Kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII: Thảo luận sôi nổi, trách nhiệm tình hình kinh tế - xã hội
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, chiều nay 4/12, phiên thảo luận tại 4 tổ đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của đại biểu về các nội dung liên quan đến tình hình KT-XH, QP-AN và các nhóm vấn đề trọng tâm.
Điều hành phiên thảo luận, tổ trưởng các tổ đề nghị đại biểu tập trung phân tích, làm rõ các nội dung báo cáo thực hiện KT-XH, QP-AN; nhóm vấn đề về phân bổ ngân sách, đầu tư, tài nguyên đất, rừng, dự án đấu thầu quyền sử dụng đất; nhóm vấn đề quy định thẩm quyền quyết định tài chính công và chế độ chính sách; nhóm chính quyền, đô thị; nhóm nghị quyết điều chỉnh...
Góp ý vào tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, QP-AN năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, các đại biểu cho rằng, báo cáo đã đánh giá sát, đúng, đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực. Đồng thời, tập trung phân tích nguyên nhân 4/18 chỉ tiêu KT - XH chỉ tiệm cận với kế hoạch đề ra, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 5,97% (kế hoạch 6,5% - 7%) thấp nhất so với các năm từ 2021-2024; tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chỉ đạt 6,12% (kế hoạch 9,5% - 10%), chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp 5,72% (năm 2023 tăng 13,87%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,82%, bằng mức tăng trưởng của năm 2023...
Về 4 chỉ tiêu chỉ đạt ở mức độ tiệm cận, đại biểu HĐND tỉnh đề nghị xem xét làm rõ cơ sở đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng là 9,5% để có giải pháp thực hiện, đảm bảo tính khả thi. Đề nghị đánh giá, nêu rõ cơ sở thực tiễn để đưa ra những số liệu thống kê về chỉ số GRDP bình quân đầu người, chỉ số tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Đối với GRDP đạt thấp so với kế hoạch, đại biểu chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng đạt thấp, không triển khai được các dự án công nghiệp mới. Các dự án động lực của tỉnh mặc dù có chuyển biến nhưng chủ yếu chỉ mới hoàn thành các thủ tục ban đầu, khối lượng xây dựng chưa nhiều. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 còn chậm, chưa đủ so với tiến độ thực hiện.
Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận thực tế là việc triển khai các dự án đầu tư thời gian qua còn chậm, chưa quyết liệt trong công tác GPMB, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.
Do vậy, phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, chủ động xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan, quyết tâm thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công. Rút kinh nghiệm từ công tác bồi thường GPMB cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh, đại biểu đề nghị tỉnh cần có định hướng, dự báo sớm đối với công tác bồi thường, GPMB đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đại biểu cũng kiến nghị cần rà soát, đánh giá lại các dự án đã cấp chủ trương đầu tư nhưng không triển khai, triển khai chậm, rà soát lại vấn đề cho thuê đất, giao đất, cấp đất để đảm bảo sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), một số đại biểu đề nghị tỉnh cần cân đối, bố trí thêm nguồn lực cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có thể hoàn thành các tiêu chí về đích nông thôn mới (NTM). Đồng thời hướng dẫn rõ tiêu chí xây dựng mô hình thôn thông minh đối với các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Về chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, nhiều đại biểu cho rằng cần xem xét, đánh giá đúng với thực tế. Chú trọng thực hiện tốt các nội dung quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, hỗ trợ đất ở, cấp giấy CNQSD đất ở, đất sản xuất nhằm giúp người dân yên tâm định cư, phát triển sản xuất.
Trên lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đại biểu đề nghị tỉnh nghiên cứu, ban hành các quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án trong hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nội dung các chương trình MTQG.
Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách trung ương và địa phương, trong đó ưu tiên cho ngành giáo dục, các dự án trọng điểm, tái định cư, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện xúc tiến đầu tư.
Đề nghị UBND tỉnh rà soát tổng thể để có phương án bố trí nguồn vốn xây dựng trụ sở cho các xã thực hiện sáp nhập, kể cả các trạm y tế và mạng lưới trường lớp nhằm đảm bảo thuận tiện cho người dân.
Đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại năm 2024, đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, trong các đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, có rất nhiều ý kiến, phản ánh của người dân liên quan đến sự bất cập, thiếu đồng bộ của các công trình phụ trợ khi triển khai các dự án xây dựng các tuyến đường, cầu dân sinh, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn triển khai dự án.
Do vậy, trước khi xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư cần tính toán, xem xét thêm các phương án xây dựng công trình phụ trợ đi kèm để đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý trong quá trình đưa các công trình vào sử dụng.
Mặt khác, năm 2024, tỉ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri còn tương đối thấp (57,3%), nhiều nội dung, vụ việc còn kéo dài, vì vậy các cấp, các ngành và địa phương liên quan cần đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và giải quyết triệt để.
Nhiều đại biểu cũng đã đề xuất các giải pháp để tập trung chỉ đạo, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực; khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn, góp phần làm giảm thiểu tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Tham gia ý kiến về chỉ tiêu biên chế công chức, số người làm việc, hợp đồng lao động và biên chế hội năm 2025; giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã năm 2025.
Ngày mai 5/12, kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ hai.
Thông tin về kỳ họp sẽ được Báo Quảng Trị online tiếp tục cập nhật.