Quan tâm giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri

Thực hiện tốt công tác giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri và Nhân dân; củng cố niềm tin của người dân. Qua đó, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri sẽ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố niềm tin trong Nhân dân

Quan tâm giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri sẽ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố niềm tin trong Nhân dân

Trước và sau Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) đã có 67 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh, thuộc thẩm quyền giải quyết, chỉ đạo của UBND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp, gửi đến UBND tỉnh đề nghị giải quyết theo thẩm quyền. Theo đó, UBND tỉnh đã tiếp thu và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo quy định, đảm bảo quyền lợi thiết thực cho người dân và thông tin, hướng dẫn các nội dung cụ thể để người dân hiểu và chấp hành.

Theo tổng hợp, kết quả có 44 ý kiến, kiến nghị đang giải quyết, xử lý; có 3 ý kiến, kiến nghị đã và đang giải quyết, xử lý; có 20 ý kiến, kiến nghị đã giải quyết, xử lý. Trong đó, có một số ý kiến, kiến nghị được nhiều cử tri trong tỉnh quan tâm, có nhiều lượt ý kiến trùng nhau như: Cử tri phản ánh việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng chậm so với quy định, chi trả không đúng với diện tích trong hợp đồng và mức chi trả hiện nay không tương xứng với công sức của người dân. Đề nghị chi trả đúng, đủ theo quy định và nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng lên cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Liên quan nội dung này, cơ quan chức năng của tỉnh trả lời, vì hiện nay việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được thực hiện theo Văn bản số 7520/UBND-LN ngày 4/10/2022 của UBND tỉnh; theo đó, số lần tạm ứng là 4 lần trong năm và thanh toán số tiền còn lại trước ngày 30/5 của năm sau. Việc tạm ứng và thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở số tiền do bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo từng quý trong năm. Như vậy, căn cứ vào số tiền do bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo từng quý trong năm, từ đó Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng mới có tiền tạm ứng và thanh toán cho bên cung ứng DVMTR (các đơn vị chủ rừng) để tạm ứng và thanh toán cho các hộ nhận khoán theo quy định.

Từ năm 2023, việc chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh thực hiện theo lưu vực từng nhà máy (48 nhóm lưu vực thay vì chi trả theo 2 lưu vực sông Đồng Nai và Sêrêpốk như những năm trước đây), áp dụng đầy đủ 4 hệ số K thành phần theo quy định. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2023 làm cơ sở cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thanh toán số tiền còn lại cho các đơn vị chủ rừng để thanh toán cho các hộ nhận khoán tại Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 14/10/2024 của UBND tỉnh.

Về đơn giá chi trả DVMTR theo quy định tại Điều 69, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2028 của Chính phủ: “căn cứ số tiền DVMTR thực thu năm trước và kết quả xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR để xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR năm trước để chi trả cho bên cung ứng DVMTR”. Vì vậy đơn giá chi trả tiền DVMTR hằng năm phụ thuộc vào số tiền DVMTR thực thu năm trước và kết quả xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ có đất được đưa ra khỏi đất lâm nghiệp, hiện đang sử dụng làm đất ở và đất canh tác nông nghiệp để người dân yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống. Đây là nội dung được cử tri, Nhân dân rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đến cuộc sống hàng ngày. UBND tỉnh trả lời, đối với đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tích đất đưa ra ngoài ranh giới phân loại rừng, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét giải quyết theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ sau khi Phương án sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bàn giao đất cho địa phương quản lý.

Cử tri huyện Đức Trọng và huyện Di Linh đề nghị chỉ đạo, sớm công khai cho dân biết về dự án, diện tích thu hồi đất, giá đền bù hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện thi công cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Vấn đề này hiện nay các cơ quan liên quan đang giải quyết, xử lý. Cụ thể, Dự án đường Cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 và điều chỉnh chủ trương tại Nghị quyết số 277/NQ-HĐND ngày 19/4/2024; tuyến đường có chiều dài khoảng 74 km, chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe; dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng; hiện nay, đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (lập Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt). Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh đã dự kiến thời gian khởi công dự án (tại Văn bản số 439/BQLDA-ĐHDA ngày 26/8/2024). Hiện nay, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án chưa được phê duyệt nên chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và thông tin công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan cho người dân được biết theo quy định của của pháp luật.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202412/quan-tam-giai-quyet-kien-nghi-chinh-dang-cua-cu-tri-b32391d/
Zalo