Mang bánh gio của dân tộc Tày đến với người tiêu dùng cả nước

Từ hộ sản xuất nhỏ lẻ, chị Lộc Thị Chanh đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Bánh gio Nông Thượng chuyên sản xuất bánh gio ba góc, giữ gìn hương vị món bánh đặc sản của quê hương và góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

 Chị Lộc Thị Chanh (thôn Cốc Muổng, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) đưa món bánh gio chinh phục thị trường

Chị Lộc Thị Chanh (thôn Cốc Muổng, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) đưa món bánh gio chinh phục thị trường

Với người dân Bắc Kạn, bánh gio là món ăn truyền thống không thể thiếu vào mỗi dịp lễ lớn trong năm. Nhận thấy có có rất nhiều người yêu thích món bánh truyền thống của địa phương, chị Lộc Thị Chanh đã ấp ủ ước mơ lập nghiệp bằng chính món bánh đặc sản truyền thống độc đáo của dân tộc Tày mình.

Chị Chanh tiết lộ: Để có những chiếc bánh gio dẻo, ngon, mẫu mã đẹp ngoài việc lựa chọn gạo nếp ra thì nước gio là thành phần quan trọng nhất tạo nên hương vị riêng của bánh. Gio thường được để nguội, bọc vào trong vải xô hoặc rổ tre kín mắt, sau đó châm nước đun sôi để nguội vào bọc gio và hứng lấy nước. Món bánh gio có ngon hay không, màu sắc có đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn làm nước gio này.

Chị Lộc Thị Chanh áp dụng khoa học công nghệ để làm bánh gio giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực

Chị Lộc Thị Chanh áp dụng khoa học công nghệ để làm bánh gio giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực

Tiếp đến, người làm bánh phải kỳ công, tỉ mỉ để luộc, ninh bánh trong nhiều giờ, để bánh được chín mềm, dẻo sánh. "Trước đây khi ninh bằng bếp củi, phải chia thành nhiều nồi, do mức nhiệt không giống nhau nên chất lượng bánh không đồng đều. Hiện nay chúng tôi ninh bánh bằng nồi điện trong thời gian từ 3 đến 4 giờ đồng hồ là hoàn thành mẻ bánh khoảng 2.000 chiếc. Với cách làm này chúng tôi vừa tiết kiệm được thời gian, nhân lực, mà bánh chín đều hơn", chị Chanh chia sẻ.

Chinh phục những thị trường mới

Để đưa món bánh truyền thống tiếp cận đến với nhiều khách hàng hơn, chị Chanh cho biết: "Tôi nghĩ, thay vì chỉ sản xuất bánh cho dịp lễ tết, tôi nên giới thiệu rộng rãi để mọi người biết và thưởng thức, đồng thời bán bánh để tăng thu nhập cho bản thân và cộng đồng. Tôi đã tìm đến mạng xã hội để tiếp cận các thị trường mới. Ban đầu, khó khăn nhiều lắm vì kỹ năng kỹ thuật số của chúng tôi khá yếu, kiến thức đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, chúng tôi gần như không có kinh nghiệm mà công nghệ tiến bộ từng ngày nên không cách nào khác là phải học hỏi để cập nhật kiến thức, mở rộng quy mô sản xuất, đưa món bánh là niềm tự hào của dân tộc Tày đến với người tiêu dùng cả nước".

Chị Chanh tìm đến mạng xã hội để tiếp cận các thị trường mới.

Chị Chanh tìm đến mạng xã hội để tiếp cận các thị trường mới.

Bất chấp rào cản về kỹ năng, chị Lộc Thị Chanh dần tiếp cận với thị trường bằng cách tham gia vào thương mại điện tử. Nếu như trước đây, bánh của chị được bán online từ Bắc Kạn, ở khu vực miền Bắc, thì từ khi hợp tác xã tham gia hoạt động nhiều hơn trên mạng xã hội, chị đã có nhiều đơn đặt hàng đến từ miền Nam. Nhu cầu tăng cao này đánh một dấu mốc quan trọng đối Hợp tác xã Bánh gio Nông Thượng.

Thị trường ngày càng mở rộng đến nhiều tỉnh phía Nam, lo ngại về chất lượng bánh do thời gian giao hàng dài, năm 2023, chị Chanh nắm bắt cơ hội mở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, sử dụng các dịch vụ giao hàng công nghệ để phục vụ lượng khách hàng ngày càng tăng nhanh, điều mà chị chưa từng thử làm trước đây. Hiện tại, chị đã xây dựng được một mạng lưới bán hàng trực tuyến giúp mở rộng quy mô và thương hiệu.

Hợp tác xã Bánh gio Nông Thượng góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Hợp tác xã Bánh gio Nông Thượng góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Hợp tác xã của chị Chanh hiện sản xuất khoảng 10.000 chiếc bánh mỗi ngày, phục vụ cho thị trường địa phương và toàn quốc, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng. Bên cạnh việc sản xuất bánh tại hợp tác xã, chị Chanh còn sẵn sàng hỗ trợ cho các hộ gia đình đang muốn phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh sản xuất bánh gio; tạo việc làm, tăng thu nhập... cho phụ nữ trong thôn. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Thành phố Bắc Kạn tổ chức và được vinh dự nhận bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

Chị Lộc Thi Chanh chia sẻ, trong thời gian tới, chị mong muốn được mở rộng nhà xưởng sản xuất, ứng dụng công nghệ để giảm sức lao động, nghiên cứu sử dụng gạo nếp và các cách làm để bánh bảo đảm chất lượng, tăng sản lượng và đưa bánh gio - niềm tự hào của người dân vùng cao chinh phục thêm nhiều thị trường mới.

Lê Hoa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mang-banh-gio-tu-hao-cua-dan-toc-tay-den-voi-nguoi-tieu-dung-ca-nuoc-20241121160709699.htm
Zalo