Ký ức hào hùng của những chiến sĩ giải phóng

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Miền Nam được giải phóng, đất nước ca khúc khải hoàn, non sông nối liền một dải. 50 năm đã qua, chiến tranh đã lùi xa và những chiến sĩ giải phóng năm xưa giờ đã ở vào tuổi 'xưa nay hiếm', nhưng ký ức hào hùng về một thời lửa đạn để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn in đậm trong tâm trí.

“Bông hồng thép” trên tuyến lửa Trường Sơn

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, lái xe Trường Sơn. Ảnh: Bảo Lâm

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, lái xe Trường Sơn. Ảnh: Bảo Lâm

Theo tiếng gọi phong trào “Ba sẵn sàng”, cô gái Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (sinh năm 1948, quê Hưng Yên, hiện ở quận Long Biên) lên đường chống Mỹ cứu nước, mong muốn góp sức bảo vệ Tổ quốc. Năm đó, bà Ánh được điều động phục vụ trong Tổng đội Thanh niên xung phong 59, xây dựng sân bay dã chiến Yên Bái.

Đầu năm 1968, trước tình hình chiến sự ngày càng phức tạp, Bộ Tư lệnh 559 đã quyết định chọn một số chị em để đào tạo cấp tốc Trung đội nữ lái xe mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh. Bà Ánh xung phong vào chiến trường, trở thành 1 trong 40 nữ chiến sĩ lái xe đầu tiên trên huyết mạch Trường Sơn.

Bà Ánh kể: “Trung đội đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược chi viện miền Nam và đưa thương binh, cán bộ ra miền Bắc học tập, an dưỡng và điều trị… Tuyến hoạt động chủ yếu từ Nghệ An đến Tây Trường Sơn, trong đó có nhiều trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt như: Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, Cổng Trời. Dù “chân yếu, tay mềm” và chỉ qua 45 ngày đào tạo, tất cả chị em chúng tôi đều lái được nhiều loại xe, vượt qua những cung đường mưa bom ác liệt nhất”.

Cô gái Nguyễn Thị Nguyệt Ánh bên chiếc xe ở tuyến lửa Trường Sơn. Ảnh: NVCC

Cô gái Nguyễn Thị Nguyệt Ánh bên chiếc xe ở tuyến lửa Trường Sơn. Ảnh: NVCC

Theo lời kể của bà Ánh, để bảo đảm an toàn và bí mật, đội xe chủ yếu hành quân vào ban đêm, xuất phát từ 5h chiều hôm trước, quay về đơn vị lúc 5h sáng hôm sau. Họ luôn phải lái xe trong tình trạng không bật đèn, đối mặt với bom rơi đạn lạc, thường xuyên ngủ dưới gầm xe, dằn bụng bằng lương khô, nước suối.

Không chỉ trực tiếp cầm vô lăng, các chị em còn vừa là thợ sửa xe, vừa là hộ lý, khiêng cáng thương binh... không quản ngại bất cứ việc gì.

“Vì sức vóc không như nam giới nên hai người lái chung một xe để kèm nhau, riêng tôi đảm đương một chiếc. Ngày nào cũng đi đi về về hơn trăm cây số đường núi, gồ ghề toàn hố bom, đạn cày xới liên tục. Có lúc tưởng chết đến nơi, nhưng không biết sợ là gì…”, bà Ánh nhớ lại.

Trung đội nữ lái xe Trường Sơn đã hoàn thành hàng nghìn chuyến xe, vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa, hàng trăm ngàn lượt bộ đội và thương binh vào Nam, ra Bắc. Chiến trường khốc liệt, nhưng may mắn, không ai hy sinh, 19 người bị thương.

Ngày 2-9-1975, tại Quảng trường Ba Đình, bà Ánh cùng các chị em trung đội lại vinh dự được ngồi trong buồng lái, lái các xe thông tin, xe kéo pháo, xe chỉ huy… tham gia đội hình duyệt binh mừng Quốc khánh sau ngày đất nước thống nhất.

“Đó là niềm tự hào của tất cả chị em trung đội chúng tôi. Chúng tôi đã cống hiến cả thanh xuân tươi đẹp nơi tuyến lửa Trường Sơn, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc”, bà xúc động chia sẻ.

Người chiến sĩ đánh cứ điểm, mở đường thông

Cựu chiến binh Đào Chí Anh với bức ảnh tiến vào Sài Gòn cùng đơn vị. Ảnh: Bảo Lâm

Cựu chiến binh Đào Chí Anh với bức ảnh tiến vào Sài Gòn cùng đơn vị. Ảnh: Bảo Lâm

Những ngày tháng 4 lịch sử, ông Đào Chí Anh (sinh năm 1954) lại bồi hồi một thời tuổi trẻ và những trận đánh khốc liệt, giành nhau với địch từng chiếc hầm, ụ đất trên chiến trường.

Nhập ngũ ngày 13-9-1972, là quân tăng cường Thủ đô đi theo sự điều động của khu Ba Đình, Hà Nội, lúc đó ông Đào Chí Anh mới 18 tuổi. “Ngày 19-1-1973, tôi lên đường đi B. Tôi được biên chế vào Trung đội 3, Đại đội 16, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Sau thời gian huấn luyện, tôi cùng đồng đội bắt đầu hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam”, ông Chí Anh chia sẻ.

Trận đánh ác liệt nhất của đơn vị, cũng là trận đầu của những chiến sĩ Hà Nội như ông, là tấn công vào Thượng Đức (tỉnh Quảng Nam). Đây là tiền đồn chiến lược bảo vệ căn cứ quân sự và sân bay Đà Nẵng. Nhờ cứ điểm này, địch dễ dàng quan sát và đánh phá đường tiến quân của quân giải phóng từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Để tiến quân vào giải phóng Đà Nẵng, quân ta buộc phải phá được căn cứ này.

