Kỳ tích mới của ngành rau quả

Cuối năm nhiều mặt hàng trái cây thu hẹp nguồn nguyên liệu do trái vụ, tuy nhiên xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng. Dự báo, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể vượt mốc 7 tỷ USD.

Trái bưởi được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh và Mỹ. Ảnh: N.Nam.

Trái bưởi được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh và Mỹ. Ảnh: N.Nam.

10 tháng, xuất khẩu vượt 6 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đã đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên dù chưa hết năm nhưng xuất khẩu rau quả Việt Nam vượt mốc 6 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục khởi sắc và có thể vượt mọi dự báo, đạt mốc kỷ lục mới 7,5 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD so với năm ngoái. Sầu riêng và xoài là 2 nhóm hàng xuất khẩu mạnh với nhiều tín hiệu khả quan.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng mạnh nhất, giá sầu riêng tăng cao gấp đôi ngay từ những tháng đầu năm, hiện giữ mức kỷ lục 165.000 đồng/kg. Các thị trường như Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với mức ở hai con số.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng với kết quả tích cực này, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mọi dự báo và có thể đạt 7,5 tỷ USD - một kỷ lục mới, tăng 1,8 tỷ USD so với mức thực hiện năm 2023.

Cũng theo ông Nguyên, sầu riêng là loại trái cây mang lại kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ sầu riêng Tây Nguyên kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn có hàng trái vụ nhờ kỹ thuật rải vụ tốt của nông dân. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD.

Dự báo về thị trường trong các tháng cuối năm, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công thương nhận định, xuất khẩu rau quả tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do và các nghị định thư. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, một số loại trái cây xuất khẩu chủ lực như sầu riêng, xoài, mít, nhãn… vào vụ nghịch sẽ khiến nguồn cung thu hẹp. Dù vậy, do đã vượt mốc 6 tỷ USD sau 10 tháng, nên trong 2 tháng còn lại của năm nay, chỉ cần duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 500 triệu USD/tháng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt mốc 7 tỷ USD.

Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch

Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây quan trọng cho thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Việt Nam có diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha với tổng sản lượng khoảng trên 14 triệu tấn thu hoạch hàng năm.

Một lợi thế nữa cho rau củ quả Việt Nam, đó là người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông sản rau quả sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, giá thành hợp lý, đây là điểm mạnh của rau quả Việt Nam. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả xuất khẩu của Việt Nam, như Hiệp định ACFTA (Trung Quốc và các nước ASEAN), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch cho Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen.

Mặc dù có nhiều lợi thế song rau quả Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc vừa phải cạnh tranh với rau quả Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia... Do đó, theo ông Đặng Phúc Nguyên, các doanh nghiệp (DN) Việt cần nắm bắt thời vụ sản xuất để điều chỉnh lịch sản xuất, xuất khẩu tránh bị cạnh tranh. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu các công nghệ tiên tiến bảo quản, chế biến rau quả.

Bên cạnh đó, DN cần đa dạng sản phẩm, không chỉ tập trung vào một vài loại trái cây mà cần đa dạng hóa sản phẩm kể cả sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng về mẫu mã và xuất xứ.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), ông Nguyễn Trung Kiên cũng cho rằng DN xuất khẩu cần thay đổi cách nhìn trong khai thác thị trường Trung Quốc, phải thấy rằng đây là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe nên xuất khẩu cần chuyển mạnh sang chính ngạch, hướng tới sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao, bền vững.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-tich-moi-cua-nganh-rau-qua-10294922.html
Zalo