Ký ức bị bỏ quên
Suốt hơn 30 năm sống cùng người cha khó tính, tôi suýt tưởng mình chẳng có nhiều kỷ niệm đẹp với cha. Thế nhưng, càng đi sâu vào vùng ký ức xưa cũ, tôi lại ngỡ ngàng nhận ra người cha nghiêm khắc của mình cũng có những lúc rất đỗi dịu dàng...
Từ nhỏ tôi đã quen với hình ảnh cha ngồi bên hiên nhà, khom lưng, tỉ mẩn làm mọi việc bằng tay trái. Năm 1992, cha bị tai nạn và mất bàn tay phải. Tai nạn bất ngờ không chỉ lấy đi một bàn tay của cha mà còn lấy đi nụ cười, sự tự tin, niềm kiêu hãnh của người đàn ông vốn là trụ cột gia đình. Kể từ đó, cha lui về phía sau để mẹ đi làm. Có lẽ, chưa thể chấp nhận sự thay đổi đột ngột này nên cha vô tình trở thành người lạnh lùng, nghiêm khắc. Chị em tôi lớn lên trong nỗi sợ chính người cha thân yêu của mình. Nỗi sợ ấy lớn đến mức che lấp đi mọi ký ức đẹp giữa cha và con gái mà đến tận bây giờ tôi mới tìm lại được.
Mất bàn tay phải, cha không thể rong ruổi trên xe máy như thuở nào. Mất bàn tay phải, cha phải học lại mọi việc từ đầu như đứa trẻ tập cầm thìa, cầm đũa rồi cầm bút, cầm chổi, cầm dao, cầm kéo… Vậy mà tôi lại nhớ từ nhỏ mình rất ngưỡng mộ cha. Bởi cha như một người thợ đa năng có thể sửa mọi thứ hỏng hóc trong nhà chỉ với bàn tay trái. Lớn lên một chút, tôi bắt đầu nhận thức được sự bất tiện và khó khăn của cha mà thầm cảm phục. Chỉ viết vài dòng vào ô ý kiến phụ huynh trong sổ liên lạc của con, cha phải ngồi khom lưng cả buổi nắn nót từng nét chữ run run...
Tôi còn nhớ chuyến đi của hai cha con về quê ngoại cách nhà gần 400km. Khi ấy, tôi 5 tuổi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đi xa một mình với cha. Nếu ở nhà, cha khắt khe, khó gần thì những ngày không có mẹ bên cạnh, cha lại dịu dàng lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Tôi nhớ như in hôm hai cha con ở lại nhà bác cả trên một quả đồi của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhìn các anh lấm lem mặt mũi, tôi thấy mình may mắn biết bao vì được cha ân cần chăm sóc. Xấp xỉ tuổi tôi, các anh phải làm đủ việc từ chăn trâu, nấu cơm, rửa chén đến làm đồng. Còn tôi chẳng khác nào cô công chúa nhỏ của cha trong chuyến đi xa đầu đời.
Ngày ấy, nhà bác chưa có điện lưới nên buổi tối, tôi nằm trằn trọc không ngủ được vì nóng. Cha ngồi dậy mở cửa sổ. Tôi nhìn ra thấy ánh trăng lấp ló trên những ngọn cây. Âm thanh vi vút, xào xạc của gió hòa vào tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Không gian huyền ảo, ma mị càng khiến tôi không ngủ được. Cha nằm bên cạnh hát ru và dùng tay phe phẩy chiếc quạt nan về phía tôi. Lần đầu tiên được cha hát ru, vỗ về, tôi nhắm mắt chìm dần vào cơn mộng mị. Trong giấc mơ, tôi thấy mình được cha cõng trên lưng đi qua con suối, leo qua ngọn đồi, gió thổi du dương mát rượi. Chốc chốc tôi trở mình lại nghe tiếng phành phạch đều đều của chiếc quạt nan.
Nước mắt tôi tự nhiên rơi khi trong đầu bỗng vang lên giọng cha khàn khàn mang cánh cò từ thuở xa xôi đưa tôi vào giấc ngủ đêm nào. Hóa ra, tôi đã có những kỷ niệm quý giá với cha mà trong những thước phim hồi ức ấy, cha tôi có khác nào người cha bước ra từ các bài văn mẫu - người cha mà tôi từng khao khát khi mình còn nhỏ dại.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!