Ông Chí Anh bồi hồi nhớ lại: “Sáng 29-7-1974, cuộc chiến đọ sức nảy lửa nhất, ác liệt nhất của hai bên bắt đầu diễn ra. Hai bên giành giật nhau từng mét giao thông hào, từng lô cốt. Sau 10 ngày giao tranh ác liệt, sáng 7-8-1974, ta đã giải phóng hoàn toàn quận lỵ Thượng Đức. Tuy nhiên, địch điều Sư đoàn dù lên các điểm cao hòng chiếm lại, vì thế ta và địch phải giành nhau từng mỏm đồi trên cao điểm 700, 383 và nhất là cao điểm 1062, còn gọi là “đỉnh máu”, vì quá ác liệt. Mãi đến cuối tháng 11-1974, sau hơn 4 tháng, trận đánh giữa hai bên mới chấm dứt. Chiến dịch này ta giành chiến thắng, nhưng thương vong cũng rất lớn”.

Chiếc xe chở chiến sĩ đại đội 16, trung đoàn 66, sư đoàn 304 tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Chiếc xe chở chiến sĩ đại đội 16, trung đoàn 66, sư đoàn 304 tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Sau trận này, đơn vị ông Chí Anh lại có lệnh tiếp tục hành quân tham gia giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975) và Sài Gòn. “Chúng tôi ngồi trên xe của Đoàn 559 tiến vào Sài Gòn sáng 30-4-1975. Những người lính chúng tôi hết sức vui mừng và xúc động, đi đến đâu cũng được nhân dân vẫy cờ hoa và tặng đặc sản của địa phương. Mọi mệt mỏi dường như tan biến dù suốt từ đêm 29-4 chúng tôi chỉ ăn vài mẩu lương khô. Đến giờ tôi vẫn giữ bức ảnh chụp tôi và đồng đội đang ngồi trên xe tiến về phía Dinh Độc Lập do một phóng viên bấm máy.

Ngày 30-4 đã đi vào lịch sử. Tôi vui lắm và tự hào lắm, vì đã được góp một phần nhỏ bé thực hiện Di chúc của Bác Hồ: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”, ông Chí Anh chia sẻ.

Chứng nhân trận chiến cuối cùng

Cựu chiến binh Phùng Bá Đam, nguyên giảng viên Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng). Ảnh: NVCC

Cựu chiến binh Phùng Bá Đam, nguyên giảng viên Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng). Ảnh: NVCC

Cho đến hôm nay, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cựu chiến binh Phùng Bá Đam. Ông là một trong những người lính góp mặt trong đội quân giải phóng tiến công vào Dinh Độc lập, tận mắt chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, vào sáng 30-4-1975.

Năm 1967, chàng thanh niên Phùng Bá Đam, sinh năm 1948, tại xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Ông từng chiến đấu ở nhiều mặt trận ác liệt như: Chiến dịch Đường 9 Nam Lào; Thành cổ Quảng Trị và đặc biệt Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kể về giây phút lịch sử ngày 30-4, ông Đam nhớ lại, khoảng 5h ngày 30-4, Trung đoàn 66 và các cánh quân đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn. Khi đội hình vào đến Dinh Độc Lập, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận trèo lên nóc dinh kéo lá cờ Giải phóng lên, Trung úy Phùng Bá Đam cùng chỉ huy và các chiến sĩ khẩn trương tiến vào bên trong dinh.

“Khi lên tầng 2, chúng tôi gặp một người mặc quân phục, tự giới thiệu là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh, báo cáo rằng: “Toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn đang chờ sẵn cấp chỉ huy ở phòng họp”. Tới phòng họp thì đã thấy người ngồi kín trong một căn phòng rộng. Ông Hạnh chỉ vào một người cao lớn, mặc quân phục màu rêu và giới thiệu “Báo cáo cấp chỉ huy, đây là ông Dương Văn Minh, Tổng thống”.

Rồi ông Hạnh chỉ tiếp vào người hơi thấp nhỏ, trán cao, mặc bộ com-lê màu đen và giới thiệu “Đây là giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng Chính phủ Sài Gòn”. Sau đó, ông Dương Văn Minh bước lên một bước và nói rằng: "Báo cáo cấp chỉ huy, chúng tôi đã chờ sẵn cấp chỉ huy vào để bàn giao”. Nhưng nghe tới đó, Đại úy Phạm Xuân Thệ nói: “Các ông đã thua, không có gì để bàn giao. Các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”, ông Đam kể.

Theo dòng hồi tưởng của ông Đam, lúc đó, quân giải phóng đã thống nhất yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh phải ra ngay Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. “Chúng tôi đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn bằng chiếc xe Jeep. Đến nơi, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng xong, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm”, ông Đam thuật lại.

Với cựu chiến binh Phùng Bá Đam, được có mặt trong giây phút lịch sử ấy, lòng ông rất nhiều cảm xúc. “Sau hàng chục trận chiến đấu ác liệt, thương tích đầy mình nhưng tôi may mắn hơn nhiều đồng đội là còn sống đến ngày toàn thắng. Đất nước thống nhất và phát triển, có được vị trí, cơ đồ như ngày nay là biết bao xương máu của đồng đội tôi ngã xuống. Vì vậy, tôi tin tưởng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của cha anh đi trước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tươi đẹp, phát triển hơn”.

Nguyệt Ánh lược ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-uc-hao-hung-cua-nhung-chien-si-giai-phong-700877.html
Zalo