Bảo tồn và phát huy nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông trên rẻo cao

Nghề rèn thủ công của đồng bào Mông nay không phát triển mạnh như xưa, nhưng ở một số vùng, nghề này vẫn được bà con gìn giữ như ở xã vùng cao Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Nghề rèn của đồng bào Mông có từ lâu đời và các sản phẩm rèn của người Mông có tiếng bởi độ bền, tinh xảo với bí quyết riêng, được nhiều người biết đến, như dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng. Bây giờ, nghề rèn thủ công của đồng bào Mông không phát triển mạnh như xưa, nhưng ở một số vùng, nghề này vẫn được bà con gìn giữ như ở xã vùng cao Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Đồng bào Mông rèn dao bằng phương pháp thủ công

Đồng bào Mông rèn dao bằng phương pháp thủ công

Mỗi ngày, từ lò rèn của gia đình anh Mùa Sáy Tủa, ở bản Hang Chú, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La tiếng rèn cùng với tiếng búa đập vào những thanh sắt vẫn vang lên đều đều. Từ lò rèn này, anh đã cho ra rất nhiều sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của bà con nơi đây.

Anh Mùa Sáy Tủa cho biết, hiện lò rèn của anh luôn đỏ lửa quanh năm. Thời điểm nông nhàn anh tập trung rèn dao và các vật dụng khác theo nhu cầu của bà con. Mỗi con dao làm được bán với giá 250.000 – 500.000 đồng tùy theo kích thước lớn nhỏ và loại sắt để rèn. Một tháng trừ chi phí anh thu được khoảng 4 - 5 triệu đồng, giúp cho gia đình có thêm nguồn thu.

“Lò chủ yếu là rèn dao, phần lớn là bán cho bà con trong bản, nhiều người còn đặt trước nữa nhưng lò không kịp để bán. Đến thời điểm làm mùa vụ, khoảng tháng Hai, tháng Ba hàng năm lò lại tôi, luyện và sửa thêm các vật dụng khác, như cuốc, xẻng, dao phát… cho bà con. Mỗi lần sửa tôi lấy giá từ 20.000 – 30.000 đồng tùy vào các vật dụng”, anh Tủa chia sẻ.

Dao nung đỏ được tán đi tán lại

Dao nung đỏ được tán đi tán lại

Để làm ra được 1 sản phẩm đòi hỏi sự tỷ mỷ của người làm. Thời xưa các lò rèn chủ yếu ước lượng sắt để làm nên có lúc thừa, lúc thiếu. Hiện nay, sắt đã được đo cắt và cân nên có thể rèn ra được từng con dao, cái cuốc phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Ví dụ như sản phẩm dao, sắt chủ yếu là từ nhíp ô tô, xích xe máy xúc, lam máy cưa,… được cân đo cắt từng đoạn tùy vào độ dày sắt nặng khoảng 500 gram. Loại nhỏ hơn chỉ từ 300 gram là vừa đủ, tùy vào ý thích và nhu cầu sử dụng của người mua.

Sắt cắt xong được cho vào lò than nung tới khi sắt đỏ lên sẽ bỏ ra, dùng búa tán cho sắt mỏng dần. Cứ cho sắt vào lò nung đỏ rồi tán cho tới khi miếng sắt có độ dài, mỏng và thành hình con dao mới cho vào nước, hoặc dầu nhớt, thân cây chuối để tôi thêm lần nữa tạo thành con dao hoàn chỉnh. Tất cả mọi công đoạn đều được người thợ rèn làm theo phương pháp thủ công, không sử dụng đến các máy mài, máy cắt hỗ trợ.

Các sản phẩm dao của anh Mùa Sáy Tủa làm ra được người dân trong vùng và bà con ở các vùng lân cận như Mai Sơn, Mường La, Trạm Tấu (Yên Bái)… rất coi trọng và tìm đến mua về để sử dung bởi độ bền, chất lượng có tiếng của sản phẩm. Ông Hờ A Và, ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, nếu để sử dụng được lâu dài phải sử dụng dao được đồng bào Mông rèn ra, bởi các loại dao của đồng bào Mông được rèn, tôi luyện hết cả thân dao, nên trong quá trình sử dụng dao cùn, chỉ cần mài đi mài lại là có thể sử dụng lại được. Dao mua ở ngoài chỉ sử dụng được một thời gian là dao không sắc nữa.

Các sản phẩm Dao của đồng bào Mông được người dân trong, ngoài vùng ưa thích, đặt mua nhiều vì độ bền và sắc

Các sản phẩm Dao của đồng bào Mông được người dân trong, ngoài vùng ưa thích, đặt mua nhiều vì độ bền và sắc

Cả xã Hang Chú huyện Bắc Yên ngoài gia đình anh Mùa Sáy Tủa còn 5 nghệ nhân dân tộc Mông nữa cũng đang lưu giữ, phát triển được nghề rèn truyền thống. Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú cho biết, hiện xã đã xây dựng kế hoạch theo Nghị quyết 20 của Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Bắc Yên về bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, Đề án 1719 đề nghị nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì và phát huy các nghề truyền thống của địa phương, trong đó có nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông.

“Hiện nay xã cũng đang rà soát lại các nghệ nhân, những người biết nghề rèn trên địa bàn để bảo tồn, lưu giữ và truyền dậy lại cho thế hệ trẻ. Ngoài ra làm để quảng bá, giới thiệu và bán cho du khách để tăng thu nhập cho các hộ gia đình”, ông Dua cho hay.

Thào Ly/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bao-ton-va-phat-huy-nghe-ren-truyen-thong-cua-dong-bao-mong-tren-reo-cao-post1150191.vov
Zalo