Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng: Phụ nữ - chiến tranh và hòa bình
Trong Thế chiến II, phụ nữ sát cánh nơi tiền tuyến, đảm đương ở hậu phương. Họ là những người thầm lặng mà kiên cường, góp phần làm nên chiến thắng và là lực lượng không thể thiếu trong công cuộc tái thiết khi hòa bình lập lại.

“Nữ hoàng du kích” Lyudmila Pavlichenko với phụ nữ Liên Xô. Ảnh: TASS
Ngày Chiến thắng được kỷ niệm vào ngày 8/5 tại phần lớn các nước châu Âu và ngày 9/5 tại Nga cùng nhiều nước từng thuộc Liên Xô (cũ). Đây là ngày Đức Quốc xã chính thức đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu chiến thắng của phe Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai năm 1945.
Không đứng bên lề
Khi tiếng súng vang lên trên khắp châu Âu và thế giới, phụ nữ không chỉ tiễn người thân ra chiến trường, mà họ cũng trở thành một phần thiết yếu của guồng máy chiến tranh, tham gia vào mọi lĩnh vực mà trước đó chỉ dành cho nam giới.
Nhiều người trong số họ đã đi vào lịch sử như biểu tượng của lòng dũng cảm và khả năng vượt lên số phận. Nữ xạ thủ Lyudmila Pavlichenko của Liên Xô là một trong những tên tuổi nổi bật.
Trong vòng chưa đầy một năm, bà đã tiêu diệt 309 lính Đức Quốc xã, trở thành một trong những tay súng bắn tỉa có thành tích cao nhất thế giới. Truyền thông phương Tây gọi bà là "Quý cô tử thần", một biệt danh vẫn chưa nói lên được sự thông minh, bản lĩnh và lòng yêu nước của người phụ nữ khi ấy mới ngoài 20 tuổi.
Không kém phần đặc biệt là vai trò của Trung đoàn 588, đơn vị không quân đêm của Hồng quân Liên Xô, do phụ nữ đảm nhiệm toàn bộ: từ phi công, hoa tiêu, kỹ thuật viên cho tới thợ máy.

Công chúa Elizabeth (sau này trở thành Nữ hoàng Anh Elizabeth II) trong vai trò thợ máy xe tải đang thay bánh xe ô tô trong Thế chiến II, tháng 4/1945. Ảnh: IWM
Họ được biết đến với cái tên "Phù thủy đêm", những bóng đen lặng lẽ ném bom vào các cứ điểm của quân Đức trong màn đêm, khiến đối phương hoảng loạn tới mức treo thưởng cao cho ai hạ được một chiếc máy bay của họ.
Bằng những chiếc phi cơ huấn luyện cũ kỹ, bay thấp để tránh radar, họ đã biến sự yếu thế về công nghệ thành một chiến thuật hiệu quả và đầy táo bạo.
Không chỉ tại Liên Xô, ở Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác, hàng triệu phụ nữ đã đứng vào hàng ngũ chiến đấu, dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ các y tá trên mặt trận, tình báo viên hoạt động trong lòng địch, cho tới công nhân tại các nhà máy sản xuất vũ khí, xe tăng, máy bay, họ đều góp phần quyết định vào khả năng cầm cự và phản công của phe Đồng minh.
Tạp chí Life (Mỹ) từng mô tả hình ảnh "Rosie the Riveter", người phụ nữ Mỹ trong bộ đồng phục công nghiệp, cơ bắp nổi bật và thần thái quyết đoán, như biểu tượng của cả một thế hệ nữ giới sẵn sàng thay thế nam giới đang ở ngoài mặt trận để giữ vững sản xuất tại hậu phương.
Hình ảnh này đã trở thành biểu tượng của phong trào nữ quyền tại Mỹ, chứng minh rằng phụ nữ cũng có khả năng làm những công việc trước đây chỉ dành cho nam giới.
Ở nước Anh, hàng ngàn phụ nữ bước vào các nhà máy vũ khí, kho vận, xưởng cơ khí, những công việc trước đó hoàn toàn do nam giới đảm nhiệm. Họ vận hành máy móc, sửa chữa xe quân sự, sản xuất vũ khí, thậm chí đào tạo các kỹ năng cơ khí cho tân binh.

Trung đoàn không quân 588 của Liên Xô, với toàn bộ thành viên là nữ. Đức Quốc xã đặt tên cho đơn vị này là “Những phù thủy đêm” - Ảnh: invenusverit.as
Một trong những hình ảnh tiêu biểu là Công chúa Elizabeth, người sau này trở thành Nữ hoàng Elizabeth II, tình nguyện gia nhập Lực lượng Phụ nữ Phụ trợ Lãnh thổ vào năm 1945 với tư cách là một tài xế kiêm thợ máy.
Sự tham gia của bà là một tuyên ngôn mạnh mẽ cho vai trò và năng lực của phụ nữ trong thời chiến, bất kể giai cấp hay thân thế. Theo báo cáo của Chính phủ Anh, vào cuối năm 1943, có 90% phụ nữ đã tham gia làm việc trong lực lượng vũ trang, ngành công nghiệp hoặc các tổ chức thời chiến khác.
Những "công nhân thầm lặng" ấy đảm bảo hậu phương vững chắc và góp phần trực tiếp vào sức mạnh chiến đấu của quân Đồng minh.
Những trụ cột trong thời bình
Bên cạnh chiến thắng, chiến tranh kết thúc để lại không ít đau thương. Từ đống đổ nát của những thành phố bị oanh tạc, chính phụ nữ là những người đầu tiên tham gia chăm sóc người bệnh, dạy dỗ trẻ em, tái lập những hoạt động xã hội căn bản.

Nữ quân nhân Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - Ảnh: PV
Tại nước Đức bại trận, hình ảnh những "Trümmerfrauen", hay phụ nữ thời đổ nát, lục tìm các đống đổ nát, góp nhặt từng viên gạch cho nỗ lực tái thiết đất nước, đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ của sự kiên trì và khả năng nuôi dưỡng.
Phụ nữ cũng dần khẳng định vai trò trên chính trường thời hậu chiến. Họ tham gia các chính phủ và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), góp phần hình thành các chuẩn mực nhân quyền, giáo dục, bình đẳng giới.
Quan điểm về phụ nữ như một lực lượng hỗ trợ dần được thay thế bằng sự công nhận họ là "tác nhân của hòa bình bền vững", như nhiều tuyên bố của UN Women trong thập kỷ qua.
Hòa bình không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh, mà là quá trình hàn gắn vết thương, xây dựng đất nước và phòng ngừa xung đột tái diễn. Trong quá trình đó, sự tham gia của phụ nữ không chỉ là điều kiện cần mà còn là then chốt.
Họ thường mang đến cách tiếp cận khác mang tính toàn diện, nhân bản, với các vấn đề an ninh, phát triển và công lý.
Thế kỷ XXI chứng kiến nhiều cuộc xung đột mới bùng nổ ở Trung Đông, Đông Âu, châu Phi hay Đông Nam Á. Trong bối cảnh ấy, vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình lại càng trở nên cấp thiết.
Không chỉ là những người chăm sóc, phụ nữ ngày nay là sĩ quan, là nhà đàm phán, là chuyên gia chính sách trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam đang cử nhiều nữ sĩ quan tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình tại các phái bộ như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi.
Ngày Chiến thắng 8/5 không chỉ nhắc lại một chiến công quân sự, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm lịch sử, rằng nhân loại không thể để chiến tranh tiếp diễn. Phụ nữ không đứng bên lề, mà là những người chủ động giữ gìn hòa bình thế giới.