Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025)Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh

Cách đây 71 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu', kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ.

Đây là thắng lợi lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam, minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chiều 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cátxtơri, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu

Chiều 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cátxtơri, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu

Quyết định lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, không chỉ làm sụp đổ hoàn toàn cứ điểm quân sự mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, mà còn buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Genève, ký kết hiệp định rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam, chấm dứt chiến tranh xâm lược. Để làm nên chiến công ấy là cả một quá trình kháng chiến gian khổ, trong đó yếu tố then chốt là sự đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cùng việc tổ chức thực hiện kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo.

Từ ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (tháng 12-1946), Đảng ta đã xác định rõ phương châm kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”. Đây không phải là khẩu hiệu chính trị đơn thuần, mà là chiến lược chỉ đạo mang tính cốt lõi, xuyên suốt, phù hợp với điều kiện của đất nước và thực tiễn chiến trường. Trong suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, không chỉ có những người lính nơi trận tiền, mà cả một hậu phương lớn cùng “gồng mình ra trận”.

Với ý chí: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đồng bào các dân tộc trong cả nước, đặc biệt là đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 lượt dân công hỏa tuyến tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược, tải thương, làm đường, xây dựng trận địa; 20.991 xe đạp thô sơ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển khác được huy động cho chiến trường. Đồng bào các dân tộc còn đóng góp 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn 20.000 tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô[1].

Trên mặt trận quân sự, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng thế trận “cả nước đánh giặc” với khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi làng xóm là một pháo đài”. Thực hiện chủ trương động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, tổ chức lực lượng vũ trang truyền thống của dân tộc đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, nâng cao về chất trong tổ chức ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tự vệ. Mỗi thứ quân được xác định chức năng, nhiệm vụ, vai trò riêng nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau cùng phát triển, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, thể hiện tính chất toàn dân.

Thế trận toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt của ta phát triển ngày càng vững chắc, rộng khắp, tạo thành “tấm lưới thiên la địa võng” khổng lồ thường xuyên uy hiếp, vây hãm, khiến thực dân Pháp rơi vào mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, giữa đánh nhanh và kéo dài, giữa phòng ngự và tiến công. Tướng Nava đã phải thừa nhận: “Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc”[2].

Dựa vào thế trận và lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ta đã liên tiếp mở các đòn tiến công chiến lược khắp các chiến trường, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với hàng trăm vạn dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng, không thể thực hiện được ý đồ chiến lược do Nava vạch ra. Quyền chủ động trên chiến trường thuộc về ta. Điện Biên Phủ trở thành nơi địch tập trung binh lực mạnh nhất - yếu tố nằm ngoài dự kiến trong “Kế hoạch Nava”.

Với lực lượng kháng chiến lớn mạnh cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ta đã huy động 5 đại đoàn chủ lực bao vây, tiến công địch, 26 vạn dân công phục vụ chiến dịch, với phương châm “đánh chắc, tiến chắc, đánh chắc thắng”, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã kết thúc, thắng lợi thuộc về ta.

Bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị

71 năm đã trôi qua nhưng những bài học lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn mang tính thời sự, tiếp tục được vận dụng và phát triển trong tình hình mới.

Trước hết, đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thách thức đan xen cả truyền thống lẫn phi truyền thống - từ các mưu đồ xâm phạm chủ quyền biển đảo, không gian mạng, cho đến tác động của các chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng trở nên cấp thiết.

Thứ hai, bài học về tư duy độc lập, sáng tạo, dám quyết, dám chịu trách nhiệm từ Điện Biên Phủ vẫn là kim chỉ nam cho cán bộ, chiến sĩ trong mọi lĩnh vực công tác. Trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, cán bộ các cấp cần phải bản lĩnh, linh hoạt, có khả năng phân tích, nhận diện đúng đắn tình hình, không chủ quan cũng không bi quan, để từ đó đưa ra những quyết sách đúng lúc, đúng tầm.

Thứ ba, bài học về củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, về sự gắn bó máu thịt giữa Đảng - Quân đội - nhân dân chính là yếu tố quyết định sự ổn định chính trị và phát triển đất nước. Chỉ khi nào người dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, lúc ấy mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không thể tồn tại. Do đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là trong thế hệ trẻ, là nhiệm vụ lâu dài và cấp thiết.

Cuối cùng, tinh thần “tự lực, tự cường” từ Điện Biên Phủ cần được phát huy mạnh mẽ trong thời đại hội nhập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế nhưng đồng thời phải không phụ thuộc, không đánh mất bản sắc, chủ động hội nhập có chọn lọc. Đó cũng chính là cách để giữ gìn độc lập, chủ quyền, phát triển đất nước bền vững…

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ làm nên thời khắc lịch sử hào hùng, mà còn để lại cho hôm nay những bài học sâu sắc về tổ chức lực lượng, về niềm tin chiến thắng, và đặc biệt là về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, "tinh thần Điện Biên Phủ" sẽ mãi là ngọn lửa dẫn đường, sức mạnh giúp dân tộc ta vững bước đi lên, vượt qua mọi thử thách, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu và bắt làm tù binh 16.200 tên địch, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh, súng cối, 10 đại đội ngụy bổ sung và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng, không quân...

Tổng số sĩ quan, hạ sĩ địch bị tiêu diệt và bắt sống là 1.766 tên, gồm 1 thiếu tướng, 16 đại tá, trung tá, 353 sĩ quan từ cấp thiếu úy đến thiếu tá, 1.396 hạ sĩ quan. Tổng số máy bay địch bị bắn rơi và phá hủy ở ngay tại mặt trận là 57 chiếc, ngoài ra còn có 5 chiếc bị bắn rơi trên tuyến cung cấp cho mặt trận.

Ta thu toàn bộ vũ khí kho tàng của địch ở Điện Biên Phủ, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe, 5.915 khẩu súng các loại, 20.000 lít xăng dầu, 21.000 chiếc dù, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y cùng nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng.

Theo Nhandan.vn

[1] Ban Tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1996, tr.202.

[2] Hăngri Nava, Đông Dương hấp hối, Nxb Plong, Pari, 1958, Bản dịch của Viện Sử học.

Thượng tá Vũ Thành Trung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-71-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2025-dien-bien-phu-tran-quyet-chien-chien-luoc-trong-thoi-dai-ho-chi-minh-701440.html
Zalo