NSƯT Tiến Hợi - Người nghệ sĩ trọn đời hóa thân vào vai Bác Hồ

Với khán giả, mỗi lần NSƯT Tiến Hợi xuất hiện trong vai Bác Hồ là một lần 'gặp lại' Bác – chân thật, xúc động và thiêng liêng.

Khi nhắc đến những nghệ sĩ từng đảm nhận vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sân khấu và điện ảnh Việt Nam, không thể không nhắc đến NSƯT Tiến Hợi – người đã dành hơn ba thập kỷ gắn bó với hình tượng vị lãnh tụ kính yêu. Với hơn 40 lần hóa thân trên sân khấu, điện ảnh, truyền hình và hàng trăm lần trong các chương trình chính luận, lễ hội lớn nhỏ, ông được xem là nghệ sĩ thể hiện thành công nhất hình tượng Bác Hồ trong lòng công chúng.

NSƯT Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn"

NSƯT Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn"

Cơ duyên đầu tiên đến với NSƯT Tiến Hợi vào năm 1987, khi ông còn công tác tại Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn (Quân khu 2). Trong vở "Đêm trắng" của tác giả Lưu Quang Hà, do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng, ông lần đầu vào vai Bác Hồ. Vẻ ngoài hiền hậu, ánh mắt sáng và phong thái đĩnh đạc khiến cả ê-kíp sửng sốt bởi sự tương đồng với nguyên mẫu. Vở diễn sau đó được công diễn hơn 300 suất phục vụ chiến sĩ biên giới phía Bắc.

Tài năng của ông nhanh chóng được khẳng định trong điện ảnh. Năm 1989, ông vào vai Nguyễn Tất Thành trong "Hẹn gặp lại Sài Gòn" của đạo diễn Long Vân. “Tôi nhớ đến vóc dáng thanh mảnh, gương mặt giống Bác thời trẻ, nhất là ánh mắt và giọng nói mang âm điệu đặc trưng của xứ Nghệ”, đạo diễn Long Vân xúc động nói. “Với tôi, Tiến Hợi là một tài năng đặc biệt, rất khó thay thế”.

NSƯT Tiến Hợi (bên trái) thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

NSƯT Tiến Hợi (bên trái) thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của ông là vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Hà Nội mùa đông năm 46" (1997) do NSND Đặng Nhật Minh đạo diễn. NSND Đặng Nhật Minh nhớ lại: “Lúc đó anh Tiến Hợi đang đi diễn ở TP.HCM, đoàn phim phải quay trước các cảnh không có anh. Khi anh ra Hà Nội, cảnh đầu tiên là Bác Hồ nói chuyện với một người dân trong làng. Quay xong, cả đoàn phim vỗ tay rào rào vì quá hài lòng. Anh em đều nói: đây chính là Bác Hồ”.

Một phân đoạn đặc biệt khác mà NSND Đặng Nhật Minh ấn tượng là cảnh Bác ngồi viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. “Một mình Bác ngồi bên ngọn đèn dầu, bên ngoài là đôi vợ chồng nông dân bế con đứng lặng yên. Anh Hợi diễn rất đạt, không cần lời thoại vẫn khiến người xem xúc động”.

NSƯT Tiến Hợi trong "Hà Nội mùa đông năm 46"

NSƯT Tiến Hợi trong "Hà Nội mùa đông năm 46"

NSƯT Tiến Hợi không chỉ đóng vai Bác trong các tác phẩm nghệ thuật mà còn tham gia hàng trăm chương trình chính luận, lễ kỷ niệm lớn của quốc gia. Năm 2013, sách Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận ông là “Nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ qua nhiều thể loại nhất”.

Ông từng chia sẻ: “Đó là một vai diễn mang tính đặc thù – đặc biệt. Được báo chí và giới nghệ thuật đánh giá cao, được nhân dân trong nước và quốc tế mến mộ – đó là niềm vinh dự lớn nhất cuộc đời tôi”.

Không chỉ có thiên phú ngoại hình và giọng nói, ông còn trau dồi lối diễn tiết chế, nhân văn và cảm xúc tự nhiên. Ông không dựng Bác thành một hình mẫu siêu phàm mà khắc họa Người bằng sự gần gũi, giản dị mà vẫn uy nghi, truyền cảm.

NSƯT Lê Chức từng nhận định: “Tiến Hợi có ngoại hình rất gần với Bác, nhất là ở giai đoạn trước năm 1954. Giọng nói, ánh mắt, phong thái đều giống. Ông trời như sinh ra một người để thể hiện hình tượng Bác – nhưng chính Tiến Hợi mới là người biến điều đó thành nghệ thuật sống động”.

Vợ NSƯT Tiến Hợi trong một lần trang điểm cho chồng vào vai Bác Hồ

Vợ NSƯT Tiến Hợi trong một lần trang điểm cho chồng vào vai Bác Hồ

Phía sau ánh hào quang ấy là nghệ sĩ Vương Đạm Thủy – người vợ, người đồng nghiệp và cũng là chuyên gia hóa trang cho Tiến Hợi trong hầu hết các vai diễn Bác Hồ. Chính sự đồng hành thầm lặng ấy đã giúp ông gìn giữ và tái hiện trọn vẹn hình tượng lãnh tụ trên sân khấu.

Sinh năm 1959, quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội, Tiến Hợi gắn bó nhiều năm với Nhà hát Kịch Hà Nội. Ngoài vai Bác Hồ, ông từng đảm nhận nhiều vai diễn trong các vở kịch nổi tiếng như "Xin lĩnh án tử hình", "Vùng lạnh", "Vị thánh trong mơ", "Chùm hài Oái oăm đời!"…

Trên màn ảnh, ông tham gia loạt phim như "Ngọn lửa thành đồng", "Hoa ban trắng", "Người cha và những đứa con", "Người phán xử"… Ông từng giành Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 cho vai Bác Hồ trong "Xin lĩnh án tử hình", Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu toàn quốc 2018 với vai ông Sinh trong "Vùng lạnh".

NSƯT Tiến Hợi qua đời ngày 10/2/2022 tại Hà Nội, hưởng thọ 63 tuổi. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống lớn trong nền nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, những vai diễn của ông – đặc biệt là hình tượng Bác Hồ – sẽ mãi sống trong lòng khán giả.

Trong suốt hơn 30 năm, ông không chỉ “đóng vai” Bác Hồ mà dường như đã “sống cùng” Người. Sự hòa quyện giữa hình thức và tâm hồn, giữa tài năng và trách nhiệm văn hóa đã giúp ông trở thành biểu tượng đặc biệt trong lịch sử sân khấu và điện ảnh Việt Nam.

Với khán giả, mỗi lần NSƯT Tiến Hợi xuất hiện trong vai Bác Hồ là một lần “gặp lại” Bác – chân thật, xúc động và thiêng liêng.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nsut-tien-hoi-nguoi-nghe-si-tron-doi-hoa-than-vao-vai-bac-ho-post1200433.vov
Zalo