Cẩn trọng với bệnh cúm: Không nên tự ý xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi... không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Một bệnh nhân mắc cúm trong tình trạng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một bệnh nhân mắc cúm trong tình trạng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông Xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm (nhất là thời điểm này tại các tỉnh phía Bắc) là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan qua đường hô hấp như bệnh cúm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Cần phát hiện và điều trị bệnh cúm sớm

Hiện nay, tại một số bệnh viện nhưBệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho nhiều trường hợp mắc cúm trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Đơn cử như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 8 bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).

Bệnh nhân L.V.T. (58 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn. Khoảng ba tuần trước khi nhập viện, ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở. Ông tự điều trị tại nhà trong suốt một tuần, tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân nhập viện tại cơ sở y tế và được xét nghiệm cúm A với kết quả dương tính.

Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng khó thở của bệnh nhân ngày càng trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng, phải tiến hành đặt ống nội khí quản. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt. Tuy nhiên 3 ngày gần đây, sốt cao đã tái phát lên tới 39 độ C. Xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh chóng và tiến tới sốc nhiễm trùng.

Bệnh nhân T. được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Phổi bệnh nhân tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và ứ đọng CO2 nghiêm trọng. Chụp phim phổi cho thấy tổn thương lan rộng khoảng 80-90%, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí, chỉ số CO2 trong máu tăng rất cao.

Tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bệnh nhân được chỉ định đặt ECMO. Sau khi đặt ECMO, các chỉ số sinh tồn của ông tạm thời ổn định nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng nặng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

Trường hợp khác là bệnh nhân V.V.U. (62 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trước khi nhập viện khoảng 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế 2 ngày, nhưng tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản. Sau khi có kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau 2 tuần điều trị, tiên lượng của bệnh nhân vẫn rất nặng. Hiện tại, bệnh nhân vẫn phải duy trì đặt ống nội khí quản và ăn qua sonde dạ dày do không thể tự ăn.

Thạc sỹ Võ Đức Linh - Trung tâm Hồi sức tích cực cảnh báo, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh. Trường hợp của bệnh nhân U. tình trạng suy hô hấp tăng rất nhanh chỉ trong 2-3 ngày, khiến bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản trong thời gian ngắn.

Không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà

Thạc sỹ Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024 ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), số tử vong tăng 5 trường hợp.

Trong năm 2024, cả nước ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cúm cao như: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162).

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh cúm nguy hiểm do tính lây lan nhanh và gây dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: Đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Do đó, người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới ngày 7/1/2025, tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae. Đáng lưu ý khi tỷ lệ mắc các hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa lễ hội Xuân và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, cúm gia cầm…

Các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới và chủ động triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.

Hiện nay, tiêm vaccine là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Ở người già, vaccine cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm./.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

• Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;

• Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi);

• Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;

• Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh;

• Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-trong-voi-benh-cum-khong-nen-tu-y-xet-nghiem-va-mua-thuoc-dieu-tri-tai-nha-post1010832.vnp
Zalo