Kỳ 1: 'Cõng' chữ lên… non

Không ít người thắc mắc rằng con chữ chỉ có thể dạy chứ làm sao mà gieo trồng giống như cây cối được? Nhưng không, sau những ngày theo chân các giáo viên bám bản tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi hiểu rằng con chữ đã được họ gieo trồng, chăm chút đúng nghĩa cho học sinh người đồng bào Raglay.

Đằng sau những buổi học là biết bao mồ hôi, nước mắt và sự hy sinh không thể kể hết bằng lời của những người đang từng ngày thực hiện sứ mệnh cao cả của nghề giáo giữa nơi đại ngàn cách trở, xa xôi. Ước mong các con lớn lên với hành trang kiến thức, mai này giúp lại buôn làng. Dù điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, các con còn bữa đói, bữa no, nhưng thầy và trò đã quyết tâm thì dù có vượt nghìn con đèo, lội nghìn con suối vẫn phải làm cho bằng được!

Ban trưa, buôn nghèo vang tiếng con trẻ tập đánh vần, nghe như bản hòa ca ru êm ngân nga vô tận của núi rừng. Nhiều năm trước, một bữa cơm có thịt còn là điều khó đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, huống chi cái chữ! Nhưng nay, 100% các cháu nhỏ nơi đây đã biết đọc thông, tính thạo và còn nhiều hơn những điều bất ngờ về tính hiệu quả của ngành Giáo dục mà chúng tôi chưa hình dung hết. Được vậy, ngoài chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, còn phải kể đến hành trình đầy gian khổ của các thầy cô và nỗ lực của chính các cháu học trò.

Thắp đuốc giữa mù sương

Đã từng nhiều lần lên Tây Bắc, nơi có những cung đường khó đi bậc nhất cả nước, nhưng đến khi tìm lên huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi mới hiểu hết thế nào là sự trắc trở, cheo leo của núi rừng. Từ Tỉnh lộ 656, đoàn chúng tôi men theo con đèo Chín Cụm đặc quánh sương mù, chiếc xe phải "bò” chậm rãi qua từng khúc cua uốn lượn, quanh co, đầy hiểm nguy rình rập. Khánh Sơn rất đẹp và trong xanh, nhưng lẩn khuất đâu đó lại là cảm giác rợn người khi con người nhỏ bé lọt thỏm trong sự hùng vĩ của thiên nhiên. Quăng tầm nhìn qua mấy truông núi, mờ ảo trong cánh rừng mù sương phía xa bên kia nghe nói là Hòn Bà - ngọn núi cao nhất trong cụm rìa cuối cùng của dãy Trường Sơn lượn qua trước khi kết thúc bằng Cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng), nơi còn lưu dấu chân của nhà bác học lừng danh thế giới, vị thầy thuốc từng tìm ra loại vắc-xin cứu cả nhân loại: Bác sĩ Yersin.

Cái mênh mông của đại ngàn kéo tầm nhìn chúng tôi qua bao triền núi. Chợt giật mình nhớ lại nơi mình đang đứng, cách đây 32 năm, vào ngày 14/11/1992 khi chiếc Yak-40 của Hãng hàng không Vietnam Airlines bay đến địa phận xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn), gặp tầng không khí loãng đã bị mất phương hướng rồi va vào sườn núi Ô Kha, để lại câu chuyện đau thương khôn xiết với 30 người thiệt mạng, chỉ duy nhất có nữ hành khách Annette Herfkens sống sót. Ám ảnh hơn khi vụ tai nạn ấy không phải là duy nhất. Trong ngày hôm đó, chiếc máy bay đi tìm cũng rơi đúng điểm trên. Theo những gì người dân địa phương thuật lại, trong thời kháng chiến, nhiều máy bay, trực thăng của đế quốc Mỹ khi bay qua thung lũng Ô Kha cũng chịu chung số phận tương tự!

Lớp học của các học sinh người Raglay ở Khánh Sơn

Lớp học của các học sinh người Raglay ở Khánh Sơn

Không phải tự dưng người ta gọi Khánh Sơn là nơi rừng thiêng nước độc! Chỉ có ở vùng đất này mới hội tụ đủ tinh hoa của đất trời để sản sinh ra các loại trầm hương, kỳ nam đủ sức mê hoặc lòng tham của con người. Biết bao phu trầm đã phó thác sinh mạng cho rừng vì đi theo tiếng gọi của trầm, kỳ. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Biết vậy, nhưng ở giai đoạn hơn hai chục năm đổ về trước, nếu không đi xin của rừng thì người dân địa phương, nhất là với bà con đồng bào Raglay, liệu có kế sinh nhai nào "nhanh thấy" hơn để đắp đổi qua ngày, khi sự học vẫn là định nghĩa quá đỗi xa vời trong suy nghĩ của họ?

Quyết tâm giải được bài toán khó này, Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược dạy chữ cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Độ vài chục năm về trước, khi đường vào buôn làng của người đồng bào Raglay còn khúc khuỷu, sình lầy, lớp lớp thầy cô giáo đã xung phong băng rừng, lội suối, họ thắp đuốc đi giữa mù sương để "gieo" cái chữ theo đúng nghĩa đen của nó tận nơi núi thẳm, rừng sâu.

Băng qua cách trở

Hành trình gieo chữ cho những con người chưa hình dung hết tương lai của cái chữ đương nhiên không hề đơn giản! Sự nghèo khó đã chôn lấp biết bao phận đời, như hạt cây rừng bị vùi dưới hòn đá tảng, mong ngày nắng lên xuyên qua khe nứt, ấp ủ đầy gió núi, mây trời mà nảy mầm, đâm chồi lớn lên. Thì bây giờ, những thầy, cô giáo bám bản làng, bám lấy núi rừng đã dùng cả sức lực, khối óc lẫn trái tim của họ để nạy từng tảng đá, cho hạt kia nảy mầm đón nắng của trời xanh.

