Chiến thắng Điện Biên Phủ – bản hùng ca bất tử của dân tộc Việt Nam

Kể từ ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries vào ngày 7/5/1954, bản hùng ca Điện Biên Phủ đã trở thành một trong những dấu mốc vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đó là chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", khẳng định ý chí bất khuất của một dân tộc nhỏ bé nhưng giàu lòng yêu nước, luôn sẵn sàng hy sinh để giành lấy độc lập, tự do.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiến thắng ấy khép lại chín năm trường kỳ kháng chiến (1945–1954) chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và âm mưu can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ vào bán đảo Đông Dương. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước non trẻ bước vào cuộc chiến không cân sức: Một bên là lực lượng quân sự hiện đại với sự hậu thuẫn từ phương Tây, bên kia là nhân dân Việt Nam, phần lớn xuất thân từ nông dân, tay súng thô sơ nhưng tinh thần quyết tử vì Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân đã đồng lòng đứng lên, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bền vững. Những chiến dịch lớn như Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950, Trung du, Hòa Bình… lần lượt được triển khai và giành kết quả quan trọng, làm suy yếu từng bước lực lượng thực dân.

Đặc biệt, từ năm 1953, cục diện chiến trường chuyển biến rõ rệt khi Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành, biết tổ chức những trận đánh lớn, đánh vào những điểm mạnh của địch, biến nơi tưởng chừng bất khả xâm phạm thành mồ chôn giấc mộng xâm lăng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Pháp, được mở màn vào ngày 13/3/1954 và kéo dài gần hai tháng. Với quyết tâm sắt đá và tinh thần "tự lực cánh sinh", hơn 50 nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng vạn dân công hỏa tuyến đã vượt núi, băng rừng, vận chuyển từng bao gạo, viên đạn vào chiến trường. Những con đường kéo pháo bằng tay xuyên qua rừng núi hiểm trở đã trở thành biểu tượng bất diệt của lòng quả cảm và ý chí kiên cường của người lính cụ Hồ.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến dịch được tổ chức bài bản với phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Quân ta từng bước phá vỡ hệ thống cứ điểm phòng ngự vững chắc của Pháp ở lòng chảo Điện Biên, tiến hành chia cắt, bao vây và tiêu diệt từng cụm cứ điểm.

Đến trưa ngày 7/5/1954, tướng chỉ huy De Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Hệ thống phòng ngự bị đánh tan. Toàn bộ chiến dịch khép lại bằng thắng lợi vang dội, chấn động cả thế giới.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn.

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa to lớn và toàn diện. Về chính trị, đó là thất bại quyết định buộc thực dân Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp tại Đông Dương. Từ đây, thế giới lần đầu tiên chính thức công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba quốc gia: Việt Nam, Lào và Campuchia.

Về quân sự, Điện Biên Phủ là thắng lợi chói lọi, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Từ một đội quân nhỏ ban đầu, quân đội ta đã lớn mạnh về tổ chức, vũ khí, tinh thần chiến đấu và trình độ tác chiến. Đặc biệt, việc chọn đúng thời điểm, áp dụng chiến thuật linh hoạt và tinh thần chủ động, sáng tạo trong chiến dịch là yếu tố quyết định thành công.

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Các dân tộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, vốn đang bị thực dân đô hộ, đã nhìn vào Việt Nam như một minh chứng rõ ràng cho khả năng thắng lợi của chính nghĩa trước bạo lực. Từ đó, nhiều quốc gia đã nối tiếp nhau giành lại độc lập, khép lại thời kỳ chủ nghĩa thực dân cũ.

Thắng lợi ấy là kết tinh của lòng yêu nước, của sự hy sinh thầm lặng nơi hậu phương và tinh thần quyết chiến của những người lính nơi tiền tuyến. Mỗi con đường, mỗi khẩu pháo, mỗi người dân gùi gạo, mỗi chiến sĩ nằm lại trong lòng đất Điện Biên… đều góp phần tạo nên chiến công bất tử ấy.

Ngày nay, khi đất nước hòa bình, ngày 7/5 hằng năm trở thành dịp thiêng liêng để các thế hệ Việt Nam tưởng nhớ và tri ân những người đã làm nên lịch sử. Đó cũng là dịp để chúng ta nhắc nhau về giá trị của độc lập, của hòa bình và của lòng yêu nước, những giá trị không bao giờ cũ trong hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Lập Nguyễn

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/chien-thang-dien-bien-phu-ban-hung-ca-bat-tu-cua-dan-toc-viet-nam-477882.html
Zalo