sáng 1-5-1975, đúng 7 giờ, tên Đại úy Bé cùng một sĩ quan ra khỏi chi khu chính thức xin đầu hàng vô điều kiện. Quân ta tiến vào Chi khu Kiên Long, tiếp quản bộ máy chính quyền cũ, bắt giữ hơn 400 tù binh, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng. Các đồn bốt ở các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Hòa, Vĩnh Bình Nam cũng lần lượt hạ súng đầu hàng, huyện Vĩnh Thuận sạch bóng quân thù.

Cả huyện vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngập tràn khắp các ngả đường, bến sông. Những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm nghẹn ngào giữa quân và dân như chứng kiến khoảnh khắc lịch sử mà biết bao thế hệ đã hy sinh, chiến đấu không mệt mỏi để giành lấy.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến, huyện Vĩnh Thuận có 2.073 liệt sĩ, trong đó có 43 nữ; hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân bị địch bắt, tù đày, 987 thương binh. Trên 12.000 nam, nữ thanh niên Vĩnh Thuận tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường, nhiều gia đình có 2 - 5 người con trở thành liệt sĩ. Những chiến công chói lọi với 670 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hơn 4.000 tên địch, bắn rơi 16 máy bay, diệt 9 xe bọc thép M113, thu hơn 1.000 khẩu súng, đã viết nên bản anh hùng ca bất diệt của đất và người nơi đây.

Với những đóng góp to lớn ấy, huyện Vĩnh Thuận vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng 4 xã và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày giải phóng Vĩnh Thuận 1-5-1975 là mốc son trong lịch sử của huyện Vĩnh Thuận và là biểu tượng rực rỡ về ý chí quật cường, về lòng yêu nước, sức mạnh vô tận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm tháng đã trôi qua nhưng ký ức về ngày mùa xuân ấy vẫn sống mãi trong lòng những người từng chứng kiến. Bài học về lòng quả cảm, về niềm tin sắt son với Đảng và lý tưởng cách mạng còn nguyên vẹn, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay tiếp tục xây dựng quê hương Vĩnh Thuận giàu đẹp, văn minh và phát triển.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam/ky-uc-ve-ngay-giai-phong-huyen-vinh-thuan-25878.html
Zalo