Người phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh cả đời sưu tầm ảnh và kể chuyện Bác Hồ

Giữa lòng TP Hồ Chí Minh hiện đại và sôi động, trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, có một ngôi nhà khiêm nhường nhưng ẩn chứa một kho báu tinh thần quý giá. Đó là ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nguyệt, năm nay đã 87 tuổi, nơi lưu giữ hàng ngàn hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Người phụ nữ ở TP HCM cả đời sưu tập ảnh và kể chuyện Bác Hồ.

Ít ai ngờ giữa chốn phồn hoa đô thị lại tồn tại một không gian ấm cúng, đầy cảm xúc và thiêng liêng đến thế. Đó không chỉ là nơi lưu giữ kỷ vật, mà còn là trái tim, là tâm huyết cả đời của một người phụ nữ từng là nữ quân nhân, người con gái miền Nam ra Bắc tập kết, từng được hai lần vinh dự gặp Bác Hồ.

Bà Nguyệt sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm tháng đất nước còn chia cắt, bà là một trong những nữ quân nhân trẻ ra Bắc tập kết, tham gia học tập và công tác cách mạng. Chính trong những năm tháng ấy, bà đã có hai lần được gặp Bác Hồ - những cuộc gặp đã trở thành dấu mốc thiêng liêng và là động lực để bà dành cả cuộc đời mình gìn giữ ký ức về Người.

 Bà Nguyệt nâng niu từng bức ảnh và kể những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu.

Bà Nguyệt nâng niu từng bức ảnh và kể những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu.

Lần đầu tiên, vào năm 1955, Bác Hồ đến thăm Đại tá Hồ Thị Bi tại Bệnh viện 303 (nay là Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô). Lúc đó, bà Nguyệt còn là một cô bé, chưa được vào gặp Bác vì lý do sức khỏe. Bà chỉ được nhìn thấy Người từ xa - bóng dáng Bác trong chiếc áo nâu giản dị, dáng đi chậm rãi nhưng đầy uy nghiêm. Chính hình ảnh ấy, dù chỉ là thoáng qua, đã in sâu trong tâm trí bà suốt những năm tháng về sau.

Lần thứ hai vào năm 1959, Bác về thăm Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Khi ấy, bà là đội viên thanh niên cờ đỏ được phân công mở cửa đón đoàn. Không ai báo trước là có Bác Hồ, nhưng vừa nhìn thấy Người bước xuống xe, bà như không thể kìm lòng, vội chạy đến ôm chầm lấy Bác. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi trong đời bà, và cũng là kho báu tinh thần mà bà nâng niu gìn giữ suốt đời. "Cho đến giờ, khi nhớ lại cái ôm ấy, tôi vẫn xúc động như lần đầu tiên", bà nghẹn ngào.

 Những tấm ảnh về Bác được bà Nguyệt lưu giữ cẩn thận vào từng cuốn album theo từng chủ đề khác nhau.

Những tấm ảnh về Bác được bà Nguyệt lưu giữ cẩn thận vào từng cuốn album theo từng chủ đề khác nhau.

Từ những lần gặp gỡ ấy, hình ảnh của Bác đã trở thành nguồn cảm hứng thiêng liêng thôi thúc bà Nguyệt bắt đầu hành trình sưu tầm ảnh và tư liệu về Người. Trở về miền Nam sau ngày đất nước thống nhất, bà dành toàn bộ thời gian, công sức và tâm huyết để tìm kiếm từng bức ảnh, từng cuốn sách quý giá về Bác.

Đến nay, trong ngôi nhà nhỏ của mình, bà đã có hơn 500 cuốn sách và hơn 3.000 tấm ảnh về Bác Hồ. Tất cả được bà lưu giữ, sắp xếp cẩn thận trong các album, phân chia theo từng chủ đề: Bác Hồ thời niên thiếu, Bác ra đi tìm đường cứu nước, Bác với bộ đội, Bác với thiếu nhi, Bác ở nước ngoài... Mỗi bức ảnh đều được bà tỉ mỉ ghi chú lại ngày tháng, địa điểm, sự kiện liên quan, rồi ép nhựa, lồng vào bìa, cất giữ kỹ càng.

 Với bà Nguyệt, mỗi tấm ảnh, mỗi câu chuyện về Bác chính là tài sản vô giá.

Với bà Nguyệt, mỗi tấm ảnh, mỗi câu chuyện về Bác chính là tài sản vô giá.

Có những bức ảnh do bạn bè, đồng chí, lãnh đạo tặng, có những tấm do bà tìm kiếm suốt nhiều tháng trời bằng xe đạp. Có lần sang Pháp thăm con gái, bà vẫn tranh thủ thời gian đi đến các hiệu sách, thư viện tìm thêm tư liệu, ảnh về Bác. Trong số kho tư liệu quý giá ấy, có 50 tấm ảnh đầu tiên bà có được từ một cuốn sách mà bà không đủ tiền mua. Bà ra hiệu sách, tha thiết xin trả góp và giữ lại cuốn sách đó. Cô bán sách nhìn bà hồi lâu rồi tặng luôn cuốn sách. Đó là món quà tinh thần vô giá khởi đầu cho cả một hành trình sưu tầm kéo dài hàng chục năm sau...

Tổ chức chuối sự kiện dịp Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Bác Hồ

Nhân dịp Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) và 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2025), TP Hồ Chí Minh tổ chức chuỗi hoạt động chính trị - văn hóa sâu rộng, lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.

Theo đó, Thành phố mang tên Bác tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố là đơn vị thực hiện từ 07h00'-17h00', ngày 19/5/2025, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ (Quận 1).

Triển lãm nội dung hình ảnh triển lãm kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) và 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2025) do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện, từ ngày 19/5-11/6 tại Khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi, tái hiện sinh động hành trình vĩ đại của Người.

Thành phố cũng tổ chức Lễ biểu dương các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2025. Chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) và 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Xuân Trường

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nguoi-phu-nu-o-tp-ho-chi-minh-ca-doi-suu-tam-anh-va-ke-chuyen-bac-ho-177935.html
Zalo