Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025): Người gầy dựng phong trào cách mạng Đà Lạt
Ông trạc độ trên 40 tuổi nhưng mái đầu đã bạc phơ như cước trắng, dáng người thấp đậm, da ngâm đen, tác phong nhanh nhẹn, đôi mắt sáng thông minh và nụ cười bí ẩn mà anh em trong thành thường nói ông có nụ cười demie...
Lần đầu tiên tiếp xúc với ông tôi cảm nhận đó là một con người thân thiện, dễ gần nhưng là một con người luôn giữ nguyên tắc mà nguyên tắc cao nhất của ông là đảm bảo bí mật để an toàn. Buổi gặp đầu tiên đó tôi trong bộ quần áo bị ướt sũng vì mưa rừng, anh Dương đội trưởng đội công tác Thanh niên, sinh viên, học sinh (TNSVHS) Đà Lạt giới thiệu: “Chú Ba, người chỉ đạo cho anh đi tìm để đưa em vào đây đó Nguyên.” Cả ba người cùng cười vui vẻ, sau này tôi mới biết chú Ba là đồng chí Lê Văn Phận, Bí thư Thị ủy Đà Lạt, ông còn có bí danh là Ba Dư hay Năm An…Chú cười rất hiền đưa tay ra bắt tay tôi và hỏi “Cháu lạnh lắm không?”. “Dạ, lạnh nhưng cháu chịu được”. “Ờ, thanh niên mà! Chấp nhận nghe cháu, vì nếu vào cơ quan sớm thì nhiều người nhìn thấy mặt sẽ không bảo đảm bí mật, có thể nguy hiểm cho cháu sau này”.
Lúc ấy tôi đã biết là nhóm chúng tôi sẽ quay về lại thành phố tạo thế hợp pháp trong trường Đại học để hoạt động bí mật nội thành, nhưng chưa nghĩ ra tại sao vào cơ quan Thị ủy lại có thể nguy hiểm sau này! Nhưng cũng không tiện hỏi bởi những năm đó anh em chúng tôi thường hay nói đùa với nhau “Nhiệm vụ cách mạng càng ít thắc mắc càng sống lâu”. Trong khi trước đó, tôi, anh Dương đội trưởng và hai anh em vũ trang đã băng suối vượt rừng suốt một ngày từ đội công tác hướng Nam Thị về đến căn cứ Thị ủy lúc 4 giờ chiều, anh Dương vào báo cáo nhưng ông chưa cho vào.
Tôi ngồi một mình bên gốc thông già giữa rừng, gốc thông to khoảng 2 người ôm với thân cây thẳng đứng bên bờ suối đá, nhìn lên tán thông với cành lá tỏa rộng và vươn cao như sắp đụng vào đỉnh trời, cơn mưa rừng dai dẳng, nặng hạt đổ ào ào trên tấm nilon màu xanh trùm lên người suốt một tiếng đồng hồ. Khoảng 5 giờ chiều, chưa phải muộn nhưng cánh rừng già đã sụp tối, anh Dương quay lại nói “Chờ tí nữa tối hẳn rồi anh em mình vào cơ quan nhé”. Lúc còn là học sinh trung học, quê tôi đã là vùng giải phóng, một vùng quê thuộc chiến trường khu V, ở đó vùng giải phóng rộng, cách mạng đã làm chủ phần lớn nông thôn nên lực lượng mình thường ở lẫn với dân, cơ quan lãnh đạo đặt trong những nhà dân bên chân núi để tiện chỉ đạo, tiện sinh hoạt và tiện bảo vệ kể cả tiện đường rút khi địch càn quét. Nhưng trên cao nguyên này núi rừng điệp trùng, dân cư thưa thớt nên chỉ xây dựng những lõm chính trị trong các xóm ấp nhỏ, còn cơ quan chỉ đạo thường ở trong rừng chọn nơi có địa thế phù hợp cho công tác bố phòng, chiến đấu.
