Ký ức không thể phôi phai
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi niềm nhớ thương đồng đội đã ngã xuống để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc vẫn còn mãi trong lòng nhiều cựu chiến binh (CCB). Họ đã tìm về nơi ghi dấu một thời trận mạc để làm lễ giỗ tập thể các liệt sĩ, bày tỏ lòng tri ân với những đồng đội đã hy sinh.
Hằng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng Ba âm lịch), các CCB lại về Khánh Thượng, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) để làm lễ giỗ các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ngày 1/4/1966. Năm nay, lễ giỗ thêm phần ấm cúng bởi có nhiều CCB đang sinh sống ở Quảng Ngãi và TP.Đà Nẵng về thắp hương cho đồng đội.
Nước mắt rơi trong ký ức
Đã hẹn từ trước, sáng sớm, những người lính năm xưa có mặt đông đủ tại xóm Khánh Thượng. Hàng chục năm qua, với nghĩa tình sâu nặng, nhiều CCB thuộc Trung đoàn 1 năm xưa trở lại Khánh Thượng để tổ chức lễ giỗ tập thể các liệt sĩ. Trong không khí nghiêm trang, dòng ký ức về một thời oanh liệt nhưng cũng đầy đau thương, mất mát trên vùng đất lửa đã ùa về...

Những người lính năm xưa thực hiện nghi thức lễ giỗ tập thể các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ngày 1/4/1966 tại xóm Khánh Thượng, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh).
Cách đây 59 năm, vào ngày 1/4/1966, tại Khánh Thượng đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 với quân đội Mỹ. Đây là trận đánh không cân sức về tương quan lực lượng, quân ta ít trong khi quân địch nhiều, quân số và trang bị chiến đấu chênh lệch quá xa. Đơn vị vừa kết thúc đợt tác chiến ở bờ nam sông Trà Khúc, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 nhận lệnh cơ động ra địa bàn Quảng Nam. Trên đường hành quân, tạm trú tại xóm Khánh Thượng, lực lượng bố trí triển khai công sự chiến đấu kết hợp với dựa vào các hầm trú ẩn ở nhà dân.
Quân Mỹ bất ngờ đổ quân tấn công vào đội hình Trung đoàn 1. Trước đó, từ nửa đêm, địch đã bắt đầu bắn pháo dồn dập. Quân ta nhanh chóng lập thế, tạo lực đánh trả quyết liệt, tiêu hao sinh lực và ngăn chặn địch tiến công trên các hướng. Ngay từ đầu, Đại đội súng máy phòng không 12 ly 7 thuộc Trung đoàn 1 bắn trả linh hoạt và chính xác, làm cho một số trực thăng bốc cháy, làm rối đội hình đổ bộ của địch. Quân địch đã tập trung binh lực đánh dữ dội vào đội hình đại đội, làm thương vong, tổn thất nặng. Đến cuối ngày, quân địch tăng cường lực lượng bao vây, bộ binh tràn vào trận địa của quân ta. Thế trận trên toàn tuyến lúc này quân ta chiến đấu kiên cường, do thế trận bị động, bất ngờ, tình thế ngày càng khó khăn. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, Trung đoàn nhận lệnh của cấp trên, rút lui rời khỏi Khánh Thượng.

