Kỳ II: Thận trọng khi kêu gọi nhà đầu tư 'đánh thức' Bạch Mã

Chưa biết sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư nộp hồ sơ 'ứng tuyển' để 'đánh thức' Bạch Mã đúng như tiềm năng vốn có. Mong rằng, một ngày gần nhất vườn sẽ là điểm nhấn của du lịch sinh thái, điểm đến để 'chữa lành' đẳng cấp.

Sau rất nhiều thăng trầm, đầu thế kỷ XXI, Bạch Mã chính thức mở cửa đón du khách. Một số biệt thự với hàng chục phòng được phục hồi để khai thác. Thế nhưng, trải qua thời gian, việc khai thác du lịch ở Bạch Mã vẫn hoạt động cầm chừng.

Từng nhiều lần trải nghiệm và tiếp xúc với những người yêu cảnh sắc, thiên nhiên nơi này, hầu hết ai cũng mong Bạch Mã sẽ không đi theo “vết xe đổ” như nhiều địa điểm du lịch có địa thế tương tự. Thay vào đó, Bạch Mã cần định hình với lối đi riêng, khai thác du lịch cao cấp nhưng không phá vỡ cảnh quan, thân thiện với môi trường; thu nhiều tiền nhưng không đón nhiều khách.

Thế nhưng, có thực tế là thời tiết Bạch Mã vô cùng khắc nghiệt, lượng mưa bình quân hơn 9.000mm/năm, xếp vào hàng cao nhất thế giới. Điều này khiến việc khai thác du lịch mỗi năm chỉ khoảng 6 tháng, trong khi các quy định khai thác từ mật độ xây dựng, chiều cao công trình, tiếng ồn, môi trường… vô cùng nghiêm ngặt nên khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

Theo đại diện Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ VQG Bạch Mã, lượng khách tham quan Bạch Mã năm 2023 là gần 25.000 lượt, trong đó có hơn 5.700 lượt khách quốc tế và năm 2024, đón hơn 21.000 lượt khách, với gần 5.000 lượt khách quốc tế.

Thời gian qua, VQG Bạch Mã xây dựng, tổ chức các tour chuyên đề như: trải nghiệm thiên nhiên cho học sinh, tour chinh phục thác Đỗ Quyên; tour xem chim; giải chạy bộ vì bảo tồn động vật hoang dã… Ngoài ra, VQG Bạch Mã tiếp tục cho Công ty TNHH Bạch Mã Village thuê môi trường rừng với diện tích 99,4ha tại khu vực thác Trượt để tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái.

Mục tiêu của vườn đang hướng đến đó là xây dựng và đưa vào hoạt động các tour khám phá, mạo hiểm, phát triển dịch vụ cắm trại, xem chim, xem bẫy ảnh, đạp xe chinh phục Bạch Mã… để đa dạng hóa các loại hình du lịch, tăng lượng khách đến Bạch Mã và tăng doanh thu cho đơn vị.

Bàn về câu chuyện phát triển du lịch của Bạch Mã, ông Hoàng Phước Nhật – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Huế cho rằng, tiềm năng danh thắng này vô cùng lớn, không chỉ cảnh quan, đa dạng sinh học mà còn giá trị lịch sử.

Ông Nhật trăn trở, lâu nay vấn đề phát triển du lịch ở đây được ngành du lịch và cả xã hội rất quan tâm. Tiềm năng và tài nguyên để phát triển du lịch nơi đây rất lớn. Song bài toán giữa việc phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị khiến việc phát triển du lịch ở Bạch Mã chưa thực sự xứng với tiềm năng.

Việc VQG Bạch Mã công bố cho thuê hơn 2.500ha rừng để phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được xem là cơ hội để phát huy các tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển du lịch nơi đây, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Vị lãnh đạo ngành du lịch TP. Huế cũng nêu vấn đề về kêu gọi đầu tư vào Bạch Mã cần tiến hành một cách bài bản mà làm sao tìm được nhà đầu tư có tâm và có tầm. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch sinh thái tại VQG Bạch Mã phải đặc biệt chú ý tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, không phá vỡ cảnh quan, môi trường và văn hóa.

“Các công trình xây dựng tại đây phải hài hòa với thiên nhiên và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Một điểm quan trọng nữa là không tổ chức hoạt động du lịch trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Bạch Mã, đảm bảo sự bền vững trong phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên”, ông Nhật nêu quan điểm và nhấn mạnh, ngành du lịch luôn mong muốn thúc đẩy du lịch phát triển, tạo sinh kế và giải quyết việc làm cho người dân. Qua đó, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong khi đó, ở góc nhìn của người làm việc trong lĩnh vực du lịch – lữ hành, bà Dương Thị Công Lý (Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban sản phẩm Hội Lữ hành TP. Huế, Giám đốc Chi nhánh công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội tại Huế) nói, lâu nay việc khai thác tài nguyên du lịch ở VQG Bạch Mã vẫn còn nhiều hạn chế.

