Người Việt mua hàng online bao nhiêu lần mỗi tháng?

Bình quân mỗi tháng 1 người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện 4 đơn hàng trực tuyến. Với quy mô 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử tiềm năng, cạnh tranh với các thị trường dẫn đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực ASEAN.

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (thuộc Bộ Công thương), cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công thương năm 2024 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hưởng tới phát triển bền vững".

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài. Đến tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%. Các hoạt động dịch vụ đang trên đà sôi động trở lại và tăng cao hơn so với khu vực công nghiệp.

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố ngày 05/11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.

Theo đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại sự kiện

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại sự kiện

"Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới", ông Hoài cho biết.

Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, trong những năm vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung vào các nội dung: Tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công thương; Thúc đẩy phát triển Kinh tế số ngành Công thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp – năng lượng, và dịch vụ logistics.

Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu dẫn chứng rõ hơn, ghi nhận sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử ở nước ta.

Theo ông Tuấn, bình quân mỗi tháng 1 người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện 4 đơn hàng trực tuyến. Với quy mô 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử tiềm năng, cạnh tranh với các thị trường dẫn đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN.

Báo cáo “Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024” đã công bố tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam trong 2023 đã tăng 52,9% so với năm trước đó. Mức tăng của thị trường Thái Lan là 34,1%. Cùng với mức tăng này, Việt Nam đã vượt qua Philippines, trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba khu vực. Indonesia vẫn là thị trường thương mại điện tử lớn nhất.

Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công thương năm 2024

Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công thương năm 2024

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đã chỉ ra thách thức của hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam khi đối diện với những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực này như: Trung Quốc, Mỹ, EU… Đặc biệt là các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới xuất phát từ Trung Quốc như: TEMU, Alibaba, Shein.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước đã áp dụng chuyển đổi số, ông Tuấn nhấn mạnh 5 bước vận dụng vào Việt Nam nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số, từ đó dễ dàng đưa ra giải pháp hỗ trợ hiệu quả, bao gồm: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái các giải pháp phù hợp với bộ tiêu chí; xây dựng công cụ để đánh giá theo bộ tiêu chí; đánh giá trực tuyến mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ; kết nối doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ với các giải pháp.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nguoi-viet-mua-hang-online-bao-nhieu-lan-moi-thang-post358479.html
Zalo