Kỳ họp bất thường thứ chín, Quốc hội khóa XV: Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực

Tiếp tục Kỳ họp bất thường thứ chín, Quốc hội khóa XV, sáng 14-2, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đề xuất Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với bộ trưởng

Mục tiêu sửa đổi nhằm hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quang cảnh phiên họp ngày 14-2 của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp ngày 14-2 của Quốc hội.

Phát biểu thảo luận, các ý kiến nhấn mạnh, việc hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương là điểm mới nổi bật.

Cơ bản nhất trí với việc dự thảo luật đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền, song các đại biểu Quốc hội cho rằng cần rà soát, hoàn thiện quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm tạo sự chủ động, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu;...

Góp ý vào dự luật, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) thống nhất cao về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại khoản 5 Điều 6 dự thảo luật, trong đó nêu rõ Thủ tướng không quyết định những vấn đề, công việc của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Quy định như vậy là phù hợp với vai trò, tư cách quản trị nền hành chính quốc gia của Thủ tướng. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 6 dự thảo luật nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ; lãnh đạo công tác của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguyên tắc không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho hay, dự luật quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng. Tuy nhiên, chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đại biểu nêu thực tế đã có nhiều trường hợp Bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng. Do đó, đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng. Chẳng hạn, nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó.

Phân cấp, phân quyền nhưng có sự kiểm soát

Cùng quan tâm nội dung này, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh, phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện”. Theo đó, chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; Xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền. Đồng thời, tăng cường giám sát của Trung ương: Thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Về phân cấp, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp và quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hàng năm, quyết định phân cấp phải được Quốc hội đánh giá định kỳ. "Nếu không có cơ chế đánh giá hiệu quả phân cấp, có thể dẫn đến việc giao quyền nhưng không đủ điều kiện thực hiện, gây lãng phí và trì trệ. Chưa kể, việc phân cấp quá mạnh có thể khiến địa phương đưa ra các quyết định không đồng bộ với Trung ương. Áp dụng nguyên tắc “phân cấp linh hoạt”, đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn", đại biểu Trần Văn Khải nêu.

Về ủy quyền, đại biểu đề nghị cần giới hạn phạm vi ủy quyền và bổ sung trách nhiệm giải trình. “Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để tránh chồng chéo...”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nêu ý kiến thảo luận về phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nêu ý kiến thảo luận về phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị, việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực để các chủ thể được phân cấp, phân quyền, ủy quyền "thực hiện khả thi trong thực tế". "Cần chú ý đến vấn đề năng lực thực hiện các chủ thể này để phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả", đại biểu Dương Khắc Mai nêu.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Một vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ, tư duy đột phá nhất trong lần này là hoàn thiện nguyên tắc phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo Hiến định và chủ trương của Đảng nhằm thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo của cả hệ thống hành chính nhà nước, nhất là chính quyền địa phương. Đồng thời tạo hành lang pháp lý quan trọng để có thể tháo gỡ những rào cản về phân cấp, phân quyền, phân định nhiệm vụ cụ thể mà hiện nay đang hiện hữu trong các luật chuyên ngành.

VŨ DUNG-TRỌNG HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ky-hop-bat-thuong-thu-chin-quoc-hoi-khoa-xv-phan-cap-phan-quyen-phai-di-doi-voi-phan-bo-nguon-luc-815653
Zalo