Cơ quan Thị ủy Đà Lạt nằm trong một cánh rừng già, trên một ngọn đồi không cao lắm nhưng có địa thế phòng thủ rất tốt. Bên trái và sau lưng là con suối sâu với vách núi đứng tạo nên vực thẳm, bên phải là con suối rộng và thoai thoải, thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ ăn uống. Xa xuống hạ lưu một tí là bến tắm có những tảng đá to nằm ngổn ngang dưới lòng suối và cả hai bên bờ suối, những cây đại thụ bám rễ trên những tảng đá ven bờ, vươn mình lên cao tỏa tán rộng che kín bầu trời, nước tràn qua những tảng đá đổ xuống như những cái thác nho nhỏ nghe róc rách, xào xạc, nước suối trong veo và lạnh ngắt. Với các nhà quân sự thì nơi đây có lẽ thuận lợi cho công tác chiến đấu chống biệt kích rình mò, đột kích vào cơ quan, thuận lợi đánh địch đi càn và cũng đã tính đường rút lui khi cần. Với tôi, nơi đây còn là một vị trí có cảnh quan đẹp lãng mạn. Dạo ấy vào khoảng cuối tháng Tư, Đà Lạt bắt đầu mùa mưa nhưng rừng Đà Lạt thì mưa sớm hơn, gió vần vũ trên những đỉnh rừng thông và sương mù che lấp các thung lũng. Các ban bệ, đơn vị thuộc Thị ủy nằm rải rác bên các triền đồi với những căn lều được dựng lên bằng những cây rừng nhỏ và lợp bằng tấm nilon đi mưa, ngay bên cạnh là căn hầm chữ A khá chắc chắn để chống phi pháo và cũng có lẽ để chiến đấu khi cần, xa ra ngoài có hầm hào chiến đấu do đơn vị vũ trang đảm nhiệm. Căn lều và hầm của Thường trực Thị ủy được bố trí ở lưng chừng đồi nằm giữa các đơn vị trực thuộc để tiện làm việc và cũng để tiện cho công tác bảo vệ.
Trong bữa cơm tối tại căn lều của Bí thư Thị ủy chỉ có 3 người gồm Bí thư và hai anh em tôi. Thức ăn là cơm độn với bắp khô xay nhỏ, cá suối kho mặn, canh rau rừng gồm các loại như rau tàu bay, rau nút áo và một vài loại khác mà tôi không biết tên nhưng lạ miệng rất ngon. Chú Ba cười nói vui “Hôm nay có khách ngoài thành vào nên mới được một bữa cơm thịnh soạn đây!”. Trong bữa ăn ông hỏi thăm tôi về gia đình, tôi không ngờ là ông biết rất nhiều về quê nội, quê ngoại của tôi kể cả những người bà con xa của phía ngoại tôi. Cuối cùng ông hỏi tôi nhiều về một người phụ nữ mà tôi gọi bằng dì, nhưng tôi chỉ biết chứ không thân quen vì dì là người bà con xa thuộc quê ngoại của mẹ tôi ở trên Phú Sen cách làng tôi khá xa, tôi chỉ được gặp dì một hai lần lúc nhỏ. Tôi đoán hình như đó là người phụ nữ một thời thương nhớ của ông, cho đến lúc ấy bà vẫn chưa lấy chồng, một chút lắng đọng trong ông như gặp lại hình ảnh cố nhân. Qua chuyện trò, tôi nhận ra ông cũng là người đồng hương Tuy Hòa - Phú Yên với tôi.
Sau bữa ăn, chú cháu ngồi uống trà. Anh lính cần vụ lấy ra một gói trà con voi hiệu Quốc Thái bẻ ra một phần tư, pha đậm đặc trong cái ca inox của Mỹ, trà nóng bốc khói thơm lừng được chia ra trong các chén ăn cơm đã rửa sạch. Ông bắt đầu hỏi về tình hình trong Đà Lạt, tôi báo cáo tất cả những gì tôi biết nhất là tình hình tư tưởng trong sinh viên học sinh và lực lượng giáo chức, tình hình đời sống trong dân…Ông hỏi thêm khá kỹ về dân làm vườn, dân lao động tự do, dân mua bán nhất là lực lượng tiểu thương ở chợ Đà Lạt. Tôi bất ngờ khi ông hỏi tên mấy chị, mấy bà má ở chợ Đà Lạt từng giúp đỡ hỗ trợ cho phong trào tranh đấu của SVHS. Qua chuyện trò tôi ngạc nhiên vì ông biết rất nhiều về Đà Lạt, từng con đường, góc phố, các quán cà phê, tiệm ăn, kể cả những nhân sĩ trí thức, những Đại Đức, Linh mục… và những nhân vật trong chính quyền Tuyên Đức - Đà Lạt làm tôi có cảm giác như chúng tôi đang ngồi nói chuyện ở giữa thành phố. Có những chuyện ông hỏi mà tôi không biết nên lúng túng không trả lời được, ông chỉ cười nhẹ nói “không sao, dần dần cháu sẽ có thói quen nắm tình hình tốt thôi”.