Niềm vui của các học sinh trong giờ lên lớp

Niềm vui của các học sinh trong giờ lên lớp

Người Raglay vài chục năm về trước tựa như hạt cây rừng bị vùi lấp sự học, nhờ những trái tim nhiệt huyết giờ đã thay mình đổi khác. Đến nay, 100% các cháu nhỏ được đến lớp, đọc thông, tính thạo và còn nhiều hơn những điều bất ngờ về tính hiệu quả của ngành Giáo dục tỉnh nhà mà chúng tôi chưa hình dung hết. Có được thành quả ấy, đằng sau những buổi học là biết bao mồ hôi, nước mắt, cả sự hy sinh không thể kể hết bằng lời của những người đang từng ngày thực hiện sứ mệnh cao cả của nghề giáo giữa đại ngàn cách trở, xa xôi.

Nhớ lại những năm đầu của thập niên 90 trong thế kỷ trước, thầy Nguyễn Thiện Khiêm - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ba Cụm Nam - không quên được từng trận sốt rét "thập tử nhất sinh" mà các thầy cô giáo người Kinh đều phải nếm trải khi vào trong bưng biền dạy chữ. "Vừa ra trường, tôi được phân công về ngay vùng Khánh Sơn, trở thành chiến sĩ trên mặt trận "xóa nạn mù chữ". Thời ấy, hầu như giáo viên trẻ nào cũng ám ảnh dịch sốt rét. Lên bưng chưa được một tháng, tôi trải qua trận sốt rét kinh người. Thuốc men khi đó vô cùng thiếu thốn, anh em giáo viên chỉ biết đùm bọc, chăm sóc nhau và nương vào người đồng bào để vượt qua khó khăn của những ngày mới hòa nhập. Thoạt đầu, tôi tự đặt câu hỏi cho bản thân: Liệu có thể vượt qua khó khăn để tiếp tục với ước mơ nghề giáo? Vậy mà khi thấy các bài học dạy chữ cho người đồng bào Raglay của chúng tôi phát huy tác dụng, nhìn bà con biết đọc, biết viết, bụng chúng tôi ai nấy cũng mừng rơn, quên hết nhọc nhằn. Ngay lúc đó, tôi đã có câu trả lời cho việc tiếp tục ở lại bám trụ hay về" - thầy Khiêm tâm sự.

Còn đối với thầy Trần Hữu Năm - Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc nội trú Khánh Sơn - thì những chuyến băng rừng đi dạy học đầy hiểm nguy luôn là kỷ niệm in hằn trong hành trình dạy chữ của anh ở nơi này. Hồi đó, tuyến Tỉnh lộ 656 lên Khánh Sơn là nỗi ám ảnh cho bất cứ ai khi lưu thông, bởi đường sá rất tệ và sông Tô Hạp vẫn chưa có cây cầu nào nối nhịp đôi bờ. Đông về, vùng duyên hải Nam Trung Bộ "mưa dầm thấm đất". Đó chắc chắn là những ngày các thầy cô giáo vất vả nhất! Chuyện sáng mặc áo trắng đi dạy, chiều về áo chuyển màu "cà phê” do dính bùn đất đã quá thường tình. Thường trực nỗi lo vẫn là những chuyến qua sông bằng đò "bánh xi" (tên gọi dân gian của lốp ôtô, xe máy). Không có cầu, lại quá thiếu thốn phương tiện, người dân địa phương ráp vài chiếc vỏ xe cũ lại với nhau. Vỏ xe được tạo thành một khối, gặp nước nổi lềnh bềnh, vậy là thành chiếc đò tự chế đưa người qua sông. Suốt ngần ấy năm trời, thầy Năm lặng lẽ từ đồng bằng lên rừng sâu dạy chữ bằng chính những phương tiện không tưởng như thế!

Khi nắng lên xuyên qua khe đá, những hạt giống tương lai của người đồng bào Raglay nhờ việc học sẽ được nảy nở, đâm chồi

Khi nắng lên xuyên qua khe đá, những hạt giống tương lai của người đồng bào Raglay nhờ việc học sẽ được nảy nở, đâm chồi

Hầu hết các giáo viên từ vùng khác lên triền Khánh Sơn dạy học đều phải ở lại nhà công vụ đến cuối tuần mới về nhà. Bởi, việc mỗi ngày phải vượt qua dãy đèo quanh co luôn rình rập hiểm nguy để đi đi về về dường như là điều không thể! Nghe nhà công vụ thấy sang, nhưng nó chỉ đủ che nắng, trú mưa, tiện nghi dành cho các thầy cô ở đây còn quá thiếu thốn. Là những người từng "mục sở thị”, chúng tôi tin chắc hễ ai bước vào ngôi nhà công vụ của các thầy cô bám bản chắc chắn sẽ không tránh khỏi nỗi suy tư.

Nhưng vượt lên mọi thử thách, người viết vẫn cảm nhận rõ từng nhịp đập thổn thức vì nghề của các thầy, cô giáo nơi đây. Họ như những ngọn đuốc sáng xua đêm đen để đưa cái chữ lên non, nơi sự học vẫn còn là câu chuyện cấp thiết đầy thách thức.

(Còn tiếp...)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/giao-duc-huong-nghiep/ky-1-cong-chu-len-non_171266.html
Zalo