Ký ức không quên của những học trò miền Nam về Bác Hồ
Những lời Bác Hồ dặn dò đã ghi dấu sâu đậm trong trái tim của các học trò miền Nam, trở thành hành trang quý giá và là động lực để họ cống hiến cho quê hương.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, hơn 32.000 học sinh miền Nam được gửi ra miền Bắc học tập, phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Trong những học sinh ngày ấy, nhiều người đã có cơ duyên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó cũng là kỷ niệm đặc biệt mà họ luôn nâng niu như một phần ký ức quý báu của đời mình.

Nhà giáo Lê Minh Ngọc, một trong những học trò miền Nam tập kết ra Bắc học tập và có cơ duyên được gặp Bác Hồ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Nhớ mãi lời Bác dặn để thành người tốt
Những ngày tháng 5 này, chúng tôi có dịp gặp nhà giáo Lê Minh Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM. Ở tuổi 82, dẫu dấu vết thời gian đã in hằn lên gương mặt, ánh mắt bà Ngọc vẫn sáng rỡ khi nhớ về lần đầu gặp Bác.
Bà Lê Minh Ngọc là một trong hàng ngàn học sinh miền Nam được chọn theo đoàn tập kết ra Bắc để học tập. Năm 1959, bà đang học tại Hải Phòng thì nghe thầy cô thông báo chuẩn bị hành lý để đến Thủ đô Hà Nội.
Chuyến đi ấy diễn ra đúng dịp Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam và bà Ngọc cùng nhiều học sinh khác, đã vinh dự được tham dự buổi gặp mặt thân tình giữa hai vị lãnh đạo.


Bà Lê Minh Ngọc khi còn học tập tại miền Bắc. Ảnh: NVCC
Trong buổi gặp gỡ hôm ấy, Bác nhẹ nhàng ôm cô bé Lê Minh Ngọc vào lòng và hỏi han: “Cháu ở miền Nam nhớ nhà lắm phải không? Nhớ mẹ lắm phải không? Nhớ bao nhiêu thì cố gắng mà học, tu dưỡng cho tốt bấy nhiêu. Tu dưỡng để mai này về miền Nam phục vụ”. Sau những lời dặn dò chan chứa yêu thương, Bác ân cần sắp xếp chỗ ngồi, để em bé miền Nam nhỏ nhắn ấy ngồi giữa Người và vị khách quý.
“Lời Bác giản dị mà thấm thía đã in đậm trong trái tim tôi. Tôi cũng nhớ mãi niềm hạnh phúc rưng rưng, vừa hồi hộp vừa vui mừng khi được ngồi giữa Người và Tổng thống Sukarno. Cảm giác ấy, đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn”- bà Ngọc bồi hồi kể.
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, bà Lê Minh Ngọc may mắn được gặp Bác một lần nữa khi Bác về thăm trường học sinh miền Nam số 6 tại Hải Phòng.
Theo bà Ngọc, Bác giản dị và gần gũi, Bác không lên phòng khách mà đi thẳng xuống khu bếp, ân cần hỏi han các em học sinh. Hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm trí của những học sinh miền Nam đang học tập tại trường. Những viên kẹo Bác trao, các em không dám ăn mà nâng niu giữ lại, như một lời hứa thầm lặng rằng sẽ sống xứng đáng, sẽ trở thành người tốt như Bác hằng mong.
“Tôi luôn nghĩ rằng nếu ai đó đã một lần được gặp Bác, không thể không trở thành người tốt được”- bà Ngọc tâm tình.