Tôi ở cơ quan Thị ủy được vài ngày, chú Ba có 2 buổi lên lớp cho tôi về tình hình quốc tế, trong nước và chiến trường Miền Nam trong đó ông nói sâu về tình hình đô thị. Là một sinh viên ham tìm hiểu nên tôi thường chủ quan về kiến thức của mình, nhưng tôi lại bất ngờ về kiến thức khá sâu rộng của chú Ba Dư. Ông có dáng dấp của một nông dân nhưng hiểu biết của ông thật phong phú, ông đã trang bị cho tôi rất nhiều nhận thức mới với cách lập luận khá khoa học, cho tôi nhận ra rằng hiểu biết của mình còn nhiều hạn chế thậm chí có cái còn sai lệch. Sau này tôi còn được biết ông không chỉ thuyết phục được đám sinh viên chúng tôi mà cả các giáo sư (từ thường gọi các thầy giáo dạy trung, đại học thời đó) nhà văn, nhân sĩ, trí thức… trong thành ra tiếp xúc cũng đều cảm phục ông cả về trí tuệ và nhân cách. Nhân các dịp tết hoặc hè, anh em nội thành chúng tôi thường được triệu tập ra căn cứ để học tập tình hình nhiệm vụ mới, lần nào ra rừng tôi cũng được đưa về Thị thăm và làm việc với chú Ba. Có lần anh em tôi mạnh dạn đề nghị chú cho phép đánh mìn xe Tỉnh trưởng Nguyễn Hợp Đoàn vì thấy ngon ăn quá! Theo một qui luật chính xác cứ 8h sáng một xe jeep chạy trước, tiếp theo là chiếc xe huê kỳ bóng lộn của Tỉnh trưởng, cuối là chiếc doge đầy lính khóa đuôi chạy qua con đường Cộng Hòa (nay là Lý Tự Trọng). Con đường dốc, hẹp, vắng vẻ, ngoằn ngoèo từ dinh Tỉnh trưởng xuống đường Võ Tánh (Bùi Thị Xuân) ra bờ hồ để đến tòa hành chánh tỉnh, buổi chiều sau 5h thì đoàn xe chạy theo chiều ngược lại. Chỉ cần một trái mìn kích điện là có thể…Sau khi nghe chúng tôi đề xuất ý kiến, chú Ba nghiêm sắc mặt gằn giọng nói ngay: “Manh động! Chú cấm nghe chưa!”. Chúng tôi cụt hứng ngồi im, sau một lúc chú nói: “Nhiệm vụ của các cháu là công tác vận động chính trị, đó là nhiệm vụ quan trọng chứ giết một vài thằng chẳng làm thay đổi được gì! Tỉnh trưởng này chết sẽ có thằng khác thay thế, tụi nó không thiếu người làm tỉnh trưởng đâu! Nhưng nó sẽ xóa sổ tụi cháu ngay lập tức!”. Có lúc chúng tôi lại sôi nổi, hăm hở tính học theo phong trào đốt xe cảnh sát, đốt xe Mỹ của SVHS Sài Gòn, Huế….ông biết được ông cũng cấm, ông nói: “Hành động đó chỉ làm thỏa mãn tính khinh suất, hiếu thắng và mạo hiểm của thanh niên thôi! Khi nào phong trào chính trị của Nhân dân được đẩy lên thành cao trào tạo ra áp lực của quần chúng lên chế độ, biến thành bạo lực chính trị, kẻ địch nó mới sợ! Chứ các cháu đốt được vài chiếc xe Mỹ thì Mỹ không nghèo được đâu mà nó sẽ đàn áp không nương tay chúng ta sẽ mất trắng!”.