Dù đã có các tour du lịch trekking (đi bộ đường dài) trong rừng hay tour cắm trại nhưng thực tế, lượng khách chưa đông. Việc VQG Bạch Mã mời chào các nhà đầu tư đến khai thác hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế xanh tại khu vực miền Trung được xem là cơ hội lớn cho du lịch Huế. Tất nhiên, việc phát triển phải đảm bảo yếu tố bảo tồn các giá trị và bảo vệ rừng.

Bàn về việc “đánh thức” Bạch Mã, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường nhìn nhận nơi này có nhiều khu vực phù hợp để phát triển du lịch bao gồm các khu vực cảnh quan đẹp, giá trị thiên nhiên đặc biệt, có thể phát triển nhiều tuyến du lịch và nhiều chương trình trải nghiệm đặc sắc.

Bạch Mã cũng có nhiều điểm đất trống, nằm trong phân khu dịch vụ hậu cần và cận kề với các thắng cảnh, hay hệ sinh thái tự nhiên rất đặc biệt, do đó có thể quy hoạch thành các điểm du lịch mới. Trong đó có một số khu vực dễ tiếp cận, gần đường giao thông, có hệ thống suối, cảnh quan đẹp, không gian mở, thông thoáng, rất phù hợp.

Bên cạnh việc mở các điểm mới, hiện Bạch Mã có nhiều khu công trình và hạ tầng du lịch đã được đưa vào khai thác, như các khu biệt thự tại đỉnh núi Bạch Mã. Các khu vực này nếu được sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp chắc chắn sẽ là nơi thu hút được lượng khách lưu trú lớn, nhờ các giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học và đặc trưng thời tiết của khu vực đỉnh núi Bạch Mã.

“Trong VQG Bạch Mã các điểm du lịch hiện có và các điểm du lịch tiềm năng đều có thể tiếp cận được bằng xe ô tô và bằng thuyền. Hơn thế, khu vực phía tây của vườn có tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan chạy qua cũng mở ra một khu vực phát triển khu lịch mới rất tiềm năng cho Bạch Mã. Về cơ bản, tuyến đường 1A và cao tốc La Sơn – Túy Loan tạo cho Bạch Mã điều kiện đặc biệt thuận lợi về giao thông, giúp du khách có thể tiếp cận nhanh tới nhiều khu vực thắng cảnh đẹp, vùng có giá trị cảnh quan của Bạch Mã”, ông Đức nói.

Về nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại VQG Bạch Mã, ông Nguyễn Đình Đức một lần nữa khẳng định, phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với chiến lược quốc gia, quy hoạch ngành và địa phương về phát triển du lịch, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội.

Một khi chọn được nhà đầu tư đáp ứng đủ các tiêu chí, ông Đức kỳ vọng dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở Bạch Mã sẽ phát huy giá trị đa dụng của rừng. “Giải pháp này góp phần bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững nhưng cũng tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sống gần rừng. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Đức nói.

Các nhà chuyên môn cũng tỏ ra dè dặt làm sao câu chuyện bảo tồn và khai thác không bị xung đột. Đem vấn đề này trao đổi với ThS. Võ Đình Ba (Giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) - vị này khẳng định, một khi khai thác du lịch ở VQG Bạch Mã chắc chắn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, song cần xét nó ảnh hưởng ở mức độ nào.

Theo cách hiểu của ông Ba từ thông báo “cho thuê môi trường rừng” của VQG Bạch Mã có thể tạm hiểu là những gì hiện có do rừng mang lại và nhà đầu tư thấy có thể sinh lợi thì thuê. Sau khi thuê mà không làm du lịch nữa thì nhà đầu tư trả lại đúng cái “tôi cho anh thuê” - tức đã hàm ý phải bảo vệ rừng, khác với thuê đất lâm nghiệp để làm du lịch.

Với diện tích cho thuê hơn 2.500ha, ông Ba bảo dễ làm cho người yêu Huế, yêu thiên nhiên liên tưởng đến khu du lịch Bà Nà nổi tiếng, song bình tĩnh đọc ở phụ lục đính kèm theo thông báo thì chúng ta thấy các điểm và tuyến cho thuê nằm rải rác, có điểm tại chân núi ở của vườn, có điểm tít trên đường mòn Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Nam Đông cũ, tức là khó có viễn cảnh như Bà Nà.

“Các điểm và vị trí này chỉ thuộc phân khu hành chính, phân khu phục hồi, còn phân khu bảo vệ nghiêm ngặt không cho phép khai thác du lịch thì với trang bị đơn giản, thời gian ngắn và không có người dẫn đường thì du khách không thể tiếp cận được khu này. Với cách thiết kế trên, nếu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết, đơn vị chủ quản quản lý, giám sát tốt thì việc phát triển du lịch sinh thái ở Bạch Mã sẽ đúng nghĩa và bền vững”, vị chuyên gia này phân tích.

Ông cũng bày tỏ quan điểm rất ủng hộ việc phát triển du lịch sinh thái ở Bạch Mã, song đơn vị chủ quản cần nâng cao trình độ quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Quan trọng không kém đó chính là du khách và người dân cùng đồng hành hỗ trợ phát hiện, ngăn chặn những hành vi tổn hại đến rừng và động vật hoang dã.

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/e-magazine/ky-ii-than-trong-khi-keu-goi-nha-dau-tu-danh-thuc-bach-ma-153209.html
Zalo