Phút mặc niệm tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh.
“Riêng Đại đội súng máy phòng không 12 ly 7 bị đánh ác liệt, thiệt hại nặng về quân số. Với truyền thống đánh giặc “Thà hy sinh, quyết không đầu hàng”, các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường và quyết tử, chỉ còn một bộ phận sống sót, vừa chiến đấu vừa rút lui ra ngoài. Trên khắp trận địa chìm ngập trong khói lửa mịt mùng, các anh đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng", Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 1 tại TP.Đà Nẵng kể lại.
Chiếc ba lô còn lại
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy trải lòng, những ai đi qua chiến tranh rồi mới thấu hiểu, để có được độc lập, tự do, đòi hỏi người lính dám hy sinh để giành chiến thắng trong từng trận đánh. Có trận đánh, hy sinh cả đơn vị. Chiến tranh ác liệt là vậy. Thất bại trận này để bày trận khác, lớp trước thương vong, tổn thất, để lớp sau tiến lên. Cho đến những đoàn quân cuối cùng đã giành thắng lợi vẻ vang trong ngày 30/4/1975.
Ngày hôm nay, đất nước thanh bình. Chúng tôi vẫn luôn canh cánh nỗi nhớ thương đồng đội. Mỗi lần trở lại chiến trường xưa là mỗi lần nghẹn ngào cảm xúc. Các anh đã ngã xuống để sự sống được hồi sinh. Chúng tôi đang sống, trong đó có một phần sống của đồng đội đã hy sinh.
Trong trận đánh không cân sức ấy, nhiều người đã ngã xuống, chỉ còn số ít may mắn sống sót. Theo thời gian, vùng đất oanh liệt năm xưa đã đổi thay, những ngôi nhà mọc lên, những cánh đồng lúa, vườn rau trải màu xanh ngát, nhưng niềm thương nhớ đồng đội vẫn còn đọng mãi trong các CCB. Năm 2009, các CCB đóng góp xây dựng bia tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh. Khánh Thượng trở thành điểm hẹn, chốn đi về của những người lính Cụ Hồ. “Ngày xưa, các anh đi đánh trận, tiến công sâu vào lòng địch, công tác hậu cần gặp khó khăn nên cả đại đội có khi chỉ chia nhau một buồng chuối luộc, gói ghém cẩn thận trong chiếc ba lô. Vậy mà tiếng súng của người chiến sĩ trên khắp chiến hào vẫn nổ giòn tan, đến lúc hy sinh, ngã xuống, các anh bụng lép kẹp. Giờ đây, càng nghĩ đến, chúng tôi càng nghẹn lòng, cúi đầu để cho nước mắt mình tự rơi”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Huy hồi tưởng.
Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Nguyên (78 tuổi) nhà ở TP.Quảng Ngãi, nhưng ngay từ sáng sớm đã có mặt ở thôn Khánh Thượng để sửa soạn mâm cúng. Ông Nguyên cho hay, anh Cò - Đại đội phó, anh Cao, anh Tân y tế... đều đã hy sinh trong trận đánh ấy. Năm nào, tôi cũng về thắp hương tưởng nhớ các anh. Năm nay, cảm xúc thật khó tả, nghẹn ngào. Dù 59 năm đã trôi qua, bây giờ ai cũng đã lớn tuổi, nhưng thương nhớ vẫn còn đọng mãi.

Ông Nguyễn Trọng Nguyên bên chiếc ba lô đã cũ được treo ngay ngắn phía sau bia tưởng niệm, nhớ về đồng đội đã ngã xuống.
Bắt gặp hình ảnh chiếc ba lô sờn màu cùng đôi dép cao su được treo ngay ngắn phía sau bia tưởng niệm, ai nấy đều bùi ngùi xúc động. Chiếc ba lô, kỷ vật gắn liền của những người lính gợi nhớ về một thời thanh xuân đã qua. Cựu chiến binh Trương Thị Lai (80 tuổi), ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) khóe mắt rưng rưng bảo, chiếc ba lô ấy là của đồng chí Trần Văn Tần (82 tuổi), hiện ở Đà Nẵng, nguyên là xạ thủ Đại đội Súng máy phòng không 12 ly 7. Đồng chí Tần khi đó bị trọng thương, may mắn sống sót. Sau khi làm bia tưởng niệm, đồng chí Tần đã mang chiếc ba lô của mình vào đặt tại đây, để nhớ về một thời tuổi trẻ, nhớ về kỷ niệm hành trang cùng đồng đội và cả nỗi niềm thương nhớ đồng đội đã hy sinh. Tối hôm trước, đồng chí Dương Quang Sen (92 tuổi), hiện sống ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa), nguyên là Chính trị viên Đại đội Súng máy phòng không 12 ly 7, gọi điện cho chúng tôi nói rằng, năm nay đồng chí không về dự được. Các em thay anh thắp nén nhang cho đồng đội. Với chúng tôi, những đồng chí đã hy sinh cũng là một phần máu thịt của mình. Khi còn sống, chúng tôi còn tiếp tục làm lễ giỗ các liệt sĩ. Đồng đội ơi...”, bà Lai nghẹn ngào.