Nhà giáo Lê Minh Ngọc gặp gỡ những người bạn cũ. Ảnh: NVCC
Dù cuộc đời đã trải qua bao thăng trầm, bà Lê Minh Ngọc vẫn chưa bao giờ quên lời Bác dặn năm xưa. Sau ngày đất nước thống nhất, bà trở về TP.HCM và dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.
“Lời của Bác rằng ‘Miền Nam luôn trong trái tim tôi’ không chỉ là một câu nói, mà là tình cảm sâu nặng, thiêng liêng, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trên con đường học tập và trưởng thành”- bà xúc động chia sẻ.
Năm 2000, khi đã nghỉ hưu, nhà giáo Lê Minh Ngọc vẫn không nguôi trăn trở với sự nghiệp trồng người. Bà đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, kiêm giám đốc Quỹ Khuyến học và khởi xướng chương trình “Học bổng 1 và 1”, chắp cánh ước mơ cho hơn 3.000 học sinh nghèo hiếu học.
“Niềm vinh dự lớn nhất của tôi là được bác Mai Chí Thọ tin tưởng giao trọng trách này. Với tôi, ‘1 và 1’ không chỉ là một suất học bổng, mà là sự sẻ chia, là tình người, là cơ hội để các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đi tiếp con đường học vấn”- bà Ngọc nói.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt cũng là một trong những học trò miền Nam được gửi ra miền Bắc học tập khi ấy. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Gần nửa thế kỷ sưu tầm tư liệu về Bác
Cũng là học sinh miền Nam được gửi ra miền Bắc học tập khi ấy, bà Nguyễn Thị Nguyệt (87 tuổi, ngụ quận 1) có cơ duyên hai lần được gặp Bác Hồ.
Lần đầu tiên bà Nguyệt được nhìn thấy Bác là vào năm 1955, trong chuyến thăm các thương binh tại Bệnh viện 303 (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô). Khi ấy, Bác xuất hiện lặng lẽ, giản dị. Bác đến bên giường bệnh của Đại tá Hồ Thị Bi đang điều trị tại bệnh viện và ân cần hỏi han.
Tuy chỉ được đứng nhìn từ xa nhưng dáng đi, gương mặt hiền từ, sự gần gũi và bình dị của Bác in đậm vào tâm trí học sinh Nguyễn Thị Nguyệt.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt thường xuyên dành thời gian kể chuyện về Bác Hồ cho thế hệ trẻ sau này. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Lần gặp khác là khi Bác Hồ về thăm Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng năm 1959. Hôm ấy, không ai hay biết trước mà chỉ có thông báo vắn tắt rằng sẽ có đoàn cán bộ Trung ương ghé qua.
Bà Nguyệt khi đó là đội viên thanh niên cờ đỏ, được phân công đứng trực ở cổng để đón đoàn. Khi chiếc xe dừng lại và Bác Hồ bước xuống, cảm xúc dâng trào mạnh mẽ khiến cô học trò nhỏ không kìm được và vội vàng chạy lại, ôm chầm lấy Bác.
“Trong cuộc gặp sau đó, Bác hỏi han học sinh chúng tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn nhớ như in câu đầu tiên Bác hỏi là ‘các cháu có đói không?’ Câu hỏi đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc của Bác dành cho học trò”- bà Nguyệt xúc động.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt tiếp tục nỗ lực học tập và nhận được cơ hội du học tại Liên Xô. Sau ngày đất nước thống nhất, bà trở về miền Nam và đảm nhận nhiều vị trí công tác.
Nhưng dù ở bất kỳ nơi đâu, trong mọi vai trò, bà vẫn luôn giữ trong lòng những ký ức về Bác Hồ. Đó là nguồn động lực to lớn giúp bà hết lòng cống hiến cho sự phát triển của quê hương.



Bà Nguyệt đã sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ suốt gần 45 năm qua. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Bà không ngừng sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ suốt gần 45 năm qua. Căn nhà của bà tại quận 1 lưu giữ hơn 500 đầu sách và hơn 5.000 bức ảnh quý giá về Bác và xem đó là tài sản vô giá mà bà đã trân trọng gìn giữ cả đời người.
Trong buổi trò chuyện, bà Nguyệt lật giở từng trang album, giới thiệu những bức ảnh về Bác cho chúng tôi xem. Đó là tấm ảnh về những người thân của Bác, lúc Bác sống ở Huế, khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, những hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác với bộ đội, Bác với các cháu thiếu nhi… “Với tôi đây là tài sản vô giá” - bà Nguyệt nói.
Từ khi về hưu, bà Nguyệt cũng thường xuyên đến các trường để kể chuyện về Bác Hồ cho các cháu nhỏ. Ở tuổi 87, bà vẫn nhớ kỹ từng mẫu chuyện, những lời dặn dò thân tình của Bác.
“Tôi coi đó là tình cảm của một người con miền Nam đối với Bác, là trách nhiệm với thế hệ trẻ và hơn hết đó là sự biết ơn vô bờ của tôi dành cho Người”- bà Nguyệt bộc bạch.
Vừa qua, bà đã gửi tặng 1.300 tấm ảnh tư liệu về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày như một món quà nhỏ gửi gắm tình cảm và mong muốn thế hệ trẻ luôn ghi nhớ, học theo gương Bác.
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết nhằm khôi phục hòa bình tại Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương và chính thức kết thúc chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương cùng những điều khoản khác.
Song song với việc tập kết quân đội và cán bộ từ miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Chính phủ quyết định đưa các em học sinh là con của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc để học tập.
Trong 21 năm (1954 - 1975), hơn 32.000 học sinh miền Nam đã tập kết ra miền Bắc. Đây những hạt giống quý báu và sau này là lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển đất nước.