Qua những câu chuyện với đồng chí Bí Thư Thị ủy, tôi ngộ ra ông có một tầm nhìn xa hết sức chiến lược, lý lẽ của ông rất sáng rõ và tính thuyết phục cao. Những ngày đầu giải phóng hầu hết anh em trong đội công tác TNSVHS được điều về thành lập Thành Đoàn Đà Lạt. Lúc này công tác tập họp thanh niên được đặt lên hàng đầu, anh em chia nhau xuống các ấp, khóm, phường để phát động tư tưởng thanh niên bằng những bài chính trị với nội dung “văn hóa mới - con người mới”, ca ngợi những điều tốt đẹp của chế độ XHCN và phê phán những thối nát của chế độ cũ. Hôm đó chú Ba cũng đến dự, ông ngồi nghe một diễn giả trong nhóm chúng tôi thuyết trình từ đầu đến cuối, diễn giả nói rất say sưa hăng máu anh ta phê phán tất tần tật những gì thuộc chế độ cũ từ chính trị, văn hóa, giáo dục, triết học, văn học nghệ thuật đến phong cách, nhân cách…Sau buổi nói chuyện, ông bảo tổ công tác ngồi lại, ông ôn tồn: “Anh em mình nói vậy là không công bằng, không vô tư; chế độ cũ nó có nhiều nhược điểm thậm chí tham nhũng thối nát như ta thường nói hoặc báo chí Sài Gòn trước nay vẫn nói, nhưng không phải cái gì nó cũng hỏng, cũng xấu cả đâu! Vậy chứ trình độ đại học, trình độ nhận thức, nhân cách mà các cháu đang có là ở đâu ra?”. Để anh em suy nghĩ một lúc, ông nói tiếp: “Cùng với việc xóa bỏ cái cũ lạc hậu thì xã hội mới phải biết kế thừa mặt tích cực, mặt tốt của xã hội trước đó. Thanh niên Đà Lạt phần lớn có trình độ văn hóa khá cao, mình nói kiểu vơ đũa cả nắm là không có sức thuyết phục được đâu!”. Cả đám sinh viên chúng tôi thán phục chiều sâu trong tư duy của ông. Anh Nguyễn Hòa một người bạn thân với tôi đã từng cùng tôi vào ra căn cứ tiếp xúc nhiều lần với chú Ba có một nhận xét khá thú vị: “Ông già có thời gian ngồi ghế nhà trường không nhiều nhưng ông có đôi mắt sáng và trí tuệ tuyệt vời. Phải nói ông là con người đặc biệt”.
Chú Ba Dư làm Bí thư Thị ủy Đà Lạt từ 1961, đến 1965 thì ông được giao làm Bí thư Ban cán sự khu VI; nhưng thực ra cũng là để mở rộng hướng, tạo thuận lợi trong chỉ đạo phong trào cách mạng của Đà Lạt. Cho đến năm 1970 ông trở lại làm Bí thư Thị ủy Đà Lạt, xem ra ông đã bám chiến trường Đà Lạt suốt từ năm 1961 cho đến gần hết mùa chiến tranh thì được đưa ra miền Bắc chữa bệnh để đồng chí Nguyễn Thống Nhứt (chú Năm Nhứt) về thay. Sau một thời gian ngắn, đồng chí Năm Nhứt lại đi chữa bệnh, đồng chí Trần Ngọc Trác (chú Tư Ngọc) về thay và chuẩn bị cho giải phóng Đà Lạt.
Đồng chí Lê Văn Phận gắn bó với Đà Lạt gần như từ đầu đến cuối, kể từ sau hiệp định Genève với lực lượng cách mạng mỏng, phong trào cách mạng hầu như không có gì, trải qua bao thăng trầm lúc lên cao, lúc bị chà xát rồi lại gầy dựng lại. Cho đến những năm 70, Đà Lạt mạnh cả về lực lượng chính trị lẫn vũ trang với sự chỉ đạo sắc bén của Thị ủy Đà Lạt, các hoạt động nhịp nhàng, linh hoạt từ căn cứ kháng chiến cho đến nội thành, đã góp phần quan trọng cho ngày chiến thắng. Và thành phố Đà Lạt được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của chú Ba Dư, đồng chí Lê Văn Phận - Bí thư Thị ủy Đà Lạt trong những tháng năm nằm gai nếm mật.
Đà Lạt, những ngày tháng 01 